Châu Á tăng tốc cuộc đua vũ trụ

(PLO)- Nhiều nước châu Á đẩy mạnh cuộc đua chinh phục vũ trụ và đã đạt được những bước tiến lớn.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Diễn biến đáng chú ý trong lĩnh vực không gian thời gian gần đây là việc nhiều nước châu Á đẩy mạnh hoạt động chinh phục vũ trụ và đã đạt được nhiều bước tiến. Diễn biến này làm nóng cuộc đua chinh phục vũ trụ vốn được xem là thế mạnh của phương Tây.

Châu Á tăng tốc

Giờ đây, bên cạnh châu Âu và Mỹ, nhiều nước châu Á như Ấn Độ, Trung Quốc (TQ), Nhật Bản cũng tăng tốc trên cuộc đua tiêu tốn nhiều tiền của này. Các nước này đã chi tiêu mạnh tay cho các dự án không gian.

Nhằm tăng tốc cuộc đua không gian, năm 2020, Ấn Độ nới lỏng các quy tắc đối với các công ty tên lửa và vệ tinh thuộc khu vực tư nhân. Theo đó, các công ty này được phép thực hiện các hoạt động không gian độc lập, thay vì chỉ đóng vai trò hỗ trợ cho Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO).

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở đảo Sriharikota (Ấn Độ) hôm 14-7. Ảnh: ISRO

Tàu vũ trụ Chandrayaan-3 được phóng từ Trung tâm Vũ trụ Satish Dhawan ở đảo Sriharikota (Ấn Độ) hôm 14-7. Ảnh: ISRO

Gần đây, ngày 14-7, Ấn Độ phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-3 vào không gian với sứ mệnh thám hiểm Mặt trăng. Theo tính toán thì con tàu sẽ hạ cánh xuống Mặt trăng vào cuối tháng 8. Nếu con tàu hạ cánh thành công, Ấn Độ sẽ trở thành quốc gia thứ tư trên thế giới có tàu không gian hạ cánh tại Mặt trăng, sau Mỹ, Nga, và TQ, theo hãng tin AFP.

Năm 2019, Ấn Độ cũng đã phóng thành công tàu Chandrayaan-2 lên quỹ đạo Mặt trăng. Năm 2008, Ấn Độ từng phóng thành công tàu vũ trụ Chandrayaan-1 vào không gian. Chandrayaan-1 đã phát hiện các phân tử nước trên bề mặt Mặt trăng.

TQ từ đầu thập niên 2000 bắt đầu đầu tư mạnh vào cuộc đua chinh phục vũ trụ. Theo trang The Conversation, TQ đã tăng gấp đôi chi tiêu trong lĩnh vực chinh phục không gian trong năm năm qua. Năm 2022, ngân sách TQ dành cho các chương trình không gian là 12 tỉ USD.

Năm 2021, Chủ tịch TQ Tập Cận Bình đề cập “giấc mơ vĩnh cửu” của TQ là: “Khám phá vũ trụ bao la, phát triển ngành vũ trụ và xây dựng TQ thành cường quốc vũ trụ”, theo hãng thông tấn Tân Hoa Xã. Góp phần thực hiện giấc mơ này trong năm 2021, TQ đã thực hiện 55 lần phóng vào quỹ đạo, nhiều hơn so với 51 vụ phóng của Mỹ. Đa số các vụ phóng trong số này phục vụ cho mục đích tình báo điện tử và thu hình ảnh vệ tinh.

Ngoài ra, TQ cho xây dựng trạm vũ trụ Thiên Cung và đưa phi hành gia lên trạm vũ trụ này. Với việc trạm vũ trụ quốc tế (ISS) có thể ngừng hoạt động sau năm 2028, trạm Thiên Cung khả năng trở thành cơ sở khoa học duy nhất của con người trên quỹ đạo quanh Trái đất.

Bên cạnh TQ và Ấn Độ, Nhật Bản cũng được xem là một trong những nước châu Á có chương trình chinh phục không gian đầy tham vọng. Trong năm 2022, Nhật Bản chi 4,9 tỉ USD cho các chương trình không gian, chỉ xếp sau Mỹ và TQ. Tuy nhiên, các dự án của Nhật Bản đến nay vẫn đang ở mức tiềm năng, chưa cho thấy kết quả rõ rệt.

Sôi động cuộc đua

Sự tăng tốc từ phía các nước châu Á khiến cuộc đua chinh phục vũ trụ thêm sôi động, cũng như mở ra thêm cơ hội cho nhân loại khám phá những tri thức mới bên ngoài Trái đất.

Trên thực tế, Mỹ vẫn là nước dẫn đầu trong việc chi tiêu và đầu tư cho các chương trình không gian. Theo Công ty thống kê Statista, ngân sách dành cho các chương trình không gian của Mỹ lớn nhất thế giới, với 62 tỉ USD trong năm 2022. Con số này lớn hơn chi tiêu của các nước khác cộng lại, vốn chỉ đạt 42 tỉ USD.

Tại châu Âu, theo đài BBC, châu lục này từ lâu chủ yếu tập trung vào khoa học vũ trụ như kính viễn vọng và các ứng dụng dân sự như vệ tinh. Sản phẩm châu Âu trong các lĩnh vực này được xếp vào hàng đầu thế giới.

Các dự án không gian của Ấn Độ được cho là tiết kiệm hơn nhiều so với các quốc gia khác. Dự án phóng tàu vũ trụ Chandrayaan-3 tiêu tốn của Ấn Độ hơn 75 triệu USD. Dự án phóng tàu quỹ đạo lên Sao hỏa năm 2014 tiêu tốn 74 triệu USD, bằng một phần nhỏ số 671 triệu USD mà NASA chi phóng tàu thăm dò Maven tới Sao hỏa, theo hãng tin Reuters.

Tuy nhiên, để đưa các phi hành gia vào vũ trụ, châu Âu vẫn phải dựa vào các hệ thống tên lửa của Mỹ hoặc Nga. BBC cho rằng khi nói đến “cuộc chạy đua vào không gian”, các chính phủ châu Âu nhận thức sâu sắc họ đang bị tụt lại phía sau, khi Mỹ và TQ đang dành nhiều ngân sách cho lĩnh vực này.

Châu Âu những năm gần đây cũng đẩy mạnh đầu tư các chương trình không gian. Hồi tháng 3, Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) kêu gọi lập kế hoạch đưa người châu Âu lên Mặt trăng “trong vòng 10 năm”. Theo ESA, “các quốc gia và khu vực không đảm bảo quyền tiếp cận độc lập với không gian sẽ trở nên phụ thuộc về mặt chiến lược và bị tước đi một phần quan trọng về mặt kinh tế”.

Dù vậy, các chuyên gia dự đoán việc châu Á vươn lên trong cuộc đua chinh phục vũ trụ là điều có thể xảy ra.

Đánh giá “TQ rất mạnh và học hỏi rất, rất nhanh”, chuyên gia Francis Rocard về hệ Mặt trời tại Trung tâm Nghiên cứu vũ trụ quốc gia Pháp cho rằng cuộc đua với Mỹ sẽ tạo thêm động lực cho TQ đẩy nhanh các chương trình chinh phục vũ trụ của mình.

Trong khi đó, bà Carla Filotico, Giám đốc điều hành SpaceTec Partners (công ty tư vấn về hoạt động vũ trụ có trụ sở tại Đức), đánh giá cao tham vọng và tiềm năng của Ấn Độ trong lĩnh vực này. Theo bà Filotico, “Ấn Độ coi không gian là một tài sản chiến lược và đặt mục tiêu trở thành một trong những nước dẫn đầu trong lĩnh vực ngoài vũ trụ”. Và “việc Ấn Độ phóng tàu chinh phục Mặt trăng có thể là cơ hội để Ấn Độ trở thành một trong những nước tiên phong trong ngành này”.•

Mỹ - Ấn Độ hợp tác lĩnh vực không gian

Trong chuyến thăm Mỹ hồi tháng 6, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tăng cường hợp tác trong lĩnh vực không gian, theo hãng tin Reuters.

Trong chuyến thăm này, ông Modi cũng có cuộc gặp với CEO SpaceX - tỉ phú Elon Musk ở New York. Ngoài ra, Cơ quan Hàng không và vũ trụ Mỹ (NASA) và Tổ chức Nghiên cứu vũ trụ Ấn Độ (ISRO) cũng đã đồng ý thực hiện kế hoạch thăm trạm vũ trụ quốc tế (ISS) trong năm 2024.

Đầu tháng 7, Voyager Space - một công ty vũ trụ của Mỹ cho biết đã ký một biên bản ghi nhớ với ISRO để sử dụng tên lửa của Ấn Độ. Voyager Space cũng cam kết sẽ tìm kiếm cơ hội hợp tác với các công ty khởi nghiệp không gian của Ấn Độ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm