Chiều 21-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Đoàn Duy Hoạch, Phó Tổng Giám đốc, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, cho biết đã bàn xong phương án và thống nhất điều chỉnh biểu đồ chạy tàu tạo điều kiện thuận lợi cho khách đi tàu.
Theo đó, hành khách có nhu cầu đổi, trả vé liên quan đến việc chuyển tải hành khách, thay đổi lịch trình sẽ không phải thanh toán phí đổi, trả.
Các công ty vận tải đường sắt, chi nhánh khai thác và các ga sẽ bố trí nhân viên hỗ trợ, hướng dẫn hành khách đổi, trả vé, đảm bảo an toàn và thuận lợi cho hành khách.
Đối với hành khách tiếp tục có nhu cầu đi lại bằng đường sắt, trong thời gian khắc phục sự cố sẽ không phải chi trả chi phí chuyển tải. Các hoạt động bán vé và vận chuyển hành khách của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn diễn ra bình thường.
Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam vẫn duy trì tổ chức chạy hai đôi tàu Hà Nội - Nha Trang (SE1/2, SE7/8); năm đôi tàu khách Hà Nội - Sài Gòn và ngược lại (TN1/2, SE3/4, SE5/6, SE21/22, SE25/26) có chuyển tải hành khách giữa ga Sóng Thần và ga Biên Hòa; duy trì chạy ba đôi tàu khách địa phương (Vinh - Sài Gòn, Quy Nhơn - Sài Gòn, Nha Trang - Sài Gòn).
Hiện trường vụ tai nạn. Ảnh: Plo.vn
Về hàng hóa vận tải, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tiếp tục tổ chức vận chuyển hành hóa từ các ga phía Bắc vào đến ga Bình Thuận và ngược lại. Hàng hóa tại khu vực phía Nam được tổ chức xếp dỡ tại các ga Long Khánh, Trảng Bom, Hố Nai.
Do năng lực xếp dỡ tại các ga này hạn chế, các công ty cổ phần vận tải đường sắt sẽ chủ động thông báo và trao đổi với khách hàng tìm phương án trả hàng sớm nhất, không để đọng dỡ...
Cũng theo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam, ngay sau khi xảy ra sự cố sập trụ cầu Ghềnh, lãnh đạo các đơn vị chức năng của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam ngay lập tức đã có mặt tại hiện trường, phối hợp cùng các cơ quan chức năng liên quan tổ chức cứu hộ, cứu nạn và giải quyết sự cố.
Vụ sập cầu tuy không gây thiệt hại về người và phương tiện nhưng đã khiến giao thông vận tải (đoạn qua cầu Ghềnh) bị tệ liệt hoàn toàn, ảnh hưởng đến việc tổ chức chạy tàu của 13 đôi tàu khách và bảy đôi tàu hàng trên tuyến.
Ngay sau khi nhận được thông tin, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam kịp thời phong tỏa khu gian và dừng chạy tàu khu gian Biên Hòa - Dĩ An, không để xảy ra thiệt hại về người và phương tiện; đồng thời triển khai phương án chuyển tải hành khách từ ga Biên Hòa vào ga Sài Gòn và ngược lại.
Tính đến sáng nay 21-3, đường sắt đã thực hiện chuyển tải 21 đoàn tàu với tổng số 5.207 hành khách an toàn. Mặc dù phải kéo dài thời gian đi tàu do thực hiện việc chuyển tải nhưng hầu hết hành khách đều tỏ ra thông cảm với sự cố không mong muốn của ngành đường sắt. Nhiều hành khách cho biết mặc dù trong thời gian khắc phục sự cố, ngành đường sắt sẽ phải thực hiện việc chuyển tải đoạn từ Sài Gòn - Biên Hòa và ngược lại nhưng hành khách vẫn lựa chọn đi lại bằng tàu hỏa vì sự an toàn và thái độ phục vụ tích cực của nhân viên đường sắt khi xảy ra sự cố.
Cũng theo ông Hoạch, trong ngày 21-3, các tàu hàng, tàu khách vẫn chạy theo biểu đồ cũ, chưa giảm tàu nào. Cụ thể, các tàu phía Bắc vào TP.HCM sẽ dừng lại ở ga Biên Hòa rồi chuyển khách bằng ô tô vào TP.HCM. Khách đi tàu từ ga Sài Gòn sẽ được chuyển tải đến ga Biên Hòa để lên tàu.