Chào mào, cò, vạc thiếu ‘khai sinh’: Phạt hay không?

Sau khi Pháp Luật TP.HCM ngày 9-3 đưa tin Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai phát hiện và phạt ông Lê Đức Dũng (Đồng Nai) vì vận chuyển khoảng 100 chim cảnh không có chứng nhận nguồn gốc, nhiều bạn đọc đã gửi đến báo các thắc mắc liên quan việc săn bắt, nuôi chim.

Những chú chim gây… bối rối

Ở vụ việc trên, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã thả toàn bộ số chim nói trên, bao gồm bù chao, chào mào, khách, sáo, cu, chích chòe… được nhốt trong 40 chiếc lồng. Tuy nhiên, quanh vụ xử phạt này có ý kiến không nhất quán.

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Xuân Lưu, Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, nhận định: Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai phạt là đúng. “Các loại chim bình thường như bù chao, chào mào, khách, sáo, cu, chích chòe… được phép săn bắt theo mùa. Tuy nhiên, người săn bắt phải xin phép đơn vị chủ quản khu vực săn bắt để được cấp giấy chứng nhận cho số chim bắt được” - ông Lưu nói.

Theo ông Lưu, hiện nay hầu như chim nuôi làm kiểng, chim cảnh buôn bán ngoài thị trường không có chứng nhận nguồn gốc. Do vậy, chủ nhân phải liên hệ với chi cục kiểm lâm địa phương để được hướng dẫn thủ tục pháp lý.

Tuy nhiên, trên báo điện tử Pháp luật TP.HCM, bạn đọc tên Thanh (Hóc Môn, TP.HCM) hỏi: “Có một con chào mào bay vào sân nhà và tôi đã dùng vợt để bắt, rồi mua lồng về nuôi hơn hai năm nay. Tôi phải làm thế nào?”. Trả lời câu hỏi trên, ông Đào Văn Đang, Phó Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm TP.HCM, cho rằng đối với loài động vật hoang dã thông thường nằm trong danh mục ban hành theo Thông tư 47/2012 của Bộ NN&PTNT thì người nuôi phải đăng ký nuôi tại chi cục kiểm lâm địa phương và chứng minh được nguồn gốc hợp pháp. “Riêng đối với chào mào, do không nằm trong danh mục quản lý của Thông tư 47/2012 nên được phép nuôi, không cần chứng minh nguồn gốc, không cần đăng ký. Tuy nhiên, nếu xảy ra dịch bệnh lây truyền từ gia cầm, chim thì người nuôi phải thực hiện lệnh tiêu hủy của cơ quan có thẩm quyền” - ông Đang nói.

Ông Thanh tranh luận: “Căn cứ vào câu trả lời của ông Đang thì Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai đã sai khi phạt số chim chào mào nói trên”.

Hiện nay hầu như chim nuôi làm kiểng, chim cảnh buôn bán ngoài thị trường không có chứng nhận nguồn gốc. Ảnh: HTD

Phải từ rừng ra mới bị phạt?

Bạn đọc tên Tuấn (Bến Tre) hỏi: “Trên đường quốc lộ thuộc một tỉnh ở miền Tây, tôi thấy cò, vạc... được bày bán rất nhiều. Tôi phản ánh với sở NN&PTNT và chi cục kiểm lâm của tỉnh này thì được trả lời chỉ xử lý động vật có nguồn gốc từ rừng. Những con cò, vạc này không xác định có phải ở rừng ra hay không nên không xử lý được. Trả lời như vậy có đúng không?”.

Theo ông Đào Văn Đang, cơ quan chức năng tại địa phương nói trên đã đưa ra quyết định phù hợp, bởi cò và vạc có rất nhiều loại, trong đó có loại bị cấm săn bắt và buôn bán, có loại không bị cấm. Muốn phạt người bán phải xác định các loài chim ấy thuộc loại nào. Nhận được câu trả lời trên, ông Tuấn vẫn chưa hết thắc mắc: “Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đồng Nai phạt tất cả chim không nguồn gốc, trong khi chi cục kiểm lâm của tỉnh miền Tây chỉ phạt loại có nguồn gốc từ rừng. Mỗi nơi làm một kiểu sẽ gây khó cho người chơi và kinh doanh chim. Đề nghị Bộ NN&PTNT thống nhất những vấn đề liên quan trên, bởi hoạt động mua bán, nuôi chim kiểng hiện khá rầm rộ”.

Cục Kiểm lâm nhiều lần thất hẹn

Chiều 14-3, trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Thiện, Phó Cục trưởng Cục Kiểm lâm Việt Nam, cho biết: “Những loài được xin phép hoặc nằm trong danh mục Chính phủ quy định thì xử lý theo quy định. Riêng đối với những loài “lặt vặt” khác, hiện vẫn chưa kiểm soát được. Với những loài động vật, thú quý hiếm, phải có hồ sơ kèm theo”. Khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc quản lý cò, vạc… mà ông Tuấn thắc mắc, ông Thiện nói: “Cái này không nắm rõ, phải mở sách để đối chiếu”. Ông Thiện đề nghị gửi toàn bộ nội dung câu hỏi qua email để các phòng chuyên môn trả lời. Liên tiếp sau đó, PV liên hệ để hỏi về nội dung trả lời nhưng ông Thiện bảo rằng đang đi công tác và đã giao cho phòng chuyên môn. Người viết liên hệ với cán bộ phòng chuyên môn thì được trả lời chưa nhận thông tin từ phía ông Thiện… Đến ngày 21-3, PV tiếp tục liên hệ thì ông Thiện không bắt máy.

 

Theo Điều 21 Nghị định 157/2013, nếu nuôi, chơi chim nằm trong danh mục động vật hoang dã mà không xuất trình được các loại giấy tờ chứng minh nguồn gốc thì có thể bị xử phạt hành chính. Cụ thể, phạt tiền từ 500.000 đồng đến 10 triệu đồng nếu tang vật vi phạm có giá trị dưới 7 triệu đồng và không thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm hoặc thuộc loài nguy cấp, quý hiếm và có giá trị dưới 4 triệu đồng. Các mức phạt tiền tiếp theo là 10-20 triệu đồng, 20-30 triệu đồng, 30-50 triệu đồng, 50-100 triệu đồng, 200-300 triệu đồng tùy theo giá trị tang vật và thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm hay không. Ngoài ra, người vi phạm có thể bị tịch thu tang vật.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới