Chánh án Nguyễn Hòa Bình: Đổi tên tòa án là xu thế, giờ không làm sau con cháu sẽ làm

(PLO)- Nói về việc đổi mới tòa án, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết kết quả bỏ phiếu ở QH có thể vẫn giữ nguyên, có thể đổi mới; nhưng có một điều chắc chắn đây là xu thế, hôm nay chúng ta không làm, con cháu chúng ta cũng sẽ phải làm.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày làm việc thứ tám của kỳ họp thứ bảy, Quốc hội (QH) khóa XV đã thảo luận tại hội trường về dự án Luật Tổ chức TAND (sửa đổi). Một trong những nội dung còn ý kiến khác nhau liên quan đến quy định về “đổi mới TAND cấp tỉnh, TAND cấp huyện theo thẩm quyền xét xử”.

“Không có gì khác hơn thì tại sao phải đổi”

Về nội dung này, khoản 1 Điều 4 dự thảo đang thể hiện hai phương án.

Phương án 1 quy định TAND tỉnh và TAND huyện, như quy định của luật hiện hành. Phương án 2 quy định TAND sơ thẩm và TAND phúc thẩm, như đề nghị của TAND Tối cao.

Đáng chú ý, trước đây, khi cho ý kiến tại kỳ họp thứ sáu, đa số các đại biểu (ĐB) QH ủng hộ phương án 1. Lần thảo luận này, 13 ý kiến của ĐB phát biểu ủng hộ phương án 2; sáu ý kiến ủng hộ phương án 1.

Thống nhất với phân tích, đánh giá của Ủy ban Thường vụ QH, Chủ tịch HĐND TP.HCM Nguyễn Thị Lệ lựa chọn phương án giữ nguyên quy định hiện hành về tên gọi tòa án.

Tương tự, ĐB Nguyễn Tạo (đoàn Lâm Đồng) cho rằng TAND phúc thẩm vừa phải xét xử phúc thẩm vừa phải thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của một tòa sơ thẩm. “Việc đổi tên theo phương án 2 chỉ dừng lại ở tên gọi, còn nội hàm không khác với luật hiện hành” - ĐBQH tỉnh Lâm Đồng đề nghị “khi có đủ điều kiện” mới sửa đổi Luật Tổ chức TAND cho phù hợp với phương án 2.

“Không có gì khác hơn thì tại sao chúng ta phải đổi” - ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nói.

Tuy nhiên, do có nhiều ĐB đồng tình với việc đổi tên tòa án, Chánh án TAND Tối cao thuyết phục QH nên đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm, ĐB Phạm Văn Hòa đề nghị lấy phiếu xin ý kiến của các ĐBQH về nội dung này.

“Chúng ta có 487 ĐBQH, các ĐB phát biểu chỉ trên dưới 30 mà thôi, chưa biết mấy trăm ĐB còn lại ủng hộ phương án nào. Đề nghị nên lấy phiếu để không ai so bì gì được” - ĐBQH tỉnh Đồng Tháp nói.

chánh án Nguyễn Hòa Bình
Chánh án TAND Tối cao Nguyễn Hòa Bình phát biểu tại nghị trường. Ảnh: QH

“Dù có tốn mà đúng, tốt, phù hợp thì cũng phải làm”

Có quan điểm khác, ĐB Đỗ Ngọc Thịnh (đoàn Khánh Hòa) cho hay ông đồng ý với phương án 2, đổi mới TAND cấp tỉnh thành TAND phúc thẩm, TAND cấp huyện thành TAND sơ thẩm.

Nêu lý do, chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam cho rằng việc đổi mới này đã thể chế hóa, đáp ứng yêu cầu tại các nghị quyết của Đảng.

“Một trong những vấn đề quan trọng nhất là chúng ta phải xây dựng tòa án độc lập; tòa án trở thành trung tâm, xét xử là trọng tâm” - ông Thịnh nói và cho rằng có như vậy thì xét xử mới công bằng, đảm bảo công lý; nhân dân mới tin vào pháp luật, tin vào tòa án và xa hơn nữa là nhân dân tin vào chế độ.

Mặt khác, ĐBQH tỉnh Khánh Hòa nhấn mạnh tòa án là cơ quan xét xử của Nhà nước, tòa án thực hiện thẩm quyền tài phán quốc gia chứ không phải tòa án cấp huyện hay cấp tỉnh.

Ông Thịnh cũng dẫn lại ý kiến của ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) nhận định việc xét xử các vụ án hành chính mà người bị kiện là chủ tịch tỉnh rất khó. Nếu chúng ta tiếp tục giữ điều này, tòa án rất khó độc lập, rất khó cho tòa xử công bằng và rất khó cho việc đảm bảo công lý.

Một lý do khác, ông Đỗ Ngọc Thịnh cho rằng quy định nói trên phù hợp với truyền thống tư pháp nước nhà, khi Chủ tịch Hồ Chí Minh quyết định thành lập các tòa án của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

“Thời điểm lịch sử, Bác Hồ quyết định rất nhiều vấn đề lớn của nước ta, trong đó có việc xây dựng Hiến pháp 1946, có việc chỉ đạo xây dựng tòa án sơ thẩm, tòa án phúc thẩm. Tôi thấy cứ theo Bác là đúng” - ĐB Đỗ Ngọc Thịnh nói thêm.

“Tôi đồng ý với ý kiến của ĐB Phạm Văn Hòa, chúng ta cần phải lấy phiếu” - ông Thịnh kết luận.

Ủy viên thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trịnh Xuân An (đoàn Đồng Nai) cũng cho rằng việc đổi tên ở thời điểm này là “hoàn toàn cần thiết”. “Nếu không ở thời điểm này, chúng ta không còn thời điểm nào khác. Chẳng lẽ lại đợi sửa luật tòa án tiếp theo thì đến năm bao nhiêu chúng ta mới đổi được” - theo lời ông An.

ĐBQH tỉnh Đồng Nai đánh giá việc đổi tên như đề xuất của TAND Tối cao không phải là việc đổi tên thuần túy mà đây là một tư duy đổi mới về chính trị, pháp lý, phù hợp với định hướng cải cách…

ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nói việc đổi tên nói trên có thể làm phát sinh chi phí sửa con dấu, biển hiệu tòa án… nhưng ông đánh giá khoản chi này “không đáng kể” so với lợi ích to lớn, lâu dài của việc đổi mới tòa án.

“Dù có tốn mà đúng, tốt, phù hợp thì cũng phải làm” - ông Trí nhấn mạnh.

TAND Tối cao vẫn giữ quan điểm phải đổi mới

Giải trình thêm cuối phiên thảo luận, Chánh án Nguyễn Hòa Bình cho biết TAND Tối cao vẫn giữ quan điểm phải đổi mới, phải tổ chức theo thẩm quyền xét xử.

Theo ông Nguyễn Hòa Bình, hiến pháp quy định hai cấp xét xử. Bản thân luật này cũng quy định nhiệm vụ của cấp xét xử sơ thẩm, nhiệm vụ cấp phúc thẩm chứ không nói nhiệm vụ của tòa huyện hay tòa tỉnh. Tương tự, tất cả luật tố tụng đều nói nhiệm vụ của cấp sơ thẩm, cấp phúc thẩm. Việc đổi mới này phù hợp với tất cả luật khác.

“Kết quả bỏ phiếu ở QH thế nào chúng tôi chấp hành, có thể vẫn giữ nguyên, có thể đổi mới. Nhưng có một điều chắc chắn đây là xu thế, hôm nay chúng ta không làm, con cháu chúng ta cũng sẽ phải làm” - Chánh án TAND Tối cao khẳng định.

Dự kiến dự thảo Luật Tổ chức TAND (sửa đổi) sẽ được QH bấm nút thông qua vào sáng 24-6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm