Taxi đưa bà đến tận nhà vợ chồng con trai. Cánh cửa sắt im thin thít, bà đứng chờ gần 30 phút, cậu con trai mới từ quán nhậu phi về, vội vã mở cửa cho mẹ vào nhà. Anh đưa cho mẹ hộp cơm mua sẵn từ tiệm để bà dùng bữa tối rồi quay xe ra quán nhậu nơi mấy cậu bạn đang chờ. Vợ anh đón con ở lớp học thêm rồi cũng vòng qua nhà một người bạn vì “nó có chuyện buồn em phải qua đó an ủi”.
Chẳng ai nghĩ đến cảnh người mẹ già mới từ quê lên loay hoay trong căn nhà với cánh cổng đã khóa trái cửa. Bà bật ti vi, ngóng ra ngóng vô cho đến gần 11 giờ đêm con và cháu mới về nhà, chúng lại tất bật tắm rửa để đi ngủ. Nhìn hộp cơm còn nguyên, anh con trai hồn nhiên: “Mẹ không ăn cơm mà đi ngủ vậy à?”.
Dự tính ở lại với con nửa tháng nhưng chỉ ba hôm sau bà về quê bởi bà không muốn nói ra rằng ở gần con cháu mà sao thấy lạc lõng, tủi thân quá. Bà vẫn bao biện cho con: “Mấy đứa bận công chuyện suốt, ở lại lâu mất công phải lo cho mẹ”.
Cô Nguyễn Thị Mai, nhà ở đường Cao Thắng (Q.3) cho hay, vợ chồng mình có hai cô con gái đều đã đi làm. Sống chung một nhà nhưng cha mẹ và con cái như “hai thế giới riêng”. Chúng ít ăn cơm cùng bố mẹ, chủ yếu đi ăn ngoài với bạn bè. Nhiều hôm cô Mai làm bữa linh đình nhưng rồi con “lỡ hẹn”, hai ông bà ngồi nhìn đồ ăn mà nuốt chẳng trôi.
Trong năm một hai lần, cô Mai đến tượng đài liệt sĩ thành phố thắp hương cho người em trai hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ. Chẳng người con nào chịu đi cùng mẹ do bận hoặc thẳng thắn khước từ. Nhiều hôm cô chảy nước mắt khi mình lủi thủi gọi xem ôm, còn cô con gái lúc chiều giãy nảy “con bận rồi” đến lúc cô trở về vẫn đóng cửa nằm trong phòng lướt Facebook, chát với bạn bè.
Tủi nhưng cô không hờn trách con mà cô học cách quen với điều này. Cô Mai nói: “Người lớn tuổi giờ đây cũng bơ vơ dữ lắm! Giữ hai thế hệ giờ đây có khoảng cách rất lớn, nếu mình mong chờ hay hy vọng gì đó sẽ thêm buồn tủi, đau khổ”. Hiểu được điều đó nên vợ chồng cô Mai chủ động tham gia nhiều hoạt động trong hội người cao tuổi, cùng đi du lịch, đi từ thiện để tìm niềm vui cho mình.
Chỉ để bớt buồn thôi chứ làm sao có thể thay thế được được tình cảm người mẹ mong muốn nhận được từ con, dù luôn tự nhắc mình "Bọn trẻ bây giờ có nhiều việc phải lo".
Cuộc sống xô bồ, bỏ rơi chữ hiếu
Khi không còn cài bông hồng đỏ (biểu tượng còn mẹ), nhiều người mới thổn thức với chữ hiếu. Vậy nhưng không phải ai cũng may mắn được “tự do sống” như vợ chồng cô Mai. Nhiều người lớn tuổi thiếu sự quan tâm của con cái, bơ vơ ngay trong căn nhà của mình đã đành mà còn bị con cái ngăn cấm cả những niềm vui nhỏ nhất trong cuộc sống. “Tui sống như người thừa, người tật nguyền” là tâm sự của bà N.Ng.T, nhà ở Q.8. Chồng mất, bà T. sống cùng vợ chồng đứa con út. Trước đây, bà còn phụ con chuyện bếp núc nhưng từ ngày có cháu, nhà có người giúp việc thì bà gần như chẳng được đụng tay vào việc gì. Con dâu không thích bà bế cháu, gần cháu, sợ con mình bị ảnh hưởng bởi cách nuôi dạy lạc hậu của mẹ. Buồn chán, bà T. ra chợ phụ người bạn già bán rau. Sáng đi lấy hàng, trưa tất bật phụ bán cho khách, bận rộn nên giúp bà thấy vui hơn. Nhưng chỉ được vài hôm, vợ chồng đứa con trách: “Mẹ bôi nhọ tụi con, làm người ta nghĩ tụi con không nuôi nổi mẹ” bà lại quay về nhà giam mình trong phòng với chiếc vô tuyến. Tại hội thảo “Chữ hiếu thời đương đại” vừa diễn ra cuối tuần rồi tại TPHCM, PGS.TS Huỳnh Văn Sơn cho hay, cuộc sống đang diễn ra nghịch lý là con cái đòi hỏi ở cha mẹ rất nhiều nhưng quan tâm, yêu thương lại rất ít. Họ sẵn sàng bỏ hàng giờ đồng hồ để ngồi với bạn bè, đưa người yêu đi đây đi đó, ăn món này món kia hay lướt Facebook, chơi game… ít ai tự hỏi cha mẹ mình thích gì hay nấu một bữa ăn cho cha mẹ. Bạn bè giúp mình việc gì dù nhỏ chúng ta đã “khắc cốt ghi tâm” thì ít ai có được lời cảm ơn dành cho người sinh ra và nuôi nấng mình vì cho rằng đó là hiển nhiên. Cha mẹ nuôi con chẳng bao giờ tính toán, con cái bây giờ nuôi cha mẹ tính từng cắc từng đồng và nhiều người còn phải nhận lại từ con sự oán trách, chê bai… Cuốn theo vòng xoáy cuộc sống, không ít người chỉ khi cha mẹ không còn, quay sang oán trách mình thì đã muộn. “Hãy giành thời gian cho cha mẹ, có khi chỉ là một cuộc điện thoại hỏi thăm, đưa mẹ đi siêu thị hay nấu một bữa cơm… Bậc sinh thành là những người cần và xứng đáng được yêu thương nhiều hơn tất cả”, TS Huỳnh Văn Sơn chia sẻ. Đồng thời ông nhấn mạnh chữ hiếu là nền tảng của hạnh phúc, có tác dụng giáo dục và chính là tấm gương sáng nhất cho con cái. Theo nhà giáo dục Giản Tư Trung, hiện nay không ít người chú trọng đến việc kiếm được nhiều tiền hơn là quan tâm đến giá trị văn hóa, tinh thần. Trong gia đình, khoan nói đến bố mẹ và con cái mà ngay anh chị em chỉ cách nhau vài tuổi đã có khoảng cách, rất khó nói chuyện. Tuy nhiên, chuyên gia này cho rằng, khoảng cách thế hệ, sự hiểu biết chỉ là nguyên nhân nhỏ mà vấn đề là nằm ở chỗ trong gia đình đang thiếu những giá trị chung, giá trị mang tính phổ quát. Cuộc sống luôn thay đổi nhưng có những giá trị mang tính nền tảng, cốt lõi thì ở thế hệ nào, bây giờ hay cả trăm năm nữa, đất nước này hay đất nước khác đều có giá trị như nhau. Điều cần thiết là mỗi gia đình phải xây dựng và giữ gìn được những giá trị chung cho các thành viên để tạo nên sự gắn kết bền chặt. Theo Hoài Nam (DT)