Ông Hoàng Dương Tùng cho biết nếu kế hoạch làm tốt ở TP Cần Thơ thì có thể nhân rộng ra nhiều đô thị khác trên cả nước. Ảnh: N.NAM
Phát biểu tại cuộc họp, ông Hoàng Dương Tùng - Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Môi trường (Bộ TN&MT) cho biết từ năm ngoái đến nay vấn đề môi trường luôn được nhắc đến trong các thông điệp của Chính phủ. Hơn lúc nào hết vấn đề môi trường được mọi người quan tâm như sự kiện Formosa rồi hàng loạt các sự kiện khác, gần đây là Lee&Man…
Cũng theo ông Tùng, tại Hà Nội vấn đề ô nhiễm không khí luôn được đưa lên hàng đầu tại các cuộc họp của Đảng bộ, HĐND TP Hà Nội. Ở các TP, người dân xài nước sạch. Tuy nhiên, không khí thì dù là người nghèo hay người giàu đều phải hít thở một không khí như nhau.
“Gần đây có nhiều dữ liệu thông tin về chất lượng không khí của Hà Nội được đăng lên báo, qua các Facebook nên người dân biết và người dân yêu cầu chính quyền phải thực hiện, phải hành động, làm thế nào để giảm thiểu cái ô nhiễm không khí. Có một điều rõ ràng rằng là chất lượng không khí ở các đô thị của Việt Nam ngày càng suy giảm, trong đó có Cần Thơ. Những nguồn ô nhiễm từ giao thông xe cộ, xây dựng, công nghiệp, nông nghiệp, biến đổi khí hậu…” - ông Tùng nói.
Theo ông Tùng, Tổ chức không khí sạch châu Á, cùng Bộ TN&MT xây dựng kế hoạch này rất kịp thời. Quan trọng, không chỉ bản kế hoạch này, mà cơ bản là ai hành động, không chỉ cơ quan nhà nước mà phải là toàn dân. Bản kế hoạch đầu tiên này đã đưa ra được những vấn đề chính của Cần Thơ và những hành động ưu tiên.
“Nếu bản kế hoạch thực hiện đảm bảo thì có thể nhân rộng ra các đô thị khác, làm sao mỗi đô thị có một bản quản lý chất lượng không khí đô thị cho tốt” - ông Tùng cho hay.
Theo đánh giá từ bản kế hoạch, chất lượng không khí tại TP Cần Thơ có thể coi là bị ô nhiễm, chủ yếu là do TSP (bụi tổng - PV) và tiếng ồn. Nồng độ NO2 năm 2011 cao hơn quy chuẩn Việt Nam ở một số vị trí quan trắc và ở hai bên lề đường. Nói chung từ năm 2011-2015, mức độ tiếng ồn và ô nhiễm không khí xung quanh có xu hướng giảm nhưng không đáng kể.
Nồng độ bụi PM10 (kích thước hạt bụi nhỏ hơn 10 micrômet - mm) và PM2.5 (kích thước hạt bụi nhỏ hơn 2,5 mm) trung bình tuần ở các chỗ kiểm tra đều thấp hơn quy chuẩn Việt Nam nhưng nhiều điểm lại cao hơn quy chuẩn của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), có chỗ cao gấp đôi quy chuẩn của WHO.
Theo bản kế hoạch, dự kiến đến năm 2020-2025, các chất phát thải như NOx tăng gần 50%, CO tăng gần 30%, SO2 tăng hơn 30%, bụi tăng gần 20% so với năm 2015.