Vừa qua, mạng xã hội lan truyền những hình ảnh về một đám cưới dựng rạp dưới lòng đường được cho là tại đường Võ Văn Vân, phường Vĩnh Lộc B, huyện Bình Chánh, TP.HCM gây ảnh hưởng đến an toàn giao thông, việc di chuyển của các phương tiện và ùn tắc kéo dài. Ngay sau đó, lực lượng công an đã đến yêu cầu hộ gia đình này phải tháo dỡ ngay lập tức.
Sự việc diễn ra khoảng 15 phút, gây kẹt xe kéo dài |
Những hình ảnh này đã gây xôn xao và thu hút sự quan tâm của nhiều bạn đọc.
Người dân phản ánh khi rạp cưới lấn chiếm lòng đường
“Cách đây 1 tháng, gần nhà tôi cũng có trường hợp tương tự. Vừa mới dựng rạp lên là kẹt xe cả một đoạn đường gây ảnh hưởng việc kinh doanh, buôn bán của các hộ dân tại đây. Sau đó, hàng xóm có đến nhắc nhở nên thu gọn rạp lại nhưng chủ nhà không nghe và xảy ra cãi vã làm mất tình cảm xóm giềng” – bạn đọc Huy Nhân.
“Việt Nam đã có quy định cụ thể về việc dựng rạp cưới, bên cạnh đó cũng nêu rõ các mức xử phạt nếu dựng rạp lấn chiếm lòng đường thế này, nhưng nhiều người dân vẫn cố tình vi phạm. Theo tôi nên tăng mức xử phạt để những vấn đề tương tự không tái diễn làm ảnh hưởng đời sống người dân” – bạn đọc Huỳnh Khánh.
“Biết là ngày vui, người ta cũng thông cảm cho lấn đường một ít nhưng tại sao lại lấn hết cái đường như vậy, rồi xe ô tô di chuyển thế nào đây. Đáng nói hơn là rất nguy hiểm, lỡ xe lớn chạy nhanh thì không thể nghĩ chuyện gì sẽ xảy ra.” – bạn đọc Bảo Trân.“Cái này là do điều kiện gia đình hoặc là do ý thức của hộ dân nè. Nếu có ý thức hơn thì không nên làm như vậy. Kể cả người dựng rạp cũng không ý thức lắm. Thật ra người dựng rạp phải nghe sự sắp xếp của khách hàng nhưng phải khuyên đúng sai, không phải thấy sai mà vẫn làm” – bạn đọc Hồng Luyến.
Có thể dựng rạp cưới ở hè phố nhưng không được dựng dưới lòng đường
Trao đổi với PLO, luật sư Phạm Thị Ngọt, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết:
Văn bản hợp nhất số 13 được Bộ Giao thông vận tải ban hành năm 2018 hợp nhất văn bản Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có quy định rõ về vấn đề này. Theo đó, trong một số trường hợp, người dân được sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông như dựng rạp đám cưới, tang ma... Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông. Lưu ý là người dân không được sử dụng lòng đường cho các hoạt động này (mời bạn đọc xem quy định cụ thể phần box bên dưới).
Rạp cưới lấn chiếm gần 2/3 lòng đường. Ảnh: từ MXH |
Tuy nhiên, đối với trường hợp trên, từ hình ảnh cho thấy người dân chiếm dụng lòng đường như thế để dựng rạp tổ chức đám cưới gây ảnh hưởng giao thông là sai quy định.
Từ đây cho thấy, việc dựng rạp để tổ chức đám cưới mà có sử dụng tạm thời, lấn chiếm lòng đường là hành vi không được cho phép tại quy định này.
Như vậy, nếu đã không được cho phép mà người dân vẫn sử dụng lòng đường để dựng rạp đám cưới được xem là dựng rạp trái phép trong phạm vi đất dành cho đường bộ. Hành vi này sẽ bị xử phạt theo quy định được áp dụng tại điểm a khoản 5 Điều 12 Nghị định 100/2019 (được sửa đổi bởi điểm s khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021): Phạt tiền từ 2 triệu đồng đến 3 triệu đồng, đồng thời bắt buộc phải phá dỡ, khôi phục lại tình trạng ban đầu . Mức phạt này dành cho cá nhân vi phạm, nếu tổ chức vi phạm thì mức phạt là 4 triệu đến 6 triệu đồng.
Văn bản hợp nhất số 13 được Bộ Giao thông vận tải ban hành năm 2018 hợp nhất văn bản Quy định về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ đã có quy định rõ về vấn đề này.
Theo đó, trong một số trường hợp, người dân được sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông.
Điều 25a. Sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông
1. Việc sử dụng tạm thời một phần hè phố không vào mục đích giao thông, không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Tuyên truyền chủ trương, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước. Thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 30 ngày; trường hợp thời gian sử dụng tạm thời lớn hơn 30 ngày phải được Bộ Giao thông vận tải (đối với quốc lộ) hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh (đối với các hệ thống đường địa phương) chấp thuận;
b) Tổ chức đám tang và điểm trông, giữ xe phục vụ đám tang của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ, trường hợp đặc biệt không được quá 72 giờ;
c) Tổ chức đám cưới và điểm trông, giữ xe phục vụ đám cưới của hộ gia đình; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá 48 giờ;
d) Điểm trông, giữ xe phục vụ hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời hè phố không quá thời gian tổ chức hoạt động văn hóa đó;
đ) Điểm trung chuyển vật liệu, phế thải xây dựng để phục vụ thi công công trình của hộ gia đình; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí hè phố được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Phần hè phố còn lại dành cho người đi bộ có bề rộng tối thiểu đạt 1,5 mét;
b) Hè phố có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
4. Đối với trường hợp sử dụng hè phố quy định tại Điểm b, Điểm c Khoản 2 Điều này, hộ gia đình phải thông báo với Ủy ban nhân phường, xã sở tại trước khi sử dụng tạm thời một phần hè phố. Đối với các trường hợp quy định tại các Điểm a, d, đ Khoản 2 Điều này, Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời hè phố.
Điều 25b. Sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông
1. Việc sử dụng tạm thời một phần lòng đường không vào mục đích giao thông không được gây mất trật tự, an toàn giao thông.
2. Lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông trong các trường hợp dưới đây:
a) Điểm trông, giữ xe ô tô phục vụ các hoạt động văn hóa, thể thao, diễu hành, lễ hội; thời gian sử dụng tạm thời lòng đường không quá thời gian tổ chức hoạt động đó;
b) Điểm trung chuyển rác thải sinh hoạt của doanh nghiệp vệ sinh môi trường đô thị; thời gian sử dụng từ 22 giờ đêm ngày hôm trước đến 6 giờ sáng ngày hôm sau.
3. Vị trí lòng đường được phép sử dụng tạm thời không vào mục đích giao thông phải đáp ứng đủ các điều kiện dưới đây:
a) Không thuộc tuyến quốc lộ đi qua đô thị;
b) Phần lòng đường còn lại dành cho các loại phương tiện có bề rộng tối thiểu bố trí đủ 02 làn xe cho một chiều đi;
c) Lòng đường có kết cấu chịu lực phù hợp với trường hợp được phép sử dụng tạm thời.
4. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quy định thủ tục hành chính về cho phép sử dụng tạm thời lòng đường được quy định tại Điều này.