Châu Á gây sốc ở World Cup trước vòng knock out

(PLO)- Vòng bảng giải vô địch bóng đá nữ thế giới tại Úc và New Zealand đã khép lại với hai "chị lớn" của châu Á đi tiếp và bốn đại diện bị loại, cùng những con số thống kê đầy ấn tượng.

Đồng chủ nhà Úc và Nhật Bản đang chuẩn bị cho các cuộc chạm trán ở knock out với nhiều hy vọng dù Trung Quốc, Hàn Quốc, Philippines và Việt Nam đã rời Úc và New Zealand. Trước khi các vòng đấu loại trực tiếp khởi tranh vào chiều 5-8, AFC nhìn lại vòng bảng của các đội tuyển quốc gia châu Á qua các con số thú vị.

Dấn ấn Nhật Bản. Chiến thắng 4-0 của Nhật Bản trước Tây Ban Nha là một trong những màn trình diễn nổi bật của vòng bảng khi thầy trò Futoshi Ikeda quật ngã trắng bụng một ứng cử viên cho chức vô địch. Điều này đã nâng tổng số bàn thắng của đội bóng đến từ Đông Á lên con số 11 sau ba trận – nhiều hơn bất kỳ đội nào khác trong giải đấu này.

Khán giả kỷ lục. Chiến thắng 1-0 trong ngày khai mạc của tuyển nữ Úc trước Cộng hòa Ireland đã chứng kiến ​​một con số khổng lồ 75.784 khán giả đến sân vận động. Đây không chỉ là con số khán giả lớn nhất tại World Cup 2023 cho đến nay, mà còn xếp thứ ba trong lịch sử World Cup và cao nhất kể từ trận chung kết năm 1999 giữa Mỹ và Trung Quốc.

Khán giả đến sân đông nhất World Cup 2023 ở vòng bảng trong trận Úc tiếp khách Cộng hòa Ireland. Ảnh: AN.

Cạnh tranh Chiếc giày vàng. Bốn bàn thắng sau ba lần ra sân giúp Hinata Miyazawa của Nhật Bản đứng đầu bảng xếp hạng ghi bàn với Alexandra Popp của Đức. Cô lập cú đúp trong ngày khai mạc trước Zambia và một cú đúp khác vào lưới Tây Ban Nha, giúp ngôi sao của CLB Mynavi Sendai trở thành một trong những cầu thủ nổi bật của giải đấu cho đến nay.

Ấn tượng Philippines. Tiền đạo Sarina Bolden đã viết thêm lịch sử cho Philippines khi họ làm choáng váng New Zealand bằng chiến thắng đầu tiên tại World Cup chỉ trong trận đấu thứ hai trên sân khấu lớn nhất. Bóng đá nữ Philippines đã trở thành quốc gia châu Á thứ tám giành chiến thắng trong một trận đấu của World Cup sau Úc, Trung Quốc, Đài Loan, CHDCND Triều Tiên, Nhật Bản, Hàn Quốc và Thái Lan.

Trẻ nhất và già nhất. 16 tuổi 26 ngày, khi Casey Phair được tung vào sân từ băng ghế dự bị trong trận mở màn của Hàn Quốc trước Colombia, cô trở thành cầu thủ trẻ nhất từng góp mặt tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới. Kỷ lục trước đây được nắm giữ bởi Ifeanyi Chiejine của Nigeria, 16 tuổi 34 ngày khi cô xuất hiện tại giải đấu năm 1999.

Tuyển thủ nữ Hàn Quốc Casey Phair trẻ nhất trong các kỳ World Cup. Ảnh: AP.

Ngược lại, ở tuổi 73 và 31 ngày, Mai Đức Chung của tuyển nữ Việt Nam đã trở thành HLV lớn tuổi nhất từng dẫn dắt một đội tuyển tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới. Ông Chung góp mặt với đội bóng của mình ở thất bại 0-3 trong ngày khai mạc trước Mỹ, cũng là trận ra mắt World Cup đầu tiên của các cô gái Việt Nam.

17 chiến thắng. Trận thắng 1-0 của tuyển nữ Trung Quốc trước Haiti ở lượt trận thứ hai là chiến thắng thứ 17 của họ tại Giải vô địch bóng đá nữ thế giới. Vào thời điểm đó, Trung Quốc vượt lên dẫn trước các đội châu Á khác, và hiện tại Nhật Bản sau ba trận thắng ở vòng bảng đã giúp họ san bằng kỷ lục 17 trận thắng cho đại diện châu Á.

Kỹ năng phòng thủ. Nhật Bản gây ấn tượng ở hàng thủ, khi chưa để thủng lưới sau vòng bảng. Đây là lần đầu tiên họ đạt được thành tích này, trong khi Thụy Sĩ và Jamaica là những đội khác lọt vào vòng 16 đội với thành tích phòng ngự hoàn hảo.

Các cô gái Nhật gây sốc với chiến thắng ứng viên nặng ký cho ngôi vô địch Tây Ban Nha và sau 270 phút chưa để thủng lưới, ghi 11 bàn. Ảnh: AN.

Úc thắng đậm nhất. Áp lực rất lớn cho đồng chủ nhà Úc khi đối đầu với nhà vô địch Olympic Canada trong trận đấu cuối cùng vòng bảng và chỉ có một chiến thắng mới đảm bảo suất đi tiếp. Các cô gái Úc đã chơi bóng đầy phong cách để bốn lần sút thủng lưới đối phương, và đây cũng là chiến thắng đậm nhất từ ​​trước đến nay của họ tại World Cup.

Gừng càng già càng cay. Sau khi ra mắt World Cup với tư cách là đội trưởng của Hàn Quốc trong trận đấu với Brazil ở giải đấu năm 2015, tiền vệ 35 tuổi Cho So-hyun đã chơi 10 trận liên tiếp tại giải đấu lớn nhất toàn cầu. Cô ghi bàn mở điểm trong trận hòa Đức 1-1 và giống như đội tuyển nam đã làm vào năm 2018, loại đối thủ hạng nhì thế giới ra khỏi cuộc chơi.

Kiến tạo và ghi bàn. Không có cầu thủ châu Á nào đi vào vòng loại trực tiếp với nhiều đường kiến ​​tạo hơn Mina Tanaka, người ghi hai bàn và còn kiến ​​tạo ba trong số 11 bàn thắng của Nhật Bản. Lauren James của tuyển nữ Anh ngang bằng với Tanaka, đã kiến ​​tạo ba (và ghi hai bàn) trong sáu bàn thắng của Anh vào lưới Trung Quốc.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới