Từ hồi tháng 5-2016, một khoản ngân sách 2.000 tỉ đồng đã được dự trù để hỗ trợ các địa phương chịu ảnh hưởng nặng nề của thiên tai. Tuy vậy, đến cuối tháng 8, khoản hỗ trợ này vẫn chưa được giải ngân một đồng nào, tức tiền vẫn chưa đến tay người dân chịu thiệt hại nặng bởi hạn hán.
Chính vì thế Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng trong buổi làm việc với tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ mới đây đã phải lên tiếng về điều này. Bởi lẽ 10.000 tỉ đồng được Quốc hội khóa XIII cho phép dành để bù đắp bội chi năm 2015 đã không cần phải dùng đến. Khoản này sau đó đã được quyết định dùng chi cho đầu tư, phát triển. Khi tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn xảy ra, Bộ KH&ĐT đã đề xuất dùng 2.000 tỉ đồng trong số này cấp cứu các địa phương bị ảnh hưởng bởi thiên tai, giải quyết ngay những việc bức thiết như nạo vét hồ chứa nước, khơi kênh rạch dẫn nước về đồng.
Chủ trương này rất đúng và kịp thời. Tuy nhiên, tốc độ giải ngân lại không được như mong muốn. Mỗi tỉnh, thành, theo tính toán của Bộ trưởng Dũng được tối đa 80 tỉ đồng. Song phương án hỗ trợ khả thi đã không được thiết lập và gặp rào cản từ một số bộ, ngành khác. Thế nên đến nay con số 2.000 tỉ đồng ấy vẫn chưa được triển khai đến bất kỳ địa phương nào khiến Bộ trưởng Dũng rất sốt ruột.
Thứ trưởng Bộ Tài chính Nguyễn Hữu Chí sau đó đã giải thích rằng số 2.000 tỉ đồng đó chưa có, vì còn chờ bán được cổ phần nhà nước rồi mới hỗ trợ. Nhưng Bộ trưởng Dũng cho rằng: Hỗ trợ các địa phương bị hạn, mặn và thiên tai là nhiệm vụ cấp bách. Dù số tiền 2.000 tỉ đồng chưa có nhưng ngân sách trung ương hoàn toàn có thể ứng ra trước để hỗ trợ. Sau khi tiền từ bán cổ phần hóa thu được sẽ bù đắp lại sau.Đây có thể là một giải pháp đúng đắn vì như Bộ trưởng Dũng nói, nếu chờ đến lúc có 2.000 tỉ đồng mới đi hỗ trợ thì cây cà phê, cao su, hồ tiêu… của người dân đã chết hết rồi.Rõ ràng 2.000 tỉ đồng ấy nếu được hỗ trợ kịp thời có lẽ người dân ở các vùng hạn, mặn sẽ bớt nhiều khó khăn, truân chuyên và không cảm thấy bị cô đơn trong cuộc chiến chống chọi với thiên nhiên khắc nghiệt.
Mỗi bộ, ngành đều được Chính phủ và Thủ tướng giao những nhiệm vụ cụ thể, trong đó có cả những nhiệm vụ cấp bách, tức thời mà mục đích cuối cùng là để ổn định đời sống nhân dân. Tuy nhiên, qua vụ việc 2.000 tỉ đồng có lẽ sự vênh nhau giữa định hướng, chính sách của từng bộ, ngành đang là nút thắt cho những vấn đề cấp bách. Đây là điều không thể chấp nhận được. “Cứu hạn như cứu lửa”, dân không có nước dùng; cà phê, hồ tiêu, lúa bị hạn chết khát đã lâu trong khi các bộ, ngành vẫn còn bàn chưa xong. Ở một góc độ nào đó, câu nói dân gian “dân cần nhưng quan chưa vội” không sai chút nào!