Từ tháng 12-2020 đến nay, tình trạng nghẽn lệnh nghiêm trọng liên tục xảy ra tại Sở Giao dịch chứng khoán TP.HCM (HOSE), gây bức xúc cho các nhà đầu tư và doanh nghiệp niêm yết trên sàn này. Sự chậm chạp trong đổi mới công nghệ, đầu tư không tương xứng với quy mô thị trường… được xem là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng trên.
Thất thủ vì không làm chủ hệ thống giao dịch
Tại lễ kỷ niệm 20 năm thành lập sàn chứng khoán Việt Nam, ông Vũ Bằng, nguyên Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, kể: Người Thái Lan đã tặng Việt Nam hệ thống giao dịch để vận hành sàn chứng khoán vào năm 2000. Hệ thống giao dịch này đã theo sát sự phát triển của thị trường chứng khoán Việt Nam cho đến nay, tức 21 năm.
Điều đáng nói, hệ thống giao dịch gắn mác Thái Lan nhưng phần mềm, kỹ thuật lại thuộc về người Mỹ, có nguồn gốc từ Sở Giao dịch chứng khoán Chicago. “Đây chính là lý do Việt Nam không thể làm chủ hệ thống giao dịch do vướng rào cản về bản quyền” - ông Vũ Bằng nói.
Tổng giám đốc HOSE Lê Hải Trà cho biết thêm, hệ thống giao dịch này đã từng bước được nâng cấp. Tuy nhiên, thiết kế hệ thống giao dịch của HOSE chỉ có công suất 900.000 lệnh/phiên và công suất này vẫn ổn cho đến giữa năm 2020.
Nhưng khi dịch bệnh xảy ra, lãi suất giảm thấp, các kênh đầu tư truyền thống không nhiều hấp dẫn… khiến nhiều nhà đầu tư chuyển sang tham gia thị trường chứng khoán. “Số lệnh vào sàn nhiều phiên vượt quá số lượng lệnh thiết kế của cả hệ thống, gây hiện tượng nghẽn lệnh. Đây là thực trạng bất khả kháng” - ông Trà thừa nhận.
Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng nguyên nhân chính dẫn đến việc HOSE “thất thủ” kéo dài và nghiêm trọng là do không đầu tư nâng cấp hệ thống một cách bài bản dù đây là sàn giao dịch lớn nhất cả nước, tập trung các doanh nghiệp hàng đầu của Việt Nam. Nhìn về Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) có thể thấy rõ điều này. Theo đó, HNX có quy mô nhỏ hơn, lệnh giao dịch ít hơn, doanh nghiệp ít hơn HOSE nhưng nơi đây đánh giá được sức phát triển mạnh mẽ của chứng khoán nên đã liên tục đầu tư nâng cấp hạ tầng.
Bằng chứng là sau năm lần nâng cấp hạ tầng, sử dụng hệ thống giao dịch Core I5…, HNX đã gia tăng tốc độ và năng lực xử lý của hệ thống đạt 20-30 triệu lệnh trong một phiên giao dịch (HOSE chỉ có 900.000 lệnh/phiên); khả năng xử lý lệnh trong cùng một thời điểm tại HNX lên tới 15.000-20.000 lệnh/giây, tiệm cận với các chuẩn mực và thông lệ quốc tế đang được các sàn chứng khoán lớn như Tokyo, New York áp dụng.
Cuộc tập kích lệnh từ máy tính
Chuyên gia tài chính Trần Đình Phương đánh giá một vấn đề nghiêm trọng khác chính là việc thị trường chứng khoán đã chuyển sang giao dịch tần suất cao (high frequency trading - HFT) bằng cách kết hợp công nghệ phức tạp. Đó là sử dụng trí tuệ nhân tạo và thuật toán máy tính để giao dịch chứng khoán với tốc độ nhanh chóng. Điều này có nghĩa có khi chỉ trong một thời gian ngắn, nhà đầu tư có thể đẩy hàng ngàn lệnh cùng một lúc vào hệ thống giao dịch.
“Chính xác hơn là robot đang thay thế con người giao dịch chứng khoán. Các công ty chứng khoán Việt Nam cũng đang sử dụng công cụ này để giao dịch trên thị trường để kiếm lợi. Với giao dịch tần suất cao như vậy, cộng với nhà đầu tư nhỏ lẻ gia tăng đột biến khiến hệ thống giao dịch của HOSE không thể xử lý nổi nên nghẽn mạng. Tôi cho rằng HOSE biết điều này nhưng do không nắm được mã nguồn để nâng cấp nên mới dẫn đến chuyện đề xuất nâng lô lên 1.000” - ông Phương phân tích.
Để khắc phục, mới đây HOSE đề xuất lắp đặt hệ thống giao dịch mới do phía Hàn Quốc chuyển giao, thay thế cho hệ thống của Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan được sử dụng từ cách nay 21 năm. Hệ thống giao dịch này có năng lực xử lý đến 7,1 tỉ USD giá trị cổ phiếu hằng ngày. Tuy nhiên, theo HOSE, sớm nhất là cuối năm 2021 mới có thể đưa vào sử dụng.
Sàn chứng khoán TP.HCM bắt đầu quá tải, nghẽn lệnh thường xuyên từ tháng 12-2020. Trong ảnh: Nhà đầu tư theo dõi diễn biến thị trường chứng khoán. Ảnh: PM
Thái Lan đã thay đổi Điều đáng lo ngại nhất là Sở Giao dịch chứng khoán Thái Lan (SET) đã thay thế giao dịch cũ từng tặng Việt Nam và chuyển sang hệ thống giao dịch mới từ năm 2012. Cuộc chuyển đổi này nhằm giúp chứng khoán Thái Lan theo kịp các tiêu chuẩn toàn cầu, đồng thời cung cấp sự ổn định, tốc độ và hiệu suất cao. Một chuyên gia công nghệ đánh giá một khi Thái Lan đã chuyển đổi sang hệ thống giao dịch mới có nghĩa rằng hệ thống cũ đã bị loại bỏ và rất lạc hậu vì không được công ty phát triển hệ thống đó nâng cấp. |
Cần cuộc cải tổ gấp
Tại diễn đàn “Đối thoại 2045” do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì vừa diễn ra tại TP.HCM, một số công ty hàng đầu Việt Nam đề nghị tham gia khắc phục sự cố tại HOSE. Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Tổng giám đốc VietJet, nhấn mạnh với tham vọng trở thành quốc gia hùng cường thì sàn chứng khoán TP.HCM phải sánh ngang với sàn Hong Kong, London hoặc New York. Thế nhưng vì cơ chế nên HOSE lại đang sử dụng giải pháp công nghệ thông tin có từ vài chục năm trước.
Lãnh đạo VietJet cũng đánh giá việc thay đổi phần mềm hệ thống của sàn chứng khoán tốn kém, rất lâu và cũng phụ thuộc đối tác nước ngoài. Trong khi đó, các doanh nghiệp công nghệ lớn của nước ta hoàn toàn giải quyết được vấn đề này. “Chỉ cần hai tháng và chi phí khoảng 60 tỉ đồng để có thể giải quyết vấn đề này. 60 tỉ đồng hoặc nhiều hơn nữa, các doanh nghiệp sẵn sàng cùng chia sẻ, đóng góp số tiền này để giảm áp lực cho ngân sách. Giải pháp này chắc chắn thành công” - CEO VietJet tự tin.
Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình cũng đề xuất Thủ tướng để các công ty tư nhân trong nước xử lý vướng mắc về kỹ thuật tại HOSE. “Chỉ cần niềm tin của Chính phủ với doanh nghiệp, doanh nhân thì những trục trặc của sàn chứng khoán có thể giải quyết xong trong hai tháng” - ông Bình nhấn mạnh.
Trước đề xuất của các doanh nghiệp, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Bộ Tài chính chủ trì, nghiên cứu các ý kiến. Qua đó giải quyết thật nhanh việc thay đổi công nghệ tại sàn chứng khoán TP.HCM để không còn xảy ra trục trặc và không cần sử dụng ngân sách.
Nhà đầu tư cá nhân tăng vọt Trung tâm Lưu ký chứng khoán Việt Nam (VSD) cho hay đến cuối tháng 2-2021, số lượng tài khoản giao dịch chứng khoán của nhà đầu tư trong nước đạt gần 2,88 triệu tài khoản. Trong đó nhà đầu tư cá nhân chiếm tới gần 2,87 triệu tài khoản (99,6%), còn lượng tài khoản nhà đầu tư tổ chức chiếm chưa tới 0,4%. Trong năm 2020, thanh khoản trung bình trong mỗi phiên của HOSE đã tăng vọt 52,41% so với năm trước. Từ cuối năm ngoái đến nay, nhiều giao dịch tại sàn này đạt giá trị 10.000-16.000 tỉ đồng. Tuy nhiên, mới đây HOSE dự kiến tiếp tục nâng lô giao dịch tối thiểu lên 1.000 cổ phiếu để hạn chế nghẽn hệ thống. Kế hoạch này bị nhà đầu tư, doanh nghiệp phản ứng dữ dội vì nó loại nhà đầu tư nhỏ lẻ ra khỏi thị trường. |