TÁI CƠ CẤU DOANH NGHIỆP NHÀ NƯỚC

“Chần chừ, mời làm việc khác!”

“Tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước (DNNN) là nhiệm vụ chính trị trọng tâm của Chính phủ trong hai năm tới. Giải pháp hàng đầu có ý nghĩa quyết định chính là trách nhiệm, quyết tâm của từng bộ trưởng, chủ tịch tỉnh. DN nào chần chừ không muốn làm, đề nghị các bộ trưởng, chủ tịch tỉnh “mời” họ làm việc khác nhưng không phải là đề bạt ở vị trí cao hơn”. Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã nhấn mạnh như thế tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ tái cơ cấu DNNN 2014-2015 diễn ra tại Hà Nội ngày 18-2.

Cổ phần hóa không khó

Ông Phạm Viết Muôn, Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, Phó Trưởng ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, cho biết số DNNN sẽ tiến hành cổ phần hóa (CPH) trong hai năm còn lại là 432, bình quân mỗi năm phải CPH 216 DN. Để làm được việc này, theo ông Muôn cần phải thực hiện giải pháp đột phá.

Chia sẻ kinh nghiệm về việc này, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho rằng: “Quá trình CPH rất đơn giản. Vấn đề là lãnh đạo bộ có quyết tâm làm hay không”. Chia sẻ “bí kíp” CPH 54 DN thành công và chuẩn bị CPH 42 DN còn lại, Bộ trưởng Thăng chia sẻ: để CPH thành công thì phải tìm được nhà đầu tư chiến lược. Đồng thời, những DNNN mà không cần Nhà nước chi phối thì dứt khoát không cần giữ cổ phần chi phối mà cứ CPH hết. Bởi lẽ những DN vẫn muốn Nhà nước chi phối là do các ông chủ tịch, tổng giám đốc sợ sẽ mất chức. Còn ngược lại DN nào làm tốt thì sẵn sàng thực hiện CPH và rất mong muốn Nhà nước không giữ chi phối. “Những DN nào có vẻ bấp bênh, không chắc chắn là cứ đề nghị Nhà nước giữ cổ phần trên 51%” - Bộ trưởng Thăng nhìn nhận.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng với các đại biểu. Ảnh: TTXVN 

Một trong những bài học thành công nữa của Bộ trưởng Thăng trong thực hiện CPH đó là xác định rõ vai trò, trách nhiệm cá nhân của các thứ trưởng phụ trách công việc này và lãnh đạo các DN. “Thực tế, chúng tôi đã cách chức chủ tịch, tổng giám đốc của Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 8, chuyển sang làm việc khác do không hoàn thành mục tiêu CPH” - ông Thăng dẫn chứng.

Không thoái vốn bằng mọi giá

Không lạc quan như Bộ trưởng Thăng, lãnh đạo một số địa phương và các DNNN đã kêu khó, nhất là việc thoái vốn đầu tư. Tổng Giám đốc Tập đoàn Cao su Việt Nam Trần Ngọc Thuần dẫn chứng: “Một số dự án đầu tư ở Campuchia rất hiệu quả nhưng khi thực hiện tái cơ cấu phải thoái vốn để thu vốn về hay như việc thoái vốn ngoài ngành ở các dự án dở dang trong nước cũng gặp khó khăn. Cần hoàn thiện các điều kiện pháp lý với các đơn vị đầu tư ra nước ngoài, đồng thời có lộ trình thoái vốn đợi các dự án hoàn thành để tránh thất thoát tài sản nhà nước. Vì dự án đang làm dở dang như chiếc áo đang may còn thiếu khuy, thiếu cúc thì chưa thể bán được” - ông Thuần cho hay.

Cũng về vấn đề này, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng BIDV Trần Bắc Hà chia sẻ: “Điều chúng tôi rất sợ đó là quy định thoái vốn mà phải bảo toàn vốn. Thêm vào đó là khó khăn trong tìm đối tác thoái vốn, trong khi đó các quy định về thoái vốn còn phân tán, phê duyệt quy định về thoái vốn chậm chập, vì đến năm 2013 mới có”. Theo ông Hà, quy định đến năm 2015 phải hoàn thành việc thoái vốn, nếu không sẽ kiểm điểm trách nhiệm, như thế là rất khó. “Bởi lẽ có những khoản đầu tư ngoài ngành thua lỗ nhưng cũng có những khoản đầu tư hiệu quả, vậy có phải thoái vốn bằng bất cứ giá nào để hoàn thành đúng thời hạn 2015 hay không?” - ông Hà đặt vấn đề.

Giải đáp cho những thắc mắc này, Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh cho hay những vướng mắc này vừa rồi Chính phủ đã cho sửa Nghị định 59 để khắc phục. Riêng vấn đề thoái vốn cũng được điều chỉnh theo lộ trình và chia làm hai loại: Thoái vốn đối với DN đã CPH và thoái vốn đối với DN đầu tư ngoài ngành chứ không ép DN phải thoái vốn bằng mọi giá.

Thúc đẩy công khai, minh bạch

Theo chỉ đạo của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, trong hai năm còn lại sẽ thực hiện tái cơ cấu DNNN đồng bộ các lĩnh vực, trong đó trọng tâm là CPH 432 DN còn lại. Đồng thời, Thủ tướng cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tiếp tục rà soát để bổ sung thêm các DN cần CPH sau năm 2015. Ngoài số DN được CPH đến năm 2015, vẫn còn 455 DN 100% vốn nhà nước, vì vậy cần tiếp tục giảm mạnh số DN giữ 100% vốn nhà nước và giảm mạnh tỉ lệ nhà nước nắm giữ vốn trong các DN có vốn nhà nước chi phối để thúc đẩy công khai, minh bạch, cả xã hội cùng kiểm soát được.

Bên cạnh yêu cầu CPH mạnh, Thủ tướng cũng đề nghị các DNNN làm rõ nhiệm vụ công ích, nhiệm vụ chính trị và kinh doanh. “Từng DN tự kê ra nhiệm vụ của mình. Ví dụ, điện lực thì nhiệm vụ chính trị là không để thiếu điện nhưng vẫn bán theo giá thị trường. Đối với các hộ nghèo ngân sách chi hỗ trợ riêng. Hay như dầu khí cũng cần rạch ròi những dự án thăm dò xa do nhu cầu chủ quyền thì làm nhiệm vụ chính trị, còn các dự án khác phải hạch toán kinh doanh” - Thủ tướng nói.

THU HẰNG

Điểm mặt các đơn vị chậm cổ phần hóa

Theo thống kê của Ban Chỉ đạo đổi mới và phát triển DN, đến nay vẫn còn nhiều đơn vị thực hiện CPH kém, vì có số DN chưa thực hiện CPH cao. Đó là TP.HCM (77 DN), Hà Nội (49 DN), Hải Phòng (15 DN), Bình Đình (bảy DN), Bộ VH-TT&DL (16 DN), Tập đoàn Công nghiệp Than - khoáng sản (tám DN), Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam (11 DN). Các đơn vị trên chiếm 183/432 DN CPH của cả nước, việc hoàn thành CPH các DN ở các đơn vị này có tác động quan trọng đến kết quả chung.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm