Chậm quản lý thuốc lá thế hệ mới: Quyền lợi người dùng ra sao?

(PLO)- Khi ngày càng có nhiều người hút thuốc biết và tìm đến các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới (TLTHM), bao gồm: thuốc lá điện tử (TLĐT), thuốc lá làm nóng (TLLN)… đồng nghĩa rằng quy luật cung - cầu và các quan hệ xã hội mới đã phát sinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vậy, câu hỏi đặt ra là - việc chậm quản lý TLTHM khi có cầu - thiếu cung thì cơ quan nào sẽ bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dùng?

Nhu cầu tìm kiếm giải pháp giảm tác hại thuốc lá ngày càng tăng cao

Tại Việt Nam, các sản phẩm TLTHM đang trở nên rất phổ biến trong đời sống với tỷ lệ người biết đến và có nhu cầu sử dụng ngày càng cao.

Theo khảo sát của báo VnExpress năm 2021 (gần 5.000 người), có đến 95% người đồng tình rằng giảm tác hại khói thuốc lá có ý nghĩa “rất quan trọng” và hơn 90% quan tâm và muốn tìm các giải pháp giảm tác hại.

Tháng 8-2022, báo VietnamPlus cho kết quả khảo sát trên 2.000 người với 70% trong số đó có nhu cầu chuyển đổi sang sản phẩm thay thế giảm tác hại hơn so với hút thuốc lá điếu, nếu thấy tốt cho bản thân và cộng đồng.

Và, khảo sát mới nhất vào tháng 10-2022 của báo Lao Động cũng ghi nhận số người biết đến hoặc có sử dụng TLĐT, TLLN là rất cao: từ 50-97%.

Tất cả các số liệu trên phản ánh thực tiễn là sự quan tâm của người dùng và nhu cầu tìm kiếm, chuyển đổi sang TLTHM thay thế thuốc lá điếu với mục đích giảm tác hại là có thật và ngày càng gia tăng.

Người dùng có nhu cầu chuyển đổi sang sản phẩm thay thế thuốc lá điếu với mục đích giảm tác hại (nguồn: Antara News)

Người dùng có nhu cầu chuyển đổi sang sản phẩm thay thế thuốc lá điếu với mục đích giảm tác hại (nguồn: Antara News)

Thế nhưng trên thực tế, tất cả các sản phẩm TLTHM tại Việt Nam hiện vẫn chưa được phép nhập khẩu, lưu hành, nên không khác gì lệnh cấm. Do đó, chưa có sản phẩm chính danh nào được cung cấp cho người dùng, trong khi hàng lậu, hàng giả lại “tự do” tiếp cận sai đối tượng, mục đích. Thực trạng này tạo thêm gánh nặng cho các cơ quan quản lý thị trường, an ninh trật tự xã hội trong việc ngăn chặn tội phạm buôn lậu và gây lúng túng trong xử lý vì chưa có biện pháp chế tài thích đáng theo luật.

Ai chịu trách nhiệm về sức khỏe và quyền lợi của người hút thuốc?

Từ năm 2020, Bộ Công thương đã đề xuất thí điểm quản lý kinh doanh đối với một số sản phẩm TLTHM sau khi thống nhất ý kiến ủng hộ của các bộ: Tư pháp, Khoa học-Công nghệ, Tài chính, Hiệp hội Thuốc lá… Nhưng, về phía Bộ Y tế, đại diện Vụ Pháp chế bày tỏ lo ngại về tác hại đến sức khỏe, xã hội và đề nghị cấm TLTHM.

Phân tích về quan điểm này trong tọa đàm của báo Pháp Luật Việt Nam vào tháng 1-2022, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó Trưởng ban Dân nguyện, Đại biểu Quốc hội khóa XIV cho rằng, trước nhu cầu thực tế của xã hội, cần quản lý chứ không thể cấm đoán, “bởi cấm chỉ là phương pháp nửa vời”. Đồng tình, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính, Bộ Tư pháp đánh giá, nhiều quốc gia không cấm TLĐT hay TLLN vì “nếu như cấm mà thị trường và nhu cầu người tiêu dùng vẫn có thì sẽ phát sinh thị trường chợ đen”. Do đó, nhiều nước chỉ đặt ra quy định cấm đối tượng tiếp cận, cấm thành phần có khả năng thu hút giới trẻ và quy định nhiệm vụ giám sát cho các nhà sản xuất.

Mới đây nhất, tại tọa đàm ngày 27-10 của báo Lao Động, TS.BS. Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao & Bệnh phổi, BV Quân y 175, đưa ý kiến: “Nếu không thể cấm triệt để thì thay vì buông lỏng không quản lý như hiện nay, nên xây dựng một hành lang pháp lý để quản lý TLTHM được tốt, để có thêm một lựa chọn ít độc hại hơn cho những người không thể bỏ được thuốc lá, vì TLTHM ít độc hại hơn thuốc lá điếu”.

TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao & Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (Ảnh chụp từ clip ghi hình toạ đàm, Lao Động TV)

TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao & Bệnh phổi, Bệnh viện Quân y 175 (Ảnh chụp từ clip ghi hình toạ đàm, Lao Động TV)

Khi đặt đề xuất cấm TLTHM trong bối cảnh hàng lậu vẫn đang chiếm lĩnh thị trường chợ đen và xem xét từ góc độ quyền lợi của người trong tiêu dùng và cách tiếp cận bảo vệ sức khỏe cộng đồng, có thể nhận ra, người hút thuốc trưởng thành đang bị bỏ quên, chưa được đối xử công bằng và bình đẳng trước cơ hội chăm sóc sức khỏe.

Điều 8 Luật Bảo vệ Quyền lợi Người tiêu dùng 2010 cũng nêu rõ: quyền của người tiêu dùng là được bảo đảm an toàn tính mạng, sức khỏe, tài sản, quyền và lợi ích hợp pháp khác.

“… S là lỗi của thầy thuốc nếu biết TLTHM giúp giảm tác hại mà không thể tư vấn cho những bệnh nhân không cai bỏ được thuốc lá, và việc chuyển đổi giảm tác hại cần được thực hiện càng sớm càng tốt vì lợi ích sức khỏe”, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM.

Như vậy, người hút thuốc hợp pháp có quyền bình đẳng và được pháp luật tạo điều kiện để tiếp cận những sản phẩm chính danh, chất lượng trong chăm sóc sức khỏe khi có nhu cầu được chuyển đổi sang TLTHM ít tác hại hơn thuốc lá điếu.

Tại tọa đàm “Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam” do báo VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức vào tháng 8-2022 vừa qua, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM cho rằng, sẽ là lỗi của thầy thuốc nếu biết được TLTHM giúp giảm tác hại mà không thể tư vấn cho những bệnh nhân không cai bỏ được thuốc lá, và việc chuyển đổi giảm tác hại cần được thực hiện càng sớm càng tốt vì lợi ích sức khỏe.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm