Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA) cho biết vẫn còn một số quy định bất cập, chưa thật phù hợp về đề xuất quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư sau được đưa ra tại Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi).
Theo HoREA, cần đưa ra quy định đồng bộ với các luật khác, phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các chủ sở hữu nhà chung cư, không làm phát sinh tâm lý bất an.
Đề xuất mâu thuẫn với nhiều luật
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA nhận thấy, cả phương án 1 và phương án 2: một là giữ nguyên như quy định hiện hành, hai là có thời hạn sử dụng đều có mặt hạn chế, khiếm khuyết, chưa hoàn hảo nên không thể lựa chọn một trong hai phương án này.
Theo ông Châu, quy định về sở hữu nhà chung cư gồm Điều 25 và Điều 26 Dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư chưa hết thời hạn sử dụng nhưng thuộc trường hợp phải phá dỡ là không phù hợp với quy định của Bộ Luật Dân sự 2015, Luật Đất đai 2013 và Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi).
“Trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì quyền của chủ sở hữu căn hộ chung cư thực hiện theo quy định của luật, có nghĩa là quyền của chủ sở hữu nhà chung cư vẫn còn tồn tại và được thực hiện theo quy định của Luật Nhà ở”- ông Châu lập luận.
Đồng thời, quy định chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư khi nhà chung cư hết thời hạn sử dụng cũng không phù hợp, vì không thể đồng nhất thời hạn sử dụng nhà chung cư, tức tuổi thọ nhà chung cư với quyền sở hữu nhà chung cư.
HoREA cho rằng đây là hai phạm trù hoàn toàn khác nhau. Và trên thực tế thì đa số nhà chung cư được dựng mới trong hơn 15 năm qua chủ yếu là công trình cấp I có niên hạn sử dụng trên 100 năm.
Theo HoREA, trường hợp nhà chung cư bị tiêu hủy thì quyền của chủ sở hữu căn hộ chung cư thực hiện theo quy định của luật. Ảnh: QH |
HoREA nêu Điều 145 luật Đất đai 2013 và điều 190 dự thảo luật Đất đai sửa đổi đều quy định: đất xây dựng khu chung cư bao gồm đất xây dựng tòa nhà chung cư, đất xây dựng các công trình hạ tầng phụ cận phục vụ cư dân nhà chung cư. Cả công trình tòa nhà chung cư và tất cả khối tài sản chung cư đều thuộc quyền sở hữu riêng, sở hữu chung, quyền sử dụng đất chung của tất cả các chủ sở hữu nhà chung cư.
Do vậy, ngay cả trường hợp tòa nhà chung cư bị phá dỡ thì cũng không thể đồng nhất với nhà chung cư đã bị tiêu hủy, nên không thể quy định quyền sở hữu nhà chung cư chấm dứt khi nhà chung cư phải phá dỡ.
Chấm dứt quyền sở hữu nhà chung cư nên theo pháp luật dân sự
Ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HoREA đề xuất, quyền sở hữu nhà chung cư nên được xác lập theo quy định tại Luật Nhà ở hiện hành và chấm dứt theo quy định của pháp luật về dân sự.
Chủ sở hữu nhà chung cư được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai.
Đề xuất quyền sở hữu nhà chung cư nên được xác lập theo quy định tại Luật Nhà ở hiện hành và chấm dứt theo quy định của pháp luật về dân sự. Ảnh: QH |
Trường hợp sau khi cấp giấy chứng nhận mà nhà chung cư bị tiêu hủy, phá dỡ thì việc chứng nhận quyền sở hữu tài sản nhà chung cư không còn hiệu lực pháp lý và quy định thời hạn sử dụng và các trường hợp phá dỡ nhà chung cư để xây dựng lại nhà chung cư tại điều 25 và điều 26 dự thảo luật Nhà ở sửa đổi.
“Quy định như vậy mới bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các quy định của Hiến pháp 2013, Bộ Luật Dân sự 2015, Luật đất đai 2013 và phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của các chủ sở hữu nhà chung cư, không làm phát sinh tâm lý bất an”- ông Châu cho hay.