Sự kiện truyền thông cho nam giới đã thu hút hơn 300 người đến từ 150 gia đình tham gia. Ảnh: HM
Một số trẻ em khi tham gia sự kiện đã hồn nhiên chia sẻ: "Ở nhà con vẫn bị cha đánh đòn". Có em học sinh còn bày tỏ rằng em khá mệt mỏi với áp lực học hành bởi "Nếu điểm con thấp hơn các bạn thế nào cũng bị cha mẹ cằn nhằn, la mắng".
Nhiều em nhỏ đã được trường học trang bị các kiến thức phòng, chống bạo lực trong gia đình nhưng các em vẫn rất khó tác động hoặc trao đổi lại với cha mẹ. Có em chia sẻ riêng với chúng tôi: "Ở nhà nếu em góp ý gì cho cha là bị chửi te tua luôn đó".
Trao đổi vớiPháp Luật TP.HCM, bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (Sở LĐ-TB&XH), cho biết: "Hầu hết các vụ xâm hại phụ nữ và trẻ em do nam giới gây ra, tuy nhiên nam giới chưa hiểu rõ các hành vi của mình có thể gây tác động xấu đến người khác. Chúng tôi tổ chức sự kiện này và kêu gọi sự tham gia của các cha và con trai để nâng cao nhận thức cho họ, vừa để bảo vệ cho những người phụ nữ xung quanh, vừa để bảo vệ chính họ không vi phạm pháp luật".Bà Trần Thị Kim Thanh, Trưởng phòng Bảo vệ chăm sóc trẻ em và bình đẳng giới (bìa phải), cho biết sẽ đẩy mạnh truyền thông đến nam giới trong thời gian sắp tới. Bên cạnh là bà Nguyễn Thị Thúy, chuyên gia UN Women; bà Hoàng Thị Thu Huyền, Phó Vụ trưởng Vụ Bình đẳng giới; ông Bùi Thế Hải, Phó Chủ tịch UBND quận 10. Ảnh: KB
Theo nghiên cứu của Tổng cục Thống kê năm 2010, 58% phụ nữ đã kết hôn từng bị bạo lực ít nhất một lần trong đời. Một nghiên cứu khác của Action Aid Việt Nam năm 2014 cho thấy 87% phụ nữ và trẻ em gái tham gia khảo sát tại Hà Nội và TP.HCM bị quấy rối tình dục ở nơi công cộng. Theo Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên Hiệp Quốc (UNESCO), 51.9% học sinh đã trải qua ít nhất một dạng bạo lực.
Các gia đình tham gia thi tìm hiểu các hình thức khác nhau của bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em tại sự kiện. Ảnh: HM
Theo bà Nguyễn Thị Thúy, đại diện chương trình phòng, chống bạo lực giới của UN Women, hiện nay phần lớn những người đưa ra quyết định trong xã hội và gia đình là nam giới. Vì thế, để ứng phó có hiệu quả đối với bạo lực với phụ nữ và trẻ em gái, mọi người cần gắn kết nam giới để vận động và thực hiện các chính sách về giới.