Chất lượng nhân lực Việt Nam thấp nhất khu vực

Theo kết quả khảo sát “Sự thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện Khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với Tập đoàn Manpower tiến hành mới đây tại 6.000 doanh nghiệp thuộc chín lĩnh vực kinh tế tại chín tỉnh, TP ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá Việt Nam nằm trong nhóm có chất lượng lao động thấp nhất khu vực châu Á. TS Vũ Ngọc Hoàng, Phó Trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, cho biết như trên tại hội thảo khoa học “Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam” do Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ GD&ĐT và Hội đồng Quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức ngày 26-12 tại Hà Nội.

Cơ cấu nhân lực bất hợp lý

Ông Hoàng cho biết theo thống kê, số người trong độ tuổi lao động chiếm 58% tổng dân số cả nước; tuy nhiên số người lao động đã qua đào tạo, có bằng chuyên môn kỹ thuật còn chiếm tỉ lệ thấp, chỉ gần 16% trên tổng số người trong độ tuổi lao động. Chất lượng nhân lực nước ta thấp nhất và ngày càng tụt hậu, cơ cấu lao động bất hợp lý (1 ĐH - 0,43 TCCN - 0,56 công nhân kỹ thuật).

GS-TSKH Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, chỉ ra một bất cập khác của nguồn nhân lực. Đó là hằng năm có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH và dạy nghề không tìm được việc làm, trong khi đó nước ta phải nhập khẩu hàng vạn lao động từ nước ngoài, từ công nhân đến kỹ sư. “Đây là một nghịch lý mà chúng ta phải gánh chịu và gây nên lãng phí to lớn cho Nhà nước và xã hội” - GS Đường băn khoăn.

Một buổi nhận bằng tốt nghiệp của sinh viên Trường ĐH Bách khoa TP.HCM. Ảnh: HTD

Lý giải nguyên nhân trên, TSKH Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý bộ trưởng Bộ GD&ĐT, cho rằng trên thực tế chưa bao giờ có sự gắn kết giữa kế hoạch phát triển giáo dục ĐH với kế hoạch phát triển kinh tế. “Sự bùng nổ các cơ sở ĐH trong tám năm qua chỉ xuất phát từ một xu thế chung nhất là đại chúng hóa giáo dục ĐH mà không tính đến khả năng và nhu cầu thực sự của nền kinh tế. Còn đào tạo ở các trường ĐH vẫn quanh quẩn ở việc cung cấp cho người học cái mà nhà trường có chứ không phải cái mà nền kinh tế cần” - ông Tiến nói.

Theo ông Tiến, mối quan hệ giữa giáo dục ĐH với phát triển kinh tế, xã hội; đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao là một quan hệ lỏng lẻo, rất cần phân tích thấu đáo để khắc phục.

Năm điểm yếu của phát triển nhân lực

 “Giáo dục ĐH cần phải được nhìn như một hệ thống trong quan hệ tương tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH với năm loại cơ sở khác gồm: Các cơ quan tuyển dụng (nơi sử dụng kỹ năng), các doanh nghiệp (nơi sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học), các viện nghiên cứu (nơi phối hợp nghiên cứu khoa học), các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo khác (nơi phối hợp cung ứng kỹ năng), các trường phổ thông (nơi đặt nền móng về kỹ năng)” - ông Tiến phân tích.

Tuy nhiên, theo ông Tiến, giáo dục ĐH của Việt Nam đã bộc lộ cả năm điểm yếu đó. Đó là thiếu gắn kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH với các nhà tuyển dụng, các doanh nghiệp, các viện nghiên cứu khoa học, các cơ sở giáo dục đào tạo khác. “Các trường rất ít cộng tác với nhau trong chia sẻ thông tin và nguồn lực. Đặc biệt nghiêm trọng là tình trạng phân cắt giữa các cơ sở giáo dục ĐH với các cơ sở đào tạo nghề, dẫn tới sự phá vỡ tính chỉnh thể của hệ thống, tạo thành rào cản trong việc nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo” - ông Tiến nhấn mạnh. Điểm yếu cuối cùng là sự thiếu gắn kết với các trường phổ thông. Các trường phổ thông vẫn nặng về truyền thụ kiến thức với chương trình quá tải, đôi khi trùng lặp với giáo dục ĐH. Đồng thời không có sự chuẩn bị cần thiết cho học sinh tốt nghiệp trung học về tâm thế, nhận thức, định hướng và kỹ năng để theo học ĐH.

Phải có trách nhiệm về việc làm của sinh viên

Để giải quyết những yếu kém trên, ông Tiến cho rằng cần phải xác định các ưu tiên trong giáo dục ĐH. Đó là giành ưu tiên trong đào tạo các chương trình nghề nghiệp ứng dụng. Đồng thời chuyển từ mô hình cấp phát kinh phí cho các cơ sở giáo dục ĐH theo các yếu tố đầu vào sang mô hình cấp phát theo kết quả đầu ra.

GS Nguyễn Minh Đường đề nghị cần phải xác định nhu cầu đào tạo nhân lực các ngành nghề và trình độ để đặt hàng cho hệ thống đào tạo. “Đây là giải pháp đột phá vì không thực hiện được giải pháp này, bên cung ứng nhân lực (các trường đào tạo) không biết nhu cầu nhân lực của bên cầu thì không thể nào đáp ứng được nhu cầu của họ và việc đào tạo mất cân đối, vừa thừa vừa thiếu như hiện nay là không thể khắc phục được” - GS Đường nói.

GS Đường cũng đề nghị cần phải giao quyền tự chủ nhiều hơn cho các trường như mở ngành nghề đào tạo, tuyển sinh hằng năm, đào tạo theo đơn đặt hàng, học phí… “Tuy nhiên, tự chủ phải gắn với tự chịu trách nhiệm, đặc biệt là trách nhiệm về việc làm đối với sinh viên tốt nghiệp. Nhà nước có chủ trương này nhiều năm nay, tuy nhiên cho đến nay việc triển khai vẫn rất hạn chế” - ông Đường nói.

Theo TS Nguyễn Đắc Hưng, Vụ Giáo dục, đào tạo và dạy nghề (Ban Tuyên giáo Trung ương), nâng cao chất lượng giáo dục phải được giải quyết trên cơ sở cân bằng giữa yêu cầu phát triển quốc gia - khả năng đầu tư cho giáo dục - năng lực đào tạo của hệ thống giáo dục - nhu cầu sử dụng nhân lực của xã hội - nhu cầu của người học. Không nên đòi hỏi quá sức với nền giáo dục vì dễ làm cho hệ thống giáo dục trở nên bất ổn và mất phương hướng, phát sinh bệnh thành tích, tiêu cực.

Chất lượng nhân lực Việt Nam theo xếp hạng của Ngân hàng Thế giới (WB) chỉ đạt 3,79/10 điểm, xếp 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng (trong khi Hàn Quốc là 6,91; Ấn Độ là 5,76; Malaysia là 5,59; Thái Lan là 4,94…).

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm