3 quan ngại và lời giải cho quản lý thuốc lá thế hệ mới

(PLO)-Ngày 5-8 vừa qua, tọa đàm “Xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá” do Báo điện tử VietnamPlus phối hợp với Tổng hội Y học Việt Nam tổ chức đã cung cấp cho bạn đọc nhiều thông tin hữu ích về tác hại của thuốc lá và các giải pháp giảm tác hại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngoài ra, trong tọa đàm, các chuyên gia y tế đầu ngành đã chia sẻ góc nhìn đa chiều, cởi mở dựa trên khoa học và sức khoẻ cộng đồng, có thể xem như là “lời giải” cho hầu hết các quan ngại có liên quan đến việc quản lý thuốc lá thế hệ mới, vốn là vấn đề thời sự đang rất được quan tâm thời gian gần đây.

Góc nhìn pháp lý: Cấm thuốc lá thế hệ mới là đi ngược luật hiện hành

Vừa qua, nhiều bộ, ngành đã lên tiếng ủng hộ đề xuất thí điểm quản lý thuốc lá thế hệ mới của Bộ Công thương. Tuy nhiên, vẫn còn một số ý kiến cho rằng nên cấm để tránh đi ngược lại các nguyên tắc giảm cung, giảm cầu của Công ước khung về kiểm soát thuốc lá (FCTC) và Chiến lược quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá.

Với ý kiến này, các chuyên gia trong tọa đàm khẳng định, cấm là cản trở quyền lợi được lựa chọn giải pháp giảm tác hại của người dùng. Quan điểm này đã được số đông công chúng đồng tình, qua kết quả của khảo sát do Báo VietnamPlus tổ chức trên hơn 2.000 người trưởng thành đủ 18 tuổi. Theo đó, 70% trong số họ đồng thuận rằng các giải pháp giúp giảm tác hại thuốc lá là quan trọng; 60% có nhu cầu chuyển đổi sử dụng các sản phẩm thay thế có khả năng giảm tác hại so với thuốc lá điếu, nếu tốt cho bản thân và cộng đồng.

Khảo sát độc giả của VietnamPLus về tác hại của khói thuốc lá

Khảo sát độc giả của VietnamPLus về tác hại của khói thuốc lá

ThS.BS Lê Đình Phương - Trưởng khoa Nội Tổng quát và Y học Gia đình, Bệnh viện FV cho biết, nhiều quốc gia trên toàn cầu đã cho phép thuốc lá làm nóng được lưu hành, quản lý dưới luật hiện hành hoặc luật riêng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Philippines… cho đến cả các nước rất khắt khe là Mỹ và Canada hay thậm chí gần như toàn bộ châu Âu.

Tại Việt Nam, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá hiện hành cũng đã có những cơ sở pháp lý để kiểm soát một phần nhóm sản phẩm thuốc lá thế hệ mới này. Theo Điều 2.1 của Luật, mặc dù hiện nay chưa có quy định cụ thể nhưng thuốc lá làm nóng nói riêng đã đủ tiêu chuẩn để ngay lập tức đưa vào quản lý dưới luật như một sản phẩm thuốc lá “dạng khác”. Như vậy, đề xuất cấm thuốc lá làm nóng là đi ngược lại với Luật hiện hành.

Sau khi tham khảo các thông lệ quốc tế, Luật Phòng chống tác hại thuốc lá của Việt Nam cũng nhất quán với quan điểm của WHO là: cần quản lý các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới, nhằm đáp ứng chiến lược giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại. Do đó, việc đưa thuốc lá thế hệ mới vào quản lý là hoàn toàn phù hợp với luật hiện hành.

Góc nhìn xã hội: Càng thả rông thuốc lá thế hệ mới, giới trẻ càng dễ bị tấn công

Hiện nay, trên thế giới đang tồn tại hai “bức tranh” khác biệt về quản lý thuốc lá thế hệ mới. Ở các quốc gia tiên tiến, nơi thuốc lá thế hệ mới từ lâu đã được quản lý dưới luật, “bức tranh” an ninh xã hội tuy không hoàn toàn “màu hồng” nhưng cũng “không xám xịt” như nhiều lầm tưởng hay lo lắng trước đó của các nhà lập pháp.

Cụ thể như Mỹ, kể từ sau tháng 7-2020 một sản phẩm thuốc lá làm nóng được cấp phép kinh doanh như là "Sản phẩm thuốc lá điều chỉnh nguy cơ" (MRTP) cùng với chỉ định "Giảm thiểu phơi nhiễm" thì 4 năm sau đó, kết quả lại vô cùng tích cực. Dữ liệu cho thấy, tỉ lệ sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá ở thanh thiếu niên nước này giảm đáng kể, đặc biệt là thuốc lá điện tử có chứa nicotine. Khảo sát từ Viện Quốc gia về Lạm dụng Ma túy (NIDA) và Đại học Michigan chỉ ra rằng, ở học sinh lớp 12, tỷ lệ sử dụng thuốc lá điện tử có chứa nicotine giảm xuống dưới 20%.

Hay ở xứ sở mặt trời mọc, một nghiên cứu năm 2018, cho thấy thị trường thuốc lá Nhật Bản sau gần một thập kỷ quản lý thuốc lá làm nóng cũng cho thấy lượng tiêu thụ thuốc lá điếu đốt cháy đã giảm 44% chỉ trong 5 năm, đồng thời, chỉ có 0,1% học sinh sử dụng thuốc lá làm nóng hàng ngày trong cả 2 cấp THCS và THPT.

Điều này trái ngược hẳn với “bức tranh” hiện nay ở Việt Nam, tuy sản phẩm chưa được hợp thức hoá, nhưng tỷ lệ giới trẻ sử dụng thuốc lá điện tử lậu ở nước ta lại ngày càng tăng. Qua đó, nảy sinh một quan ngại khác lớn hơn, đó là: “thả rông” thuốc lá thế hệ mới ngoài vòng pháp luật liệu có phải là cách có thể bảo vệ giới trẻ khỏi hàng lậu hay đó là “kẽ hở” tạo cơ hội cho ma túy trá hình tấn công nhiều hơn?

Nhấn mạnh tại tọa đàm, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc - Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam, Chủ tịch Liên chi hội Hô hấp TP.HCM tham vấn: “Chúng ta phải quản lý và phải học theo những chính sách quản lý tốt. Quản lý chặt chẽ chừng nào là do trình độ của chúng ta”.

Tọa đàm xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Tọa đàm xu hướng tiếp cận giải pháp giảm tác hại thuốc lá tại Việt Nam

Đồng tình với PGS.TS.BS Ngọc, ThS.BS. Lê Đình Phương lý giải thêm: “Nếu quản lý tốt thuốc lá làm nóng thì sẽ rất có lợi cho cộng đồng, cho người bệnh, giải quyết được vấn đề sử dụng sai mục đích”.

ThS.BS Vũ Văn Thành - Trưởng Khoa Bệnh phổi mãn tính, BV Phổi Trung ương cũng cho rằng, thuốc lá điện tử tràn lan nghĩa là chúng ta chưa kiểm soát được vấn đề. Ông nhấn mạnh, tất cả sản phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe thì đều cần phải quản lý tốt chứ không phải chỉ riêng thuốc lá thế hệ mới.

Góc nhìn sức khỏe cộng đồng: Cân nhắc giữa lợi ích và nguy cơ khi quản lý các sản phẩm thuốc lá

Trước một số ý kiến cảm quan cho rằng thuốc lá thế hệ mới chứa nhiều chất độc hại hơn thuốc lá điếu, PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc đặc biệt lưu ý: Mọi kết luận cần dựa trên bằng chứng khoa học, ý kiến chuyên gia chỉ là cấp độ thứ yếu so với tất cả những chứng cứ về mặt khoa học.

Nhằm minh chứng rõ hơn, PGS.TS.BS Ngọc đã chia sẻ nghiên cứu của Hội tim mạch châu Âu trên tạp chí Circulation: Nếu không đốt cháy điếu thuốc lá mà thay bằng hình thức làm nóng thì tỉ lệ sản sinh những chất gây độc trên tim mạch, trên chức năng tiểu cầu giảm đi tới 95%. Tại Nhật, một nghiên cứu khác cũng cho ra kết quả tương tự, với bệnh nhân COPD và tim mạch, sau nhiều nỗ lực vẫn không thể bỏ hút thuốc, nếu có thể chuyển từ thuốc lá điếu sang thuốc lá làm nóng thì tỷ lệ nhập viện giảm đi rất đáng kể.

Cùng quan điểm, TS.BS Đào Văn Tú (Trưởng khoa điều trị theo yêu cầu, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Lâm sàng, Bệnh viện K Trung ương) viện dẫn thêm 2 bằng chứng khoa học: Một là, theo FDA, khi sử dụng hệ thống làm nóng thì có thể giảm đến 98% các chất độc chính gây ra trong thuốc lá, bao gồm 5 nhóm chất độc chính là acrolein, BP, formaldehyde, NNN và NNK. Hai là, một nghiên cứu ở Đức cũng báo cáo, hàm lượng các chất gây hại trong khí hơi (aerosol) của thuốc lá làm nóng có thể giảm đến 95%.

Khi so sánh mức độ độc hại giữa các sản phẩm thuốc lá, WHO cũng xếp thuốc lá điếu là độc hại nhất, kế đến là các sản phẩm thuốc lá không khói như thuốc là điện tử, thuốc lá làm nóng, thuốc lá ngậm… Do đó, theo các chuyên gia, cần hiểu rõ và kết luận công tâm rằng, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới dù không triệt tiêu 100% tác hại, nhưng vai trò giảm thiểu tác hại rất đáng kể, có thể là lựa chọn tốt hơn cho người hút thuốc lá điếu có nhu cầu chuyển đổi, đồng thời góp phần hoàn thiện “cột trụ thứ 3” trong chiến lược giảm cung, giảm cầu, giảm tác hại của chính WHO.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm