Hàng năm có hàng vạn học sinh, sinh viên tốt nghiệp các trường ĐH và dạy nghề không tìm được việc làm, trong khi chúng ta phải nhập khẩu hàng vạn lao động nước ngoài từ công nhân đến kỹ sư. Đây là một nghịch lý mà chúng ta đang phải gánh chịu và gây nên lãng phí lớn cho nhà nước cũng như cho xã hội.
GS-TSKH Nguyễn Minh Đường, Ủy viên Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực, chỉ ra những bất cập tại hội thảo Đổi mới công tác đào tạo nguồn nhân lực Việt Nam do Ban Tuyên giáo trung ương, Bộ GD&ĐT và Hội đồng quốc gia giáo dục và phát triển nhân lực tổ chức ngày 26-12 tại Hà Nội.
Lý giải nguyên nhân trên, ông Phạm Đỗ Nhật Tiến, nguyên trợ lý Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cho rằng trên thực tế, chúng ta chưa bao giờ tạo sự gắn kết thực sự giữa kế hoạch phát triển giáo dục ĐH với kế hoạch phát triển kinh tế.
Sự bùng nổ các cơ sở ĐH trong 8 năm qua chỉ xuất phát từ một xu thế chung nhất là đại chúng hóa giáo dục ĐH mà không tính đến khả năng và nhu cầu thực sự của nền kinh tế.
Còn đào tạo ở các trường ĐH vẫn quanh quẩn ở việc cung cấp cho người học cái mà nhà trường có chứ không phải cái mà nền kinh tế và sinh viên cần.
“Vì thế cho đến nay mối quan hệ giữa giáo dục ĐH Việt Nam với phát triển kinh tế, xã hội nói chung, phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao nói riêng là một quan hệ lỏng lẻo, rất cần phân tích thấu đáo để khắc phục” – ông Tiến đề nghị.
Ông Tiến cho rằng giáo dục ĐH cần phải nhìn như một hệ thống trong quan hệ tương tác giữa các cơ sở giáo dục ĐH với 5 loại cơ sở khác bao gồm: các cơ quan tuyển dụng (nơi sử dụng kỹ năng), các doanh nghiệp (nơi sử dụng kết quả nghiên cứu khoa học), các viện nghiên cứu (nơi phối hợp nghiên cứu khoa học), các cơ sở giáo dục ĐH và đào tạo khác (nơi phối hợp cung ứng kỹ năng), các trường phổ thông (nơi đặt nền móng về kỹ năng).
“Chính việc không quan tâm đến các liên kết giữa các cơ sở giáo dục ĐH với thế giới rộng lớn xung quanh đã dẫn đến những kết quả đầu ra yếu kém và hiệu quả nghèo nàn” – ông Tiến cho biết.
Nhiều chuyên gia nhận định chất lượng và hiệu quả giáo dục và đào tạo còn thấp so với yêu cầu, nhất là giáo dục ĐH và giáo dục nghề nghiệp.
Theo kết quả khảo sát “Sự thiếu hụt lao động kỹ năng ở Việt Nam” do Viện khoa học lao động và xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) phối hợp với tập đoàn Manpower tiến hành khảo sát mới đây tại 6.000 doanh nghiệp thuộc lĩnh vực kinh tế tại chín tỉnh, TP ở Việt Nam, các doanh nghiệp đánh giá chất lượng lao động Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất khu vực.