Trả lời khảo sát của tờ The Wall Street Journal, các nhà kinh tế dự báo GDP Mỹ sẽ chỉ tăng 0,4% vào năm 2023, trong khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dự báo con số đó là 0,5%. Chủ tịch Fed Jerome Powell thông báo Mỹ vẫn sẽ duy trì tăng lãi suất vào năm sau nhưng mức tăng sẽ nhẹ hơn với mục tiêu đưa lạm phát về 2%. Chuyên gia Karl Schamotta, chiến lược gia trưởng về thị trường của Công ty giải pháp tài chính Corpay (Mỹ), nhận định Fed chưa sẵn sàng “xoay trục” chính sách tiền tệ cho tới khi nhận thấy có bằng chứng chắc chắn và thuyết phục về sự đảo chiều của áp lực lạm phát.
Dù vậy, Phó Giám đốc Hội đồng Kinh tế quốc gia Mỹ Aviva Aron-Dine nói với đài CNN rằng Mỹ “lạc quan thận trọng” khi “nhận thấy có một số dấu hiệu tiến triển cụ thể có thể đo lường được”. Bà chỉ ra hàng loạt chỉ số cho thấy lạm phát ở Mỹ đã hạ nhiệt, tiền lương thực tế tăng lên và thị trường việc làm tăng trưởng, đồng thời bày tỏ hy vọng Mỹ sẽ “hạ cánh mềm” vào năm tới.
Ở châu Âu, Ủy viên Kinh tế châu Âu Paolo Gentiloni hồi tháng 11 nhận định triển vọng kinh tế của lục địa này trong năm 2023 “sẽ suy yếu đáng kể”, đồng thời dự báo tăng trưởng kinh tế của Liên minh châu Âu năm sau chỉ đạt mức 0,3% trước khi phục hồi lên mức 1,6% vào năm 2024.
Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng báo hiệu về các đợt tăng lãi suất trong thời gian tới. Phó Chủ tịch ECB Luis de Guindos ngày 22-12 cho biết có thể sẽ tăng lãi suất ở mức độ hiện tại “trong một thời gian nữa” để đối phó với lạm phát.
Trong khi đó, bức tranh tăng trưởng ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, nơi tạo ra 35% GDP của thế giới được dự báo sáng sủa hơn. Theo báo cáo mới đây của S&P Global Market Intelligence (nhà cung cấp dịch vụ thông tin tài chính, Mỹ), các nền kinh tế ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương sẽ thống trị tăng trưởng toàn cầu trong năm tới nhờ sự hỗ trợ của các hiệp định thương mại tự do khu vực, chuỗi cung ứng hiệu quả và chi phí cạnh tranh. Theo đó, khu vực châu Á - Thái Bình Dương được kỳ vọng đạt mức tăng trưởng ở con số 3,5% vào năm 2023.
Riêng tại Trung Quốc, chính phủ nước này đang từng bước từ bỏ chiến lược “zero-COVID” kéo dài ba năm qua khi vào ngày 26-12 Bắc Kinh thông báo sẽ mở cửa biên giới và dỡ bỏ các yêu cầu kiểm dịch từ ngày 8-1-2023. Đây được xem là một tín hiệu tốt đối với nền kinh tế thế giới vào năm sau, nhất là giúp giảm áp lực chuỗi cung ứng, theo đài SBS.