Bà T.T.X có căn nhà trên đường Tăng Bạt Hổ, phường Lê Lợi, TP. Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Bất động sản trên được UBND tỉnh Bình Định cấp GCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 1996 mang cả hai vợ chồng bà. Đến năm 2006, chồng tôi qua đời, nhưng không lập di chúc hoặc để lại bất kỳ nghĩa vụ nào khác mà người thừa kế phải thực hiện.
Ngày 3-2-2016, bà X. cùng các con nêu trên đã lập văn bản khai nhận di sản đối với bất động sản này tại Phòng công chứng. Cùng ngày, bà X. cùng các con đã lập Hợp đồng chuyển nhượng cho người khác. Tuy nhiên, trước khi nộp hồ sơ để thực hiện nghĩa vụ tài chính, bà X. đã tìm hiểu và được biết trường hợp bà phải nộp thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập có được từ việc bán 50% khối di sản do chồng bà để lại.
Lý do là trường hợp của bà X. không đảm bảo điều kiện “Có quyền sở hữu nhà ở, quyền sử dụng đất ở tính đến thời điểm chuyển nhượng tối thiểu là 183 ngày” và “Việc xác định quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở căn cứ vào giấy chứng nhận quyền sở hữu, quyền sử dụng nhà ở, đất ở” theo quy định của Nghị định số 65/2013 do Chính phủ ban hành.
“Mặc dù chúng tôi đã có bản cam kết là chỉ sở hữu duy nhất bất động sản trên tại Việt Nam (trong Bản khai lý lịch trích ngang của tôi đã được UBND phường Lê Lợi chứng thực cũng đều thể hiện tôi và các con có địa chỉ thường trú tại 25 Tăng Bạt Hổ). Sau khi hỏi thăm một số cán bộ thuế cũng đều xác nhận như vậy và thẩm quyền của cơ quan thuế địa phương cũng không thể giải quyết khác hơn so với quy định của Nghị định số 65/2013/NĐ-CP và Thông tư hướng dẫn của Bộ Tài chính”, bà X. chia sẻ.
Tuy nhiên theo bà X., Luật thuế TNCN quy định thu nhập được miễn thuế gồm: “Thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, quyền sử dụng đất ở và tài sản gắn liền với đất ở của cá nhân trong trường hợp cá nhân chỉ có một nhà ở, đất ở duy nhất” (Khoản 2, Điều 4).
Còn các Nghị định của Chính phủ, Thông tư của Bộ Tài chính chỉ hướng dẫn rõ hơn chứ không thể làm mất đi hoặc hạn chế quyền lợi của công dân. Với quy định trên, bà X. cho rằng bà và các con chỉ sở hữu duy nhất khối bất động sản trên thì thu nhập từ việc chuyển nhượng khối bất động sản đó phải được miễn thuế.
Cần quy định cụ thể từng trường hợp bán căn nhà duy nhất được miễn thuế thu nhập cá nhân tránh việc lạm thu
Bà X. cho biết đã gửi thắc mắc lên Bộ Tài chính, Tổng Cục Thuế sớm có hướng dẫn cụ thể để các địa phương giải quyết quyền lợi chính đáng của người dân theo đúng quy định của pháp luật. Đến nay bà X cho biết vẫn chưa dám nộp hồ sơ vì nếu nộp thì phải đóng thuế.
Đối với trường hợp của bà X, Tổng Cục Thuế (Bộ Tài chính) cho biết cũng có một số trường hợp tương tự bà X thắc mắc về thuế thu nhập cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản là nhà ở, đất ở duy nhất.
Sau khi báo cáo Bộ Tài chính, căn cứ theo quy định của Luật Thuế thu nhập cá nhân và Nghị định 65/2013, Tổng cục thuế cho biết với trường hợp của bà X được miễn thuế TNCN 50% đối với phần thu nhập từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở duy nhất thuộc sở hữu của bà X theo giấyGCN quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở từ năm 1996.
Đối với phần còn lại (50%) từ chuyển nhượng nhà ở, đất ở của bà X và ba con được hưởng thừa kế do chưa đảm bảo có quyền sở hữu tối thiểu 183 ngày theo quy định Nghị định 65 của Chính phủ nên không đáp ứng điều kiện miễn thuế.
Theo các chuyên gia thuế cần quy định cụ thể đối với từng trường hợp bán căn nhà duy nhất để được miễn thuế, tránh trường hợp lạm thu, người bán nhà duy nhất nộp thuế oan. Ngoài ra các cơ quan ban ngành cần có sự kết nối thông tin để xác nhận đó là căn nhà duy nhất cho người dân, tránh trường hợp rối cho chính cơ quan thuế, đưa ra quyết định hợp tình, hợp lý.