Cha mẹ có được triệt sản cho con bị tự kỷ, tâm thần không?

(PLO)- Các gia đình con bị tự kỷ có thể được điều trị và cải thiện bệnh, việc triệt sản không phục vụ cho việc chữa bệnh mà lại tước đi các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình của đứa trẻ sau này.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian qua tôi đọc báo, tin tức trên mạng thấy xuất hiện nhiều thông tin xâm hại tình dục trẻ em với nhiều hình thức khác nhau. Tôi cảm thấy lo lắng cho đứa con bị tự kỷ mới chỉ 14 tuổi của mình quá. Hiện tôi đang là người giám hộ của con, vậy tôi muốn mang con đi triệt sản có được hay không?

Bạn đọc Hải Minh (TP.HCM) hỏi

Trao đổi với PLO về vấn đề này, Luật sư Lê Văn Bình, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết trong trường hợp này cháu nhỏ mới chỉ 14 tuổi và đang bị tự kỷ nên thuộc đối tượng là người chưa thành niên; người mất hoặc có khó khăn trong nhận thức và làm chủ hành vi nên theo quy định phải có người giám hộ.

Theo đó, giám hộ là việc cá nhân được UBND cấp xã cử, được Tòa án chỉ định hoặc người có đủ điều kiện làm người giám hộ để thực hiện việc chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi.

Về nghĩa vụ của người giám hộ, theo quy định tại Điều 55 và 57 Bộ luật dân sự 2015 thì người giám hộ có nghĩa vụ: Chăm sóc, bảo đảm việc điều trị bệnh cho người được giám hộ; đại diện cho người được giám hộ trong các giao dịch dân sự; quản lý tài sản của người được giám hộ; Bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của người được giám hộ.

Trường hợp này cha, mẹ là người giám hộ đương nhiên cho trẻ.

Liên quan đến vấn đề triệt sản cho con trong trong trường hợp con bị tự kỷ, đây là việc làm liên quan đến quyền nhân thân, sức khoẻ, thân thể của mỗi người. Theo quy định tại Điều 20 Hiến Pháp 2013, mọi người có quyền bất khả xâm phạm đến thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khoẻ, danh sự, nhân phẩm; không bị tra tấn, bạo lực, truy bức, nhục hình hay bất kỳ hình thức nào khác xâm phạm đến sức khoẻ, thân thể, xúc phạm danh dự, nhân phẩm.

Cụ thể hoá quy định này tại Bộ luật dân sự, Điều 33 BLDS 2015 đã quy định việc gây mê, mổ, cắt bỏ, cấy ghép mô, bộ phận cơ thể người; thực hiện kỹ thuật, phương pháp khám, chữa bệnh mới trên cơ thể người; thử nghiệm y học, dược học, khoa học hay bất cứ hình thức thử nghiệm nào khác trên cơ thể người phải được sự đồng ý của người đó và phải được tổ chức có thẩm quyền thực hiện.

Trường hợp người được thử nghiệm là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi hoặc là bệnh nhân bất tỉnh thì phải được cha, mẹ, vợ, chồng, con thành niên hoặc người giám hộ của người đó đồng ý.

Đối chiếu các quy định trên có thể thấy trong trường hợp này người mẹ là người giám hộ phải có nghĩa vụ chăm sóc, đảm bảo điều trị bệnh cho con và thay con đại diện trong các quan hệ dân sự.

Tuy BLDS có quy định người giám hộ được phép quyết định can thiệp lên bộ phận, cơ thể người trong việc thử nghiệm y học, các biện pháp chữa bệnh trên người chưa thành niên, người mất/khó khăn trong nhận thức và điều khiển hành vi nhưng việc triệt sản này không nhằm phục vụ cho việc chữa bệnh tự kỷ cho con mà lại tước đi các quyền nhân thân trong hôn nhân và gia đình của đứa trẻ sau này nên là việc làm không được pháp luật cho phép.

Hiện cháu còn đang rất nhỏ, bệnh tự kỷ có thể được điều trị và cải thiện, phục hồi tình trạng bệnh. Do vậy, không nên triệt sản cho trẻ khi còn đang rất nhỏ mà hãy áp dụng các biện pháp tránh xâm hại tình dục khác thay vì can thiệp lên bộ phận, cơ thể của trẻ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm