Các chuyên gia cho rằng, việc quản lý sớm những loại sản phẩm này là cần thiết và cảnh báo tình trạng buông lỏng này sẽ chỉ để lại những “di chứng” đáng kể, ảnh hưởng đến chính người hút thuốc và cộng đồng. Thế nhưng, bất chấp những cảnh báo đó, việc đưa thuốc lá thế hệ mới dưới sự kiểm soát của chính phủ vẫn đang chưa có gì tiến triển. Hiện các cơ quan ban ngành liên quan vẫn chờ “luật” để quản lý, còn người dùng thì chờ đợi để tiếp cận được sản phẩm chính danh.
Thuốc lá thế hệ mới: Người dùng “ngậm ngùi” mua hàng lậu
Những năm qua, số lượng người hút thuốc lá điếu chuyển sang dùng thuốc lá điện tử, thuốc lá làm nóng, hay gọi chung là thuốc lá thế hệ mới ngày càng nhiều với mong muốn giảm sự phụ thuộc vào thuốc lá điếu và kỳ vọng cải thiện tình trạng sức khỏe. “Nhu cầu sử dụng thuốc lá thế hệ mới của người Việt Nam đang rất cao”, ông Lưu Bình Nhưỡng – Phó trưởng Ban Dân nguyện, Đại biểu Quốc hội Khoá XIV, xác nhận.
Ông Lưu Bình Nhưỡng, Phó trưởng Ban Dân nguyện, Đại biểu Quốc hội khoá XIV |
Trong khi thuốc lá điếu là mặt hàng kinh doanh hợp pháp, được pháp luật bảo vệ thì hiện nay các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới lại chưa chính thức được pháp luật kiểm soát nên việc giao dịch những sản phẩm này chỉ có thể diễn ra ở thị trường chợ đen với nhiều nguy cơ, rủi ro cho người mua và có lợi cho người bán hàng lậu. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi người tiêu dùng khi những nhu cầu chính đáng lại không được đảm bảo hoặc bảo vệ bởi pháp luật. Ông Nhưỡng góp ý: Trong khi Việt Nam đã có Luật Phòng, chống tác hại của thuốc lá nhưng vấn đề này lại không được áp dụng một cách triệt để.
"Chính sự thiếu quản lý đã dẫn đến tình trạng các loại thuốc ‘thật’ đạt tiêu chuẩn chất lượng, chính hãng, sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế không thể theo con đường “chính danh” vào Việt Nam. Hàng lậu thì vẫn ồ ạt “chiếm lĩnh” thị trường, ngân sách thất thu… Do đó, từ người hút trực tiếp đến người hút thụ động sẽ là những người hứng chịu toàn bộ hậu quả. Đây là một điều hết sức đáng tiếc và cần thiết phải có hành động mạnh mẽ hơn,” ông Nhưỡng phân tích.
Đồng thời, ông Nhưỡng khẳng định, trước nhu cầu thực tế của xã hội, cần quản lý chứ không thể cấm đoán, bởi cấm chỉ là phương pháp nửa vời.
Đồng tình với quan điểm này, bà Nguyễn Quỳnh Liên, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Hình sự - Hành chính (Bộ Tư pháp) cho rằng, nhiều quốc gia không cấm triệt để hoặc cấm hoàn toàn thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng vì "nếu như cấm mà thị trường và nhu cầu người tiêu dùng vẫn có thì sẽ phát sinh thị trường chợ đen". Do đó, nhiều nước chỉ đặt ra quy định cấm đối tượng tiếp cận, cấm thành phần có khả năng thu hút giới trẻ và quy định giám sát các nhà sản xuất.
Trong một phỏng vấn báo chí, Đại biểu Quốc hội khóa XIV Nguyễn Sỹ Cương cho rằng, cần phải có hành lang pháp lý, có quy định quản lý đối với các loại hình thuốc lá thế hệ mới và khi có quy định rồi cũng phải xác định ngay đấy là mặt hàng kinh doanh có điều kiện. Điều đó là cần thiết để giúp cơ quan chức năng như cơ quan Quản lý Thị trường, Công an… xử lý các vấn đề liên quan đến thuốc lá thế hệ mới.
Quy định quản lý cần bắt kịp tiến bộ khoa học
Với sự phát triển không ngừng của khoa học và công nghệ trên toàn cầu, các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới sẽ không chỉ dừng lại ở những sản phẩm thuốc lá điện tử hay thuốc lá làm nóng.
Tham mưu cho Bộ Công thương và Chính phủ về vấn đề quản lý, đại biểu Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) nêu rõ: Các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới là những sản phẩm công nghệ và trong tương lai với những thay đổi của khoa học thì có thể sẽ còn những sản phẩm thuốc lá mới khác.
Vì vậy, đại biểu Phạm Văn Hòa nhấn mạnh, chúng ta cần có cơ chế quản lý không chỉ với thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng, mà sẽ quản lý với những sản phẩm thuốc lá công nghệ mới trong tương lai.
Ông Phạm Văn Hòa (Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp) |
Chia sẻ tại tọa đàm “Góc nhìn mới về quản lý thuốc lá thế hệ mới” vào đầu năm 2022 tại Hà Nội, ông Nhưỡng cũng nhắc lại chuyện quản lý là cần thiết, cấp bách: “Theo tôi, dứt khoát phải quản lý khi xã hội có nhu cầu, xuất hiện các quan hệ xã hội thì nhà nước không thể không quản lý. Ở đây là sản phẩm tác động không chỉ đối với người hút thuốc mà với cả những người xung quanh, đến nhà sản xuất, các nhà xuất nhập khẩu. Không thể chấp nhận chuyện không thể quản lý”.
Bên cạnh đó, ông Nhưỡng còn đưa ra góc nhìn về trách nhiệm bảo vệ quyền con người, ở đây là quyền của người tiêu dùng. Bởi “chúng ta nhận thấy người tiêu dùng có nhu cầu sử dụng các loại sản phẩm thuốc lá thế hệ mới”, ông nói.
Trước sự phổ biến của các sản phẩm thuốc lá thế hệ mới trên thị trường chợ đen suốt nhiều năm qua, việc cần thiết phải sớm quản lý ngay mặt hàng này là không cần bàn cãi. Theo đó, để sớm quản lý được mặt hàng này, việc vận dụng các hệ thống pháp luật hiện có là điều cần thiết. Trong đó, Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá sẽ là công cụ hữu ích để đưa các sản phẩm này vào khuôn khổ pháp lý, bởi vì các sản phẩm thuốc lá đã nằm trong phạm vi điều chỉnh của luật này. Đây cũng là điều mà những người hút thuốc, cộng đồng, cơ quan ban ngành liên quan chờ đợi trong suốt nhiều năm qua, đồng thời năng lực kiểm soát thuốc lá của quốc gia theo khuyến khích của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cũng được tăng cường triệt để hơn.