Ông Nguyễn Phước Hòa, ngụ ấp Bình An I, xã An Hòa (Châu Thành, An Giang) cho biết, từ năm 13 tuổi, ông đã theo các cậu chơi bồ câu sẻ. Nhưng lớn lên, vì lo chuyện mưu sinh, ông không có dịp theo đuổi. Mãi đến năm 2008, khi phong trào nuôi bồ câu gà và các loại bồ câu cảnh phát triển, thấy nghề này vừa thỏa được niềm đam mê chơi cảnh, lại vừa mang lại lợi nhuận khá hơn nghề nông nên ông tập tành nuôi theo. Hiện nay, số bồ câu của ông đã được 70 cặp, gồm các giống: Mỹ, Trung Quốc, Sư tử Thái, Ý. Một cặp bồ câu con nở khoảng 25 đến 30 ngày là bán với giá 700 ngàn đến 1,2 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi 400 ngàn- 600 ngàn đồng.
Trại bồ câu của ông Hòa.
Ông cũng nói thêm, tùy theo gu của khách hàng mà mỗi hộ nuôi đạt lợi nhuận khác nhau. Ở trại bồ câu của ông, phần lớn người mua chuộng bồ câu gà Mỹ vàng, đặc biệt là bồ câu Sư tử - loài được các tay chơi rất thích hiện nay. Bồ câu ít khi bị bệnh, chăm sóc cũng rất dễ.
“Thức ăn thì tỷ lệ một bao (thường là hiệu Con Cò) trộn với 40% gạo lức, nước 3 ngày thay một lần. Chỉ cực khâu vệ sinh chuồng trại, vì mỗi lồng chỉ nuôi được một cặp bồ câu bố mẹ. Nhưng nhờ có hiệu quả kinh tế nên đến nay có rất nhiều người nuôi. Chỉ tính riêng xã An Hòa và Bình Hòa đã có trên 20 hộ nuôi bồ câu cảnh, ông Hòa chia sẻ.
Là chủ một trại cá giống và cá cảnh có tiếng ở ấp Vĩnh Hưng, xã Vĩnh Thạnh Trung (Châu Phú), 10 năm trước, ông Lê Thanh Phong đã “đón đầu” được nhu cầu chơi bồ câu cảnh của khách hàng. Bỏ công mày mò tìm hiểu, ông còn biết được bồ câu cảnh cho lợi nhuận khá lớn nên quyết định lên thành phố Hồ Chí Minh mua giống về nuôi. Ban đầu chưa có vốn mạnh, ông chủ yếu mua giống bồ câu thịt và chỉ lấy số ít bồ câu cảnh, thực hiện lấy ngắn nuôi dài. Dần dần, khách hàng của ông mở rộng từ bà con gần xa, những người chơi chim chuyên nghiệp cho đến các mối lớn ở thành phố Hồ Chí Minh.
Hiện nay, trại bồ câu của ông lên đến 370 cặp bồ câu cảnh và bồ câu thịt. Giống bồ câu gà được phân thành 3 loại: Bồ câu bố mẹ nặng từ 900 gram đến 1 kg đã sinh sản được bán 1,8 triệu đồng/cặp. Bồ câu từ 500-800 gram bán với giá từ 700 ngàn đến 1,2 triệu đồng.
Giống bồ câu đem lại lợi nhuận mạnh nhất là bồ câu Sư tử, xuất xứ giống nước ngoài, khó lai tạo và đặc biệt có bờm trên cổ, vừa lạ vừa đẹp. Bồ câu Sư tử Mỹ có giá đến giá 8 triệu đồng/1 cặp, của Ý 5 triệu đồng/1 cặp và của Thái Lan 2 triệu đồng/1 cặp.
Theo chu kỳ sinh sản, hàng tháng, ông đều có chim con bán ra. Ngoài ra, ông Phong còn nuôi các loại bồ câu cảnh khác, như: Hải Âu, Kèn, Két, Hoàng Châu, Banh Nhật (thân hình tròn giống quả bóng). Tính trung bình một năm, trại bồ câu đem về cho ông Phong khoảng 180 triệu đồng tiền lãi. Hiện nay, trên địa bàn Châu Phú cũng đã có 13 hộ nuôi bồ câu các loại, chủ yếu là bồ câu cảnh.
Những người nuôi kinh nghiệm cho biết, tuy nuôi bồ câu đem lại nguồn lợi nhuận khá nhưng nếu không để ý những chi tiết nhỏ trong chăm sóc, người nuôi vẫn có thể thất bại. Chăm sóc bồ câu thật sự rất nhẹ công, song có những loài khi đẻ trứng nếu không lót ổ khéo thì do tính hiếu động, bồ câu có thể tự làm vỡ trứng của nó. Mỗi cặp bồ câu chỉ đẻ 2 trứng/kỳ nên muốn “bù vốn”, người nuôi phải đợi chúng đẻ tiếp vào tháng tới. Chẳng may chỉ một số trứng vỡ “oan uổng” cũng đã là một thiệt thòi lớn cho chủ trại.
Bên cạnh đó, đầu ra của bồ câu cũng còn khá khó khăn. Thông thường, những hộ nuôi quen biết sẽ giới thiệu các mối qua lại cho nhau, hoặc là dân chơi chim cảnh tại địa phương, hoặc phải tìm đến tận thành phố, muốn mở rộng thị trường cũng là điều khó. Mặt khác, việc chơi bồ câu cảnh hiện tại chỉ được biết đến qua hội thi hàng năm, mà chưa có một tổ chức chính thức để người đam mê bộ môn này tập hợp lại trao đổi kinh nghiệm, nâng tầm hiểu biết về loài lông vũ gần gũi này.
Theo NGUYÊN ĐĂNG (An Giang Online)