Khởi đầu bằng cơ duyên nhưng đam mê sống chết với đứa con tinh thần, bà Phạm Huyền, Giám đốc điều hành chuỗi cửa hàng bầu và sau sinh Emum thuộc Công ty cổ phần Thế giới bà bầu, cùng với các cổ đông đồng sáng lập đã đưa một startup khởi động chưa đầy hai năm nhưng đã có chỗ đứng trên thị trường.
Chọn ngách nhỏ trên thị trường
. Phóng viên: Cơ duyên nào đưa chị và những người đồng sáng lập chọn lĩnh vực khởi nghiệp là thời trang dành cho mẹ bầu và sau sinh?
+ Bà Phạm Huyền: Từng là một biên tập viên truyền hình phụ trách mảng khoa giáo liên quan đến chương trình mẹ và bé nên tôi có ít nhiều hiểu biết đối tượng khách hàng này. Việc ấp ủ một ngành kinh doanh dành cho mẹ và bé đã được tôi dự định trong đầu từ lâu nhưng thực sự chưa đủ lực để khởi nghiệp một mình.
Cho đến khi có thêm hai cổ đông sáng lập khác cùng chí hướng và sở hữu một nền tảng khá tốt trong ngành may, chúng tôi quyết định chọn khởi nghiệp phục vụ riêng cho đối tượng khách hàng phụ nữ mang thai và sau sinh.
. Việc chọn đầm bầu để thâm nhập thị trường nghe có vẻ khá lạ, thay vì chọn lĩnh vực nào đó có thể dễ hơn?
+ Tôi và một chị sáng lập đều là những người mẹ. Chúng tôi nhận thấy rằng việc đi tìm mua đồ bầu và những sản phẩm cho mẹ rất vất vả. Chẳng hạn, muốn mua bộ đồ mặc có thể dễ dàng cho con bú một cách tiện lợi rất khó kiếm. Mặt khác, theo quan sát thị trường, chúng tôi nhận thấy hiện chưa có cửa hàng chuyên sản phẩm cho mẹ bầu và sau sinh mà chủ yếu là dành cho bé.
Vì những lý do đó, mọi người quyết định chọn ngách nhỏ xíu dành riêng cho đối tượng khách hàng phụ nữ mang thai và sau sinh. Ngoài ra, công ty còn chiếm lĩnh một ngách thị trường bé tí nữa là đồ bơi cho bà bầu.
Cơ duyên đến với đồ bơi bà bầu xuất phát từ một cổ đông sáng lập công ty, khi chị mang thai, tăng cân rất nhiều và không tìm được đồ bơi đi tắm biển. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng nhận thấy các gia đình trẻ hiện chủ yếu sinh sống ở chung cư, mà chung cư giờ cũng có hồ bơi, nên các bà mẹ mang thai vẫn có nhu cầu mua đồ bơi để bơi. Mới đầu là thử nghiệm nhưng không ngờ thị trường lại đón nhận.
Bà Phạm Huyền: “Thiết kế những bộ đồ thời trang cho bà bầu là rất khó”. Ảnh: QUANG HUY
Không thích theo đuôi người khác
. Giữa một rừng các thương hiệu thời trang, Emum chọn yếu tố nào để ghi nhớ vào tâm trí khách hàng?
+ Tâm lý của phụ nữ mang thai mặc đồ không chỉ cho họ mà còn cho con nên rất quan tâm đến chất liệu vải có an toàn, có tốt hay không. Bằng cách làm này sẽ tạo ra bản sắc riêng, có nền tảng vững chắc cho các bước đi tiếp theo. Mặt khác, chọn phân khúc này, chúng tôi không lo nghĩ phải chạy theo thị trường, theo đuôi người khác.
. Nhưng chắc chắn không thể thiếu yếu tố thời trang vì đồ bầu phục vụ cho phái đẹp?
+ Điều này là hiển nhiên. Nếu quan niệm ngày xưa là bà bầu không nên trang điểm, chụp ảnh, đi đám cưới,... và rất nhiều thứ bị cấm. Hiện nay rất nhiều phụ nữ không ở nhà nội trợ mà đi làm; và đã bước ra ngoài xã hội nhiều hơn thì không thể để đầu bù tóc rối hay mặc những bộ quần áo xộc xệch đến công sở.
Do đó, Emum nỗ lực tạo ra những sản phẩm thật thời trang để phụ nữ bầu càng phải đẹp. Quan điểm của chúng tôi rất đơn giản, một phụ nữ cả cuộc đời chỉ mang thai 1-2 lần thì tại sao trong khoảng thời gian này mình đánh mất đi vẻ đẹp vốn có của mình.
Tuy nhiên, để thiết kế những bộ đồ thời trang cho bà bầu là rất khó. Bởi khách hàng hầu hết là dân công sở nên yêu cầu sản phẩm rất cao. Yếu tố chung là phải thời trang, chất liệu an toàn và cả tính tiện lợi.
. Công ty có nghĩ đến chuyện sáng tạo cho thời trang đầm bầu?
+ Điều này là khó nhưng không phải không thể. Thời kỳ đầu, trên thị trường không có một ông lớn nào chuyên về lĩnh vực này để mình học hỏi. Thế là mọi người đi mua gom nhiều sản phẩm có trên thị trường đem về nghiên cứu và mổ xẻ. Từ những phân tích đó, chúng tôi tìm ra những ưu/khuyết điểm của sản phẩm và thiết kế riêng sản phẩm cho mình. Sau đó đem những sản phẩm này nhờ các bà bầu mặc thử, cho ý kiến và hiệu chỉnh. Giờ đây chúng tôi đủ khả năng sáng tạo các mẫu, 1-2 tuần là có mẫu mới.
Luôn bám sát xu hướng thời trang bà bầu Sản phẩm đầm bầu nhưng chúng tôi luôn bám sát theo xu hướng (trend) để phục vụ. Chẳng hạn trên thị trường thấy sản phẩm, chất liệu nào đẹp, mình suy nghĩ xem có thể biến thành đồ bầu không. Thực tế, công ty có những đầm bầu có giá 1-2 triệu đồng/chiếc mà khách vẫn sẵn lòng mua, vì họ muốn mặc trong các ngày lễ, tết, tiệc tùng. Điều này dẫn đến chuyện chúng tôi phải xây dựng chuỗi cửa hàng phục vụ. Khách hàng thích đến những nơi có không gian đẹp, sạch sẽ và có chỗ thử đồ. Bà PHẠM HUYỀN |
Học nhiều điều khi làm việc với Aeon
. Thông thường con đường khởi nghiệp dường như không mấy bằng phẳng nhưng chỉ hơn một năm Emum đã mở chín cửa hàng?
+ Thật ra không nhẹ nhàng đâu. Lúc mới ra cũng bầm dập lắm. Chúng tôi từng bị “chôn” mấy trăm triệu đồng tiền hàng vì chủ quan làm ra mẫu theo ý mình thích, cứ nghĩ là tốt, là phù hợp nhưng kết quả không bán được.
Ban đầu cũng chỉ có duy nhất một cửa hàng làm nơi trưng bày và bán sản phẩm. Nhưng một cách tình cờ, hay có thể gọi là may mắn, hệ thống siêu thị Aeon (Nhật Bản) tại Việt Nam đã mời chúng tôi tham gia bán hàng cho sự kiện của họ. Mới đầu cũng chỉ nghĩ tham gia cho vui nhưng không ngờ doanh thu bán hàng của công ty cao nhất trong các gian hàng. Vậy là Aeon mời mở cửa hàng tại toàn hệ thống của họ. Nhờ đó cửa hàng phát triển nhanh.
Tâm niệm của tôi là cứ nỗ lực làm, để trải nghiệm, rút kinh nghiệm bài học, cái gì thiếu thì đăng ký học thêm.
. Chị và các cổ đông sáng lập đã nghĩ đến việc kêu gọi nhà đầu tư có nguồn lực, kinh nghiệm để giúp công ty đi nhanh?
+ Thực ra cũng đã có quỹ đầu tư đến đặt vấn đề hợp tác góp vốn. Nhưng các cổ đông sáng lập đều chung ý tưởng chưa đến lúc cần có thêm nhà đầu tư. Nguyên nhân họ mạnh vốn, mua cổ phần chi phối cũng đồng nghĩa muốn thu lợi nhanh nhất và khi đó con đường của họ đi khác trong khi mình muốn đi khác. Một khi không thống nhất quan điểm, xung đột với nhau thì thương hiệu không còn thuộc về mình nữa vì họ mạnh về tiền.
. Như vậy có thể hiểu Emum đang kiếm được tiền khá tốt?
+ Người ta hay nói kinh doanh một vốn bốn lời. Nhưng đến giờ doanh thu mà chúng tôi mang về chỉ đủ nuôi công ty, chưa kiếm lợi được. Một phần nguyên nhân là các nhà sáng lập chưa nghĩ đến giai đoạn thu tiền, nghĩa là trước mắt tập trung đầu tư mở rộng mạng lưới cửa hàng.
. Xin cám ơn chị.
“Tôi chưa bao giờ đến công ty với khuôn mặt buồn” . Xem ra chị có vẻ quyết tâm cho mục tiêu của mình và khá tham vọng? + Tôi là người rất tham vọng. Khi nhảy vào kinh doanh lĩnh vực này, cả nhà không ai ủng hộ hết, thậm chí chồng mình còn muốn công ty sập tiệm để đừng làm nữa và ở nhà (cười). Nhưng ngay từ ban đầu, tôi và những người đồng sáng lập Emum không nghĩ chỉ may đồ bầu kiếm lợi, mà là mở cả chuỗi hệ thống cửa hàng và khi khách hàng nhắc đến đồ bầu là nhớ đến thương hiệu công ty chứ không ai khác.
Cũng có những lúc tôi có suy nghĩ tại sao mình lại chọn con đường khó khăn đến vậy, hay là mình quay về nghề cũ làm cho nhàn, làm giờ hành chính xong là về với gia đình. Nhưng đấy chỉ là suy nghĩ thoáng qua thôi và tôi lại lao vào công việc. Thực sự sau khi làm một thời gian, tôi cảm thấy sống chết với nó luôn, tôi quyết tâm lắm. Thậm chí nhiều bữa chạy dự án, sự kiện mà không có người trông con là đem theo cả con vào công ty làm việc. . Nhiều việc nhưng thấy chị dường như lúc nào cũng tràn đầy năng lượng? + Mọi người nhận xét tôi làm được nhiều việc như vậy là do lạc quan, tức là tôi lúc nào cũng vui vẻ. Tôi chưa bao giờ đến công ty với khuôn mặt buồn, thậm chí cho dù ngày hôm đó có gặp vấn đề gì đi nữa. . Nhìn lại thời kỳ đầu và hiện tại, chị thấy mình có khác biệt ra sao? + Hồi xưa hiền, còn bây giờ tôi mạnh mẽ lên nhiều, thậm chí còn dữ nữa (cười), dám nghĩ dám làm với quyết tâm đạt được mục tiêu thì thôi. |