VỤ TRANH CHẤP Ý TƯỞNG BẢNG CHÚ GIẢI TÊN ĐƯỜNG

Cấp chứng nhận đăng ký quyền tác giả là không sai

Việc này bị ông Phạm Ngọc Hùng khiếu nại vì ông đã có đề án, đã đề nghị thực hiện từ năm 2010 và đã đăng ký bản quyền.

Xung quanh vụ tranh chấp này, nhiều ý kiến cho rằng tuyên truyền lịch sử trên đường phố không phải là ý tưởng mới, tại sao đề án gắn biển phụ đề cho các tuyến phố TP Hà Nội của ông Phạm Ngọc Hùng lại được Cục Bản quyền cấp giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả? Ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền, cho biết: Vấn đề bản quyền không nói đến tính mới mà chỉ xét hình thức thể hiện. Cho nên ý tưởng về chú giải tên đường đã có ai làm hay chưa thì cũng không ảnh hưởng đến tác phẩm đề án gắn biển phụ đề cho các tuyến phố TP Hà Nội đã cấp bản quyền.

Luật sư Phạm Vũ Khánh Toàn (Trưởng Văn phòng luật sư Phạm và Liên danh) cho rằng đề án này được bảo hộ là một “tác phẩm viết”. Người nào sao chép lại câu chữ trong tác phẩm đó là vi phạm về bản quyền nhưng thực hiện ý tưởng đó trên thực tế thì không bị xem là vi phạm.

Ông Toàn cũng cho rằng ông Phạm Ngọc Hùng tuy đã đăng ký quyền tác giả nhưng đây không phải là cách đúng để bảo vệ ý tưởng trong trường hợp này. Tuy nhiên, ông Hùng đã nghĩ ra ý tưởng làm bảng chú giải cho tên đường, đã đề xuất thực hiện từ năm 2010, nay cơ quan chức năng không giao cho ông làm mà lại giao cho đơn vị khác làm khiến ông cảm thấy bất bình cũng là điều dễ hiểu. Xét về góc độ xã hội, những ý tưởng, những bài học kinh nghiệm từ nước ngoài… đều là chất xám cần được tôn trọng, tiếc là pháp luật chưa bảo vệ được dạng chất xám này.

QUỲNH NHƯ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm