Cha vay nợ, chủ nợ lấy ảnh con nhỏ đăng lên mạng

(PLO)- Việc chủ nợ tự ý lấy ảnh con nhỏ của người vay tiền để đăng lên mạng, gây áp lực đòi nợ là hành vi vi phạm pháp luật.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Phản ánh đến Pháp Luật TP.HCM, một số bạn đọc thông tin về việc có vay tiền ở ngoài xã hội để làm ăn, sau thời gian làm ăn thất bại, không có tiền đóng tiền lãi nên bị gây áp lực để đòi nợ. Điều đáng nói là người cho vay đã dùng ảnh của người thân, nhất là ảnh con của người vay để đăng lên các trang mạng nhằm hăm dọa đòi nợ.

Lấy ảnh con của người vay tiền đăng lên mạng

Anh NCT (ngụ quận Bình Tân, TP.HCM) cho biết năm 2021, do cuộc sống gặp khó khăn, việc làm ăn thất bại nên anh có vay của ông TN (ngụ tỉnh Vĩnh Long) số tiền 20 triệu đồng, đóng lãi mỗi tháng. Thời gian đóng lãi kéo dài sáu tháng thì anh T không còn khả năng nên nói ông TN thông cảm, cho tạm ngưng đóng lãi, đến khi có tiền sẽ hoàn trả số tiền vay.

Thời gian đầu, ông TN đồng ý nhưng đến năm 2022, ông TN liên tục gọi điện thoại để đòi tiền. Do chưa xoay xở được nên anh T vẫn chưa thể trả tiền cho ông TN. Sau đó ông TN đã đăng ảnh anh T và vợ con anh lên Facebook cùng những lời lẽ đe dọa, yêu cầu trả tiền.

“Tôi là người vay tiền, nếu ông TN đăng ảnh tôi thì tôi vẫn chấp nhận, thế nhưng ông TN lại đăng cả ảnh vợ con tôi, trong khi con tôi chỉ mới sáu tháng tuổi, nó có biết gì đâu. Tôi có yêu cầu ông TN xóa ảnh vợ con tôi nhưng ông TN không đồng ý. Đến khi có nhiều người bình luận chỉ trích, ông TN mới chỉnh sửa che mặt vợ tôi, còn ảnh con tôi thì vẫn còn đó” - anh T bức xúc nói.

Anh NCT đang ở nơi làm việc của mình. Ảnh: HUỲNH THƠ

Anh NCT đang ở nơi làm việc của mình. Ảnh: HUỲNH THƠ

Một trường hợp tương tự, chị NTBP (ngụ TP Thủ Đức) cũng do hoàn cảnh khó khăn nên chị có vay bên ngoài xã hội số tiền 80 triệu đồng để có vốn làm ăn. Sau một thời gian, chị P có chậm đóng lãi, chị liên tục bị người cho vay gọi điện thoại đe dọa đòi nợ. Sau đó, trên một số trang mạng xã hội xuất hiện ảnh chị P và người thân, bạn bè chị cùng với những nội dung, bình luận xúc phạm người thân, bạn bè chị P.

“Khi thấy những hình ảnh đó tôi thật sự sốc, họ đã lấy ảnh người thân, bạn bè tôi và cả ảnh con tôi đưa lên mạng để đòi nợ. Việc tôi vay nợ không liên quan đến bất kỳ ai, họ làm như vậy là không đúng” - chị P nói.

Sai luật!

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Văn Tính, Phó Trưởng phòng Bảo vệ trẻ em và Bình đẳng giới, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết người cho vay đăng ảnh người vay và con nhỏ lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật. Nhưng trách nhiệm bắt nguồn từ bản thân người vay, tức là cha mẹ các em bị đăng ảnh. Nếu cha mẹ không đăng ảnh các em, người cho vay sẽ không thể lấy được những ảnh đó.

Theo ông Tính, không chỉ cha mẹ mà ngay cả tổ chức, nhà trường hay bất kỳ người nào nếu muốn đăng ảnh trẻ dưới bảy tuổi, phải xin phép người giám hộ và phải được trẻ đồng ý. Tuy nhiên, không phải được cho phép thì vô tư đăng, ngay cả cha mẹ hiện nay rất hay khoe con mình lên mạng xã hội. Điều này dẫn đến nhiều hệ lụy, mà minh chứng cụ thể là các trường hợp nêu trên hoặc những trường hợp bắt cóc trẻ em tống tiền cũng bắt nguồn từ việc đăng ảnh này.

Với những vấn đề xã hội diễn ra phức tạp, cha mẹ nên hạn chế đăng ảnh con lên mạng xã hội ở mức thấp nhất có thể hoặc tốt nhất là không nên đăng.

“Trường hợp cha mẹ bị chủ nợ đăng ảnh con mình lên mạng xã hội thì nên trình báo ngay cho cơ quan công an để được giải quyết. Và tất nhiên, trước khi trình báo, cha mẹ lưu ý nên chụp lại những ảnh đó để làm bằng chứng vì là mạng xã hội nên người vi phạm rất dễ chỉnh sửa hoặc xóa bài viết” - ông Tính chia sẻ.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Thị Diễm Phượng (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho biết mỗi cá nhân đều có quyền đối với ảnh của mình được quy định tại Điều 32 BLDS năm 2015. Việc người cho vay tự ý đăng ảnh của người vay hoặc bạn bè, người thân… người vay lên mạng xã hội là hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm trực tiếp đến quyền hình ảnh.

Có thể hai trường hợp trên sẽ bị xử phạt hành chính theo Điều 101 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022), phạt tiền 20-30 triệu đồng đối với hành vi tiết lộ thông tin bí mật đời tư cá nhân, đồng thời áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả, buộc gỡ bỏ thông tin.

Hoặc có thể bị xử phạt theo điểm e khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/2020 (sửa đổi bởi Nghị định 14/2022), phạt tiền 10-20 triệu đồng đối với hành vi sử dụng thông tin của cá nhân khác mà không được sự đồng ý…

Một số vụ việc cơ quan chức năng đã xử lý

- Năm 2020, TAND huyện Hoài Nhơn (Bình Định) xử sơ thẩm vụ kiện ông Đ tự ý sử dụng ảnh của ông D trên Facebook. HĐXX quyết định buộc ông Đ phải thu hồi, chấm dứt việc sử dụng ảnh của ông D trên mạng xã hội. Ngoài ra, ông Đ phải bồi thường tổn thất về tinh thần cho ông D với số tiền 2.980.000 đồng.

- Ngày 4-11, Công an TP.HCM đã triệt phá đường dây đòi nợ kiểu “khủng bố” bởi một công ty tài chính nước ngoài có trụ sở ở quận 1. Sau quá trình điều tra, ngày 20-11, Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can và thi hành lệnh tạm giam đối với 13 người về tội vu khống theo Điều 156 BLHS.

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

Nỗi lo khi xài thẻ tín dụng

(PLO)- Để tránh vướng nợ xấu khi sử dụng thẻ tín dụng, người dùng thẻ phải có kế hoạch chi tiêu thông minh, thanh toán nợ đúng hạn…