Cầu Ghềnh sập do tài công... bận việc

Chiều 21-3, Bộ GTVT và tỉnh Đồng Nai cùng các đơn vị liên quan họp bàn các phương án tổ chức vận tải trong thời gian chưa có cầu Ghềnh, phương án trục vớt cầu và khắc phục sự cố…

Điều chỉnh biểu đồ chạy tàu

Tại cuộc họp, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) cho biết sẽ tiếp tục vận chuyển khách từ ga Sài Gòn (TP.HCM) đến ga Sóng Thần (Bình Dương) bằng tàu rồi dùng ô tô chở đến ga Biên Hòa (Đồng Nai) và ngược lại. Sở GTVT tỉnh Đồng Nai cam kết sẽ bố trí xe chất lượng tốt để hỗ trợ.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đới Sỹ Hưng, Phó Tổng Giám đốc VNR, cho biết VNR đang tập trung nhân lực ở phía Nam để giải quyết sự cố. “Mỗi ngày có khoảng 3.000 lượt khách tại ga Sài Gòn, trong khi ga Biên Hòa nhỏ nên chúng tôi phải điều tiết cho hợp lý nhằm giảm áp lực, tránh ùn tắc và tạo thuận lợi nhất cho hành khách” - ông Hưng thông tin.

Cùng ngày, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc VNR, cho biết đã có phương án điều chỉnh biểu đồ chạy tàu. Việc thay đổi lịch trình chạy tàu chủ yếu thực hiện đối với đoạn từ Nha Trang vào TP.HCM nhằm hạn chế thấp nhất phiền hà cho hành khách.

Hành khách mua vé trước 11 giờ 45 ngày 20-3 có nhu cầu sẽ được đổi, trả miễn phí. Trong thời gian khắc phục sự cố, nếu hành khách vẫn đi tàu thì không phải trả chi phí chuyển tải. Hoạt động bán vé, chở khách vẫn diễn ra bình thường. “Mặc dù phải kéo dài thời gian đi tàu do việc chuyển tải nhưng hầu hết hành khách đều thông cảm” - ông Hoạch nói.

Về hàng hóa, ngành đường sắt tiếp tục vận chuyển từ các ga phía Bắc vào ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam sẽ được xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.

Cơ quan chức năng kiểm tra hiện trường ngày 21-3. Ảnh: VH

Những người liên quan trong vụ sà lan  tông cầu Ghềnh. Ảnh: VH

Cần 15 ngày trục vớt cầu

Trong ngày 21-3, Công ty Cổ phần Tư vấn Thiết kế Cảng - Kỹ thuật biển (Portcoast) đưa thiết bị chuyên dùng 3D để dò quét, xác định phần chìm dưới nước nhằm đưa ra phương án trục vớt. Theo kỹ sư Nguyễn Tân Sơn (Portcoast), đây là thiết bị dò quét chướng ngại vật dưới nước hiện đại nhất hiện nay.

Thiết bị này có thể dò quét, thu được hình ảnh của các chướng ngại ở độ sâu cả ngàn mét để cung cấp vị trí chính xác của vật bị chìm. Ngoài ra, Portcoast còn đưa thêm máy hồi âm độ sâu để cung cấp đầy đủ hình ảnh phần cầu chìm phục vụ phương án trục vớt.

Ông Đới Sỹ Hưng cho biết VNR đã cho kiểm tra hồ sơ lịch sử cầu Ghềnh nhằm nghiên cứu lại thiết kế kỹ thuật xây dựng (do Pháp thực hiện vào năm 1902). “Chúng tôi đang cố gắng khảo sát hiện trường để xác định sẽ làm cầu tạm, sửa chữa hoặc xây mới cầu. Mọi phương án đều được tính toán kỹ với mục tiêu khắc phục sự cố nhanh nhất” - ông Hưng thông tin.

Cuối ngày qua, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết vẫn chưa chốt được phương án trục vớt cầu. “Chúng tôi đã nghe trình bày các phương án sơ bộ với thời gian 10-15 ngày. Kết quả khảo sát đã xác định vị trí các vật nằm trên sông nên có thể dùng sà lan, cẩu nâng để trục vớt. Tuy nhiên, khu vực này dòng chảy rất xiết nên chúng tôi yêu cầu tính toán thêm để đảm bảo an toàn. Có thể ngày 22-3 sẽ có quyết định cuối cùng” - ông Đông nói.

Người lái sà lan tông cầu nói gì?

Trong ngày 21-3, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Đồng Nai đã bắt khẩn cấp các nghi can Trần Văn Giang (36 tuổi, quê Sóc Trăng) khi lẩn trốn tại Sóc Trăng và Nguyễn Văn Lẹ (28 tuổi, quê Bạc Liêu) lẩn trốn tại Bạc Liêu và Phan Thế Thượng (63 tuổi, ngụ Sóc Trăng). Giang và Lẹ là người điều khiển sà lan đẩy tông sập cầu Ghềnh, còn Thượng là tài công lái chính đầu kéo cũng là chủ tàu đẩy sà lan. Cơ quan chức năng cũng xác định chủ sà lan trên là bà Nguyễn Thu Hồng (ngụ TP.HCM).

Bước đầu Thượng khai nhận trước khi xảy ra tai nạn, ông đã điều khiển tàu đẩy số hiệu SG 3745 đẩy sà lan SG 5984 chở 800 tấn cát từ Tiền Giang đến Biên Hòa. Giang và Lẹ là hai người phụ, không có giấy phép lái tàu.

Khi đến phà Cát Lái (TP.HCM) thì ông Thượng lên bờ, giao cho Giang và Lẹ tiếp tục điều khiển. Đến 11 giờ 30 ngày 20-3, khi đến chân cầu Ghềnh do không có kinh nghiệm nên gặp dòng nước xoáy họ đã không điều khiển được sà lan chui qua gầm cầu nên tông vào chân cầu. Vụ tai nạn làm sà lan lật úp, tàu đẩy bị chìm, Giang và Lẹ bơi vào bờ gọi điện thoại thông báo với ông Thượng rồi xin tiền của một chủ bãi cát gần đó trốn về quê. Vụ tai nạn đã khiến trụ cầu số 2 bị gãy, sập hai nhịp cầu Ghềnh.

Chủ tàu đẩy sà lan có dấu hiệu phạm tội hình sự

Theo thông tin ban đầu, ông Phan Thế Thượng (chủ tàu đẩy sà lan) đã giao cho người không có giấy phép lái tàu là đã cấu thành tội điều động hoặc giao cho người không đủ điều kiện điều khiển các phương tiện giao thông đường thủy (Điều 215 Bộ luật Hình sự).

Trong vụ này, hậu quả xảy ra là đặc biệt nghiêm trọng, không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe, tính mạng và tài sản của những người lưu thông trên cầu Ghềnh mà còn làm chia cắt tuyến đường sắt Bắc-Nam. Như vậy, hành vi của ông Thương có thể xem xét áp dụng khoản 3 Điều 215 (phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm tù).

Ngoài ra, hành vi của Giang và Lẹ đã cấu thành tội vi phạm quy định về điều khiển phương tiện giao thông đường thủy (Điều 212 Bộ luật Hình sự). Cả hai không có bằng lái và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng nên có thể áp dụng điểm a, c khoản 2 (không có giấy phép, gây tai nạn rồi bỏ trốn) có mức phạt tù từ ba năm đến 10 năm hoặc khoản 4 (gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ bảy năm đến 15 năm).

LS PHẠM MINH TÂM, Đoàn Luật sư TP.HCM

T.TÙNG ghi

Tại cuộc họp với các đơn vị liên quan bàn kế hoạch khắc phục sự cố sập có ba phương án được đưa ra gồm: Cải tạo, sửa chữa cầu cũ, cho lưu thông tạm; xây hai trụ mới, tận dụng lại dầm cũ hoặc xây hai trụ mới và dầm mới (gần như xây mới) và nâng tĩnh không. Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường kết luận thực hiện theo phương án 3 và đến ngày 15-7 phải đưa cầu Ghềnh vào hoạt động và thông tuyến đường sắt.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm