Chặn đường đi vì cho rằng đền bù không đúng cam kết

(PLO)- Cho rằng chính quyền địa phương đền bù không đúng cam kết, một hộ gia đình ở huyện Duy Xuyên (Quảng Nam) đã chặn đường đi lại.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Hộ ông Trần Luôn ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, Quảng Nam chặn một đoạn đường Văn Thị Thừa trên địa bàn thị trấn. Nguyên nhân xuất phát từ việc gia đình đã tạo điều kiện cho UBND huyện làm đường, kèm cam kết huyện sẽ hoán đổi bằng diện tích đất tương tự.

Tuy nhiên, sau đó UBND huyện Duy Xuyên đã thu hồi quyết định quyết định đền bù cũ, đưa ra phương án đền bù mới nhưng không được người dân đồng thuận.

Chặn đường vì đền bù không đúng cam kết

Đường Văn Thị Thừa nối từ Quốc lộ 14H đến đường Chu Văn An ở thị trấn Nam Phước, huyện Duy Xuyên, có chiều dài khoảng 1 km, rộng 11 m. Đường Văn Thị Thừa do UBND huyện Duy Xuyên làm chủ đầu tư.

Hộ ông Trần Luôn chặn đoạn khoảng 80m trên đường Văn Thị Thừa. Ảnh: TN

Hộ ông Trần Luôn chặn đoạn khoảng 80m trên đường Văn Thị Thừa. Ảnh: TN

Ghi nhận của PV ngày 13-1, trên đường Văn Thị Thừa, một đoạn đường khoảng khoảng 80 mét bị chặn hai đầu. Từ hướng Quốc lộ 14H đi vào, khi đến đoạn đường bị chặn, người dân phải rẽ trái hoặc rẽ phải, đi vòng để qua đường Chu Văn An. Việc đi vòng khiến quảng đường xa hơn 1-2 km.

Đoạn đường này do hộ ông Trần Luôn chặn lại. Ông Trần Văn Thu, con trai ông Luôn, cho biết trước khi làm đường, năm 2019, UBND thị trấn Nam Phước cam kết sẽ hoán đổi 1.206m2 đất bị ảnh hưởng, bằng một khu đất khác với diện tích, mục đích sử dụng đất tương tự.

“Dựa trên cơ sở đó, gia đình tôi đồng ý cho làm đường. Khi làm xong, họ hứa đến tháng 6-2020 sẽ bàn giao quyền sử dụng đất nhưng không bàn giao đúng hẹn. Gia đình nhiều lần làm đơn kiến nghị nhưng không được giải quyết nên bức xúc rào phần đất của gia đình”, ông Thu nói.

Cũng theo ông Thu, sau đó huyện đã thay đổi phương án đền bù, gia đình ông được bố trí một lô đất khoảng 200m2, còn lại đền bù theo giá nhà nước hơn 1 triệu đồng/m2. Mức giá đền bù này quá thấp, gia đình đề nghị áp giá cao hơn nhưng huyện không đồng ý.

“Khu đất đã làm đường chưa có quyết định thu hồi, vẫn thuộc sở hữu của gia đình chúng tôi. Nếu thoả thuận không thành, chúng tôi chỉ rào phần đất của gia đình” - ông Thu nói.

Ông Nguyễn Ngọc Xinh ở thị trấn Nam Phước, cho biết gia đình ông cũng bị ảnh hưởng 350 m2 khi làm đường Văn Thị Thừa. Năm 2019, gia đình ông đồng ý hiến 170 m2 đất cây lâu năm, còn 180m2 đất ở sẽ đổi bằng một lô đất khác, nhưng bốn năm qua vẫn chưa giải quyết việc đổi đất.

Ông Thu cho rằng gia đình chỉ rào phần đất của gia đình mình, do nhà nước chưa có quyết định thu hồi. Ảnh: TN

Ông Thu cho rằng gia đình chỉ rào phần đất của gia đình mình, do nhà nước chưa có quyết định thu hồi. Ảnh: TN

Phương án bồi thường trái pháp luật

Ông Lương Thanh Bình, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Nam Phước, cho biết quá trình thực hiện dự án, hai hộ (ông Luôn và ông Xinh – PV), có diện tích đất bị ảnh hưởng lớn nên UBND thị trấn có trình UBND huyện xin ý kiến về việc đề bù, hoán đổi đất cho hai hộ này. Tờ trình được UBND huyện Duy Xuyên thống nhất, trong đó có phương án hoán đổi đất đúng diện tích hai hộ bị ảnh hưởng.

“UBND thị trấn có làm thủ tục để người dân thống nhất bàn giao mặt bằng. Sau khi làm đường, các hộ dân có làm việc với UBND huyện nhiều lần về việc hoán đổi đất nhưng chưa được giải quyết”, ông Bình nói.

Trao đổi với PV, ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên, cho biết trước đây, huyện phê duyệt phương án bồi thường cho hai hộ dân này, được đổi đất bị ảnh hưởng bằng một thửa đất khác có diện tích tương đương. UBND thị trấn Nam Phước làm việc với người dân, đề nghị người dân nhường đất thực hiện dự án.

Người tham gia giao thông khi đến vị trí bị chặn lại phải rẽ sang hướng khác. Ảnh: TN

Người tham gia giao thông khi đến vị trí bị chặn lại phải rẽ sang hướng khác. Ảnh: TN

Sau khi rà soát hồ sơ, UBND huyện nhận thấy phương án bồi thường trái với quy định pháp luật nên huỷ quyết định phê duyệt đền bù trước đây, dẫn đến việc người dân không đồng tình. Nguyên nhân là phương án bồi thường do UBND thị trấn Nam Phước trình, các ban ngành của huyện tham mưu sai nên huyện có quyết định sai.

Vận động gia đình tháo dỡ, trả lại đường đi

Đất của hai hộ dân bị ảnh hưởng vẫn chưa có quyết định thu hồi. Hiện nay, người dân yêu cầu đền bù theo giá thoả thuận nhưng huyện không chấp nhận. Bởi, đây là công trình phát triển kinh tế - xã hội, không phải là dự án đầu tư. Huyện đã vận động, giải thích để người dân nắm chính sách đền bù, đồng thời vận động gia đình tháo dỡ, trả lại đường cho người dân đi lại.

Nếu gia đình không bằng lòng thì đề nghị có văn bản khởi kiện ra toà. Phán quyết của toà là phán quyết cuối cùng, huyện không thể làm trái quy định của pháp luật.

Ông Nguyễn Thế Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Duy Xuyên

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm