Bị mất việc, người lao động có thể được 3 loại trợ cấp

(PLO)- Ngoài trợ cấp thất nghiệp, người lao động mất việc có thể được nhận thêm khoản trợ cấp mất việc, trợ cấp thôi việc từ đơn vị sử dụng lao động.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Thời gian vừa qua, một số công ty tại TP.HCM đã có thông báo sẽ cắt giảm lao động vào cuối năm, lý do được đơn vị sử dụng lao động đưa ra là chưa tìm được đơn hàng.

Trước tình hình trên, một số người lao động (NLĐ) đã có những thắc mắc về chế độ, chính sách như khi bị cắt giảm lao động thì NLĐ có thể được nhận những khoản tiền nào để đảm bảo quyền lợi của bản thân.

Khoản tiền nào công ty trả cho NLĐ?

Mới đây, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã có văn bản gửi đến một công ty tại huyện Củ Chi hướng dẫn công ty thực hiện một số thủ tục liên quan đến thông báo cho NLĐ thôi việc do công ty gặp khó khăn trong sản xuất, kinh doanh.

Theo đó, để bảo vệ quyền lợi cho NLĐ bị mất việc, Sở LĐ-TB&XH đã yêu cầu công ty có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho công ty từ 12 tháng trở lên bị mất việc làm.

Đối với trường hợp NLĐ có thời gian làm việc thường xuyên cho công ty từ đủ 12 tháng trở lên mất việc làm nhưng thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm ít hơn 24 tháng, đơn vị có trách nhiệm chi trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ ít nhất bằng hai tháng lương.

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, Đoàn Luật sư TP.HCM, phân tích: Tại Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2019, người sử dụng lao động trả trợ cấp mất việc làm cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên (nếu NLĐ bị mất việc làm do doanh nghiệp khó khăn kinh tế). Cứ mỗi năm làm việc, người sử dụng lao động trả cho NLĐ một tháng tiền lương nhưng tối thiểu bằng hai tháng tiền lương.

Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM thực hiện thủ tục, chế độ theo Bộ luật Lao động năm 2019. Ảnh: MINH THUẬN
Người lao động đến Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM thực hiện thủ tục, chế độ theo Bộ luật Lao động năm 2019. Ảnh: MINH THUẬN

Thời gian làm việc để tính trợ cấp mất việc làm là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Tiền lương để tính trợ cấp mất việc làm là tiền lương bình quân của sáu tháng liền kề theo hợp đồng lao động, trước khi NLĐ mất việc làm.

Cũng theo luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ, theo Điều 46 Bộ luật Lao động, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm trả trợ cấp thôi việc cho NLĐ đã làm việc thường xuyên cho mình từ đủ 12 tháng trở lên. Mỗi năm làm việc được trợ cấp nửa tháng tiền lương. Tuy nhiên, đối với NLĐ đủ điều kiện hưởng lương hưu và NLĐ tự ý bỏ việc mà không có lý do chính đáng thì sẽ không được nhận trợ cấp thôi việc.

Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc là tổng thời gian NLĐ đã làm việc thực tế cho người sử dụng lao động trừ đi thời gian NLĐ đã tham gia bảo hiểm thất nghiệp và thời gian làm việc đã được người sử dụng lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.

Bốn điều kiện để hưởng trợ cấp thất nghiệp

Ngoài những khoản tiền trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc, NLĐ thất nghiệp sẽ nhận được trợ cấp thất nghiệp (TCTN) nếu NLĐ có đủ điều kiện theo quy định.

Bà Lê Thị Kiều Phượng, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP.HCM, thuộc Sở LĐ-TB&XH TP.HCM, cho biết NLĐ đang đóng bảo hiểm thất nghiệp được hưởng TCTN phải đáp ứng đủ bốn điều kiện.

Thứ nhất, đã chấm dứt hợp đồng lao động. Thứ hai, đã đóng bảo hiểm thất nghiệp từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động. Thứ ba, nộp hồ sơ hưởng TCTN tại Trung tâm Dịch vụ việc làm. Thứ tư, chưa tìm được việc làm sau 15 ngày kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng TCTN.

NLĐ cần lưu ý thời gian nộp hồ sơ hưởng TCTN là trong thời hạn ba tháng kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động. Mức hưởng TCTN hằng tháng bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH của sáu tháng liền kề trước khi thất nghiệp.

“Thời gian hưởng TCTN được tính theo số tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp, cứ đóng đủ 12 tháng đến đủ 36 tháng thì được hưởng ba tháng TCTN. Sau đó, cứ đóng đủ thêm 12 tháng thì được hưởng thêm một tháng TCTN nhưng tối đa không quá 12 tháng. Đối với NLĐ thuộc chế độ tiền lương do người sử dụng lao động quy định và do doanh nghiệp trả lương thì mức hưởng tối đa không quá năm lần mức lương tối thiểu vùng, theo quy định tại thời điểm chấm dứt hợp đồng lao động” - bà Phượng cho biết thêm.

Bị thôi việc, có được hưởng lương số ngày phép chưa nghỉ?

NLĐ cũng thắc mắc: Theo hợp đồng lao động thì NLĐ sẽ được nghỉ phép năm 12 ngày trong một năm, tuy nhiên nếu trong năm NLĐ chưa nghỉ hết phép năm mà cuối năm bị thôi việc thì có được hưởng lương số ngày chưa nghỉ phép năm không?

Luật sư Trịnh Ngọc Hoàn Vũ cho biết: Theo quy định tại Điều 113 Bộ luật Lao động năm 2019, NLĐ làm việc đủ 12 tháng sẽ được nghỉ phép hằng năm, hưởng nguyên lương 12-16 ngày. Đối với NLĐ làm việc chưa đủ 12 tháng thì số ngày nghỉ hằng năm theo tỉ lệ tương ứng với số tháng làm việc.

Đối với trường hợp do thôi việc, bị mất việc làm mà chưa nghỉ hằng năm hoặc chưa nghỉ hết số ngày nghỉ hằng năm sẽ được người sử dụng lao động thanh toán tiền lương cho những ngày chưa nghỉ. Như vậy, đối với trường hợp NLĐ chưa nghỉ hết phép năm mà đã cho thôi việc, đơn vị sử dụng lao động sẽ phải thanh toán cho NLĐ một khoản tiền lương cho những ngày chưa nghỉ phép năm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm