Báo Lao Động vừa tổ chức tọa đàm, công bố kết quả khảo sát trên 2.000 độc giả, cho thấy: 97% người có biết hoặc từng sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT) và khoảng 50% người biết đến thuốc lá làm nóng (TLLN). Nghĩa là, dòng sản phẩm thuốc lá mới này đang trở nên rất phổ biến trong đời sống người dân. Tuy nhiên, ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng ban Dân nguyện, Ủy ban Thường vụ Quốc hội chia sẻ trong tọa đàm khẳng định, 100% thuốc lá thế hệ mới (TLTHM) hiện nay đều là hàng lậu, không chính danh.
Hiện nay vẫn còn có ý kiến trái chiều với nhau giữa một số bộ ngành về quan điểm cấm toàn bộ hay nên đưa TLTHM vào quản lý dưới luật. Thế nhưng, trong khi các bộ ngành đang tiếp tục trao đổi về hành lang pháp lý thì thực tế nguồn hàng lậu của nhóm sản phẩm này vẫn đang “tự do” tung hoành thị trường chợ đen nhiều năm qua, phớt lờ luật pháp.
Điểm sáng từ kinh nghiệm phối hợp liên ngành trên thế giới
Trên thế giới, việc phối hợp liên bộ - ngành trong việc quản lý TLTHM không còn xa lạ. Theo báo cáo năm 2020 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), 184/193 quốc gia thành viên của tổ chức này đồng thuận đưa TLLN vào quản lý dưới luật kiểm soát thuốc lá của quốc gia. Trong đó, không ít trường hợp quản lý TLTHM thành công, điển hình như Mỹ, Anh, Canada, Thụy Điển, Na Uy, New Zealand, Nhật Bản, Hàn Quốc…
Từ kinh nghiệm quốc tế cho thấy, trong giai đoạn ban đầu tiến hành xây dựng khung pháp lý và cấp phép TLTHM, các cơ quan bộ ngành của các quốc gia này cũng có ý kiến trái chiều. Tuy nhiên, các bên chấp nhận quan điểm đối lập trên tinh thần tôn trọng và sẵn sàng cùng nhau tháo gỡ vướng mắc, thống nhất giải pháp để kiểm soát nhóm sản phẩm này. Sau khi cấp phép, các bên tiếp tục phối hợp theo dõi thực tiễn để liên tục điều chỉnh, hoàn thiện hơn khung pháp lý và nâng cao năng lực quản lý. Nhờ vậy các quốc gia này đã đạt được những thành công nhất định với chiến lược giảm tác hại thuốc lá. Trong đó, nhờ sự xuất hiện hợp pháp của TLTHM đã góp phần giảm đáng kể mức tiêu thụ thuốc lá điếu truyền thống và cải thiện các chỉ số sức khỏe của người dân liên quan đến các bệnh do hút thuốc lá gây ra.
Tại Nhật Bản, các sản phẩm TLTHM được quản lý bởi Bộ Tài chính, nhưng Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản phối hợp thiết lập các quy định chi tiết về tiêu chuẩn sản phẩm.
Ở Philippines, Bộ Thương mại và Công nghiệp được trao thẩm quyền quản lý các sản phẩm TLTHM và Bộ Y tế ra quy định hướng dẫn về việc thực hiện các chiến dịch nâng cao nhận thức hạn chế hút thuốc và sử dụng thuốc lá điện tử (TLĐT).
Tại Việt Nam, Bộ Công thương với vai trò chủ quản ngành hàng, đã được Chính phủ giao trách nhiệm đề xuất chính sách quản lý đối với TLTHM từ năm 2017. Trong 5 năm qua, Bộ Công thương đã kết hợp với Bộ Tư pháp, Bộ Tài chính, Bộ Khoa học & Công nghệ, Tổng cục Hải quan, Quản lý thị trường… thực hiện các bước cần thiết để hỗ trợ cho việc thiết lập khung pháp lý cho TLTHM. Bộ Công thương cũng tích cực thúc đẩy các hoạt động khảo sát, lấy ý kiến đóng góp từ các bộ, ngành liên quan, kể cả việc tiếp nhận ý kiến trái chiều… để tìm cách tháo gỡ, hướng tới việc có đề xuất giải pháp quản lý phù hợp, kịp thời cho Chính phủ trong năm 2022.
Việt Nam không thể chậm trễ hơn trong kiểm soát TLTHM
Trước nhu cầu của người hút thuốc lá hợp pháp muốn được chuyển đổi sang các sản phẩm giảm tác hại là có thật, các chuyên gia đều đánh giá vấn đề quản lý TLTHM là cấp bách, đã đến lúc cần sửa đổi và bổ sung Nghị định 67/2013/NĐ-CP để tạo đà cho việc luật hóa TLTHM.
Ông Lưu Bình Nhưỡng và ông Phạm Văn Hòa ủng hộ quan điểm đưa TLTHM vào quản lý dưới luật |
Tại tọa đàm "Quản lý TLTHM: Cần góc nhìn mới" vào tháng 1-2022 do Báo Pháp Luật Việt Nam tổ chức, ông Lưu Bình Nhưỡng đánh giá: "Dứt khoát phải quản lý. Khi xã hội có nhu cầu, xuất hiện các quan hệ xã hội thì nhà nước không thể không quản lý".
Cũng trong tọa đàm này, bà Nguyễn Quỳnh Liên - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự-Hành chính, Bộ Tư pháp cho rằng, Việt Nam đang quản lý các sản phẩm thuốc lá bằng Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá năm 2012. “WHO đã chính thức công nhận TLLN là thuốc lá. Vì vậy, việc cần làm tiếp theo là áp dụng luật kiểm soát thuốc lá hiện hành đối với sản phẩm này như thế nào là phù hợp”, bà Liên nhận định.
Về phía Bộ Y tế, đại diện Vụ Pháp chế bày tỏ lo ngại về tác hại đến sức khỏe, xã hội nếu như chính sách quản lý của Bộ Công thương được thông qua. Các chuyên gia cho rằng quan ngại của Bộ Y tế là hoàn toàn hợp lý. Tuy nhiên, nguyên do chính là vì công tác quản lý TLTHM đang bị buông lỏng, thị trường chợ đen phát triển nên dẫn đến nhiều hệ lụy xã hội. Và sau cùng, theo nguyên tắc nhà nước pháp quyền, khi người dân có nhu cầu và có quyền yêu cầu được bảo vệ, tạo cơ hội tiếp cận các mặt hàng chất lượng thì việc quản lý TLTHM là yêu cầu bắt buộc nhà nước phải thực hiện.
Được biết, ngoại trừ Bộ Y tế còn quan ngại, các cơ quan khác đã lần lượt hiến kế, đưa giải pháp để cùng Bộ Công thương thống nhất khung pháp lý áp dụng cho TLTHM. Cụ thể, Bộ Khoa học & Công nghệ đã hoàn tất quy chuẩn cho một số nhóm sản phẩm TLTHM, Bộ Tư pháp đã chỉ định rõ khung Luật để quản lý TLTHM theo Điều 2.1 bộ Luật PCTHTL 2012. Đại diện Bộ Tài chính mới đây đã đồng thuận cần ban hành mức thuế tiêu thụ đặc biệt dành riêng cho TLTHM...
Như vậy, có thể thấy, tại Việt Nam, các bộ ngành hoàn toàn có đủ năng lực quản lý để kiểm soát TLTHM, nếu có sự phối hợp nhịp nhàng với nhau, chắc chắn bài toán quản lý TLTHM được sớm giải quyết thỏa đáng theo chỉ đạo đã được Chính phủ đưa vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật và cần hoàn thành trong năm 2022.