Châu Âu bận rộn tìm nguồn thay thế khí đốt từ Nga

(PLO)- Cấp tập khôi phục xây dựng đường ống xuyên châu lục, xây dựng hàng loạt cảng khí tự nhiên hóa lỏng, châu Âu đang bận rộn hành động để giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Từ cuối tháng 4, Nga chính thức ngưng vận chuyển khí đốt đến Ba Lan và Bulgaria, vì hai nước này từ chối trả tiền bằng đồng rúp, theo đài RT. Phần Lan có thể sẽ là quốc gia tiếp theo bị Nga cắt cung cấp khí đốt, khi nước này đã tuyên bố sẽ không thanh toán khí đốt bằng đồng rúp theo ý Nga.

Về phía Liên minh châu Âu (EU) thì khối này đã công bố kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng nhập khẩu từ Nga trong năm nay và loại bỏ hoàn toàn trước khi kết thúc thập niên này.

Giá khí đốt ở thị trường châu Âu tăng 28%, giá khí đốt tự nhiên giao tương lai ở Mỹ tăng 3% ngay sau thông tin Nga ngưng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria.

Theo hãng tin AFP, để thực hiện được kế hoạch trên, hiện châu Âu đang nỗ lực thoát khỏi sự phụ thuộc vào khí đốt của Nga, với các kế hoạch xây dựng các tuyến đường ống nối các nước trong châu lục, các nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở miền Bắc nước Đức, Phần Lan và Pháp, đến các tuyến đường mới tiềm năng qua Tây Ban Nha và Địa Trung Hải.

Cấp tập khôi phục xây dựng đường ống

Từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine, Đan Mạch đã bắt đầu nối lại việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy đến Ba Lan. Thị trấn Middelfart ở miền Trung Đan Mạch tháng trước đã khôi phục dự án Baltic Pipe, một đường ống dẫn khí đốt tự nhiên dài 900 km giữa khu vực Biển Bắc của Na Uy và Ba Lan.

Baltic Pipe bắt đầu xây dựng năm 2018, bị đình chỉ chín tháng trước vì cơ quan môi trường Đan Mạch lo ngại về tác động của dự án đối với quần thể chuột và dơi địa phương. Tuy nhiên chỉ một tuần sau khi Nga đưa quân sang Ukraine, Đan Mạch đã duyệt khôi phục dự án này.

Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy đến Ba Lan được khôi phục sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: AFP

Việc xây dựng đường ống dẫn khí đốt từ Na Uy đến Ba Lan được khôi phục sau khi Nga mở chiến dịch quân sự ở Ukraine. Ảnh: AFP

Baltic Pipe là một dự án cơ sở hạ tầng chiến lược nhằm tạo ra một hành lang cung cấp khí mới, sẽ vận chuyển khí đốt tự nhiên từ Biển Bắc đến Ba Lan qua Đan Mạch, dự kiến hoàn thành vào tháng 10-2022 và đi vào hoạt động hoàn toàn vào ngày 1-1-2023, giúp Ba Lan giảm phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Với công suất vận chuyển hằng năm là 10 tỉ m3 khí đốt, đường ống này sẽ bao phủ khoảng 50% lượng tiêu thụ của Ba Lan.

“Tất nhiên cũng là để có khí đốt trong hệ thống của Đan Mạch nhưng chủ yếu là để giúp các hệ thống khí đốt của các nước láng giềng tốt và những người bạn tốt Ba Lan của chúng ta” - ông Soren Juul Larsen, người đứng đầu dự án Baltic Pipe, nói với AFP.

Mặc dù việc Đan Mạch khôi phục xây dựng dự án Baltic Pipe có thể là tin tốt đối với Ba Lan nhưng nó có thể gây rắc rối cho các quốc gia châu Âu khác đang tìm cách giải phóng khỏi sự phụ thuộc khí đốt của Nga.

Na Uy là nhà cung cấp khí đốt lớn thứ hai của châu Âu sau Nga. Hiện Na Uy đã cung cấp hết công suất. Vì thế một khi đường ống Baltic Pipe hoàn toàn, lượng khí đốt từ Na Uy chuyển sang Ba Lan nhiều hơn, đồng nghĩa lượng khí đốt chuyển đến các nước châu Âu khác sẽ phải ít hơn.

“Dự án này sẽ giúp ích cho Ba Lan nhưng có thể dẫn đến việc xuất khẩu khí đốt của Na Uy sang Anh và Đức ít hơn” - chuyên gia Zongqiang Luo tại Công ty nghiên cứu Rystad Energy giải thích với AFP.

Xây dựng hàng loạt cảng khí tự nhiên

hóa lỏng

Trước thực tế Na Uy hoạt động hết công suất, các mỏ của Hà Lan và Anh suy giảm sản lượng, châu Âu đang tìm kiếm khí đốt từ xa hơn, bao gồm khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) được vận chuyển bằng tàu từ Mỹ, Qatar và châu Phi, theo AFP.

Do việc khai thác đường ống dẫn khí Nord Stream 2 từ Nga bị đình chỉ, Đức đã khẩn trương khởi động lại ba dự án cảng khí tự nhiên hóa lỏng vốn trước đây được coi là có mức độ ưu tiên thấp. Trong ba dự án cảng khí tự nhiên hóa lỏng Đức đang khẩn trương khôi phục thì một dự án dự kiến ​​sẽ hoàn thành vào mùa đông năm 2023-2024 nhưng hai công trình còn lại không sớm được trước năm 2026.

Phần Lan và Estonia giữa tháng 4 đã công bố dự án thuê một tàu cảng nhập khẩu. Estonia và hai quốc gia Baltic khác cho biết họ đã ngừng nhập khẩu khí đốt của Nga từ ngày 1-4.

Ở Nam Âu, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha đang tăng cường một tuyến đường cung cấp thay thế để giúp châu Âu loại bỏ khí đốt của Nga. Để đạt được mục tiêu này, cảng Sines lớn nhất của Bồ Đào Nha có kế hoạch sẽ nâng cấp để tăng gấp đôi công suất của nhà ga khí đốt của mình trong vòng chưa đầy hai năm.

Tây Ban Nha, nước có kết nối với Algeria qua một đường ống và có các bến cảng LNG rộng lớn, có thể cung cấp thêm lựa chọn về nguồn cung cấp khí đốt cho châu Âu. Tuy nhiên, để tận dụng được đường ống và các bến cảng ở Tây Ban Nha đòi hỏi những nỗ lực lớn để cải thiện kết nối với phần còn lại của EU, đặc biệt là thông qua Pháp.

Một lựa chọn khác đang được xem xét là kết nối châu Âu với khí đốt từ phía đông Địa Trung Hải, nơi có trữ lượng lớn đã được phát hiện ngoài khơi Israel và Cyprus trong 20 năm qua.•

Ba Lan và Bulgaria đảm bảo sẽ không thiếu khí đốt

Công ty năng lượng nhà nước PGNiG của Ba Lan nhấn mạnh rằng nguồn cung cấp cho người tiêu dùng sẽ không bị gián đoạn dù không có khí đốt của Nga, với lượng gas được dự trữ và lấy từ các nhà cung cấp khác. Kho dự trữ khí đốt của Ba Lan đầy 80%.

Về Bulgaria, Bộ Năng lượng nước này trấn an rằng trước mắt người tiêu dùng không cần phải chia khẩu phần sử dụng khí đốt. Bulgaria dựa vào Nga khoảng 90% lượng khí đốt, phần còn lại đến từ Azerbaijan.

Tháng trước, phát ngôn viên của Công ty năng lượng nhà nước Bulgargaz cho biết rằng kể từ mùa hè này Azerbaijan sẽ cung cấp toàn bộ nhu cầu khí đốt cho đất nước, mặc dù với giá cao hơn. Xa hơn nữa, chính phủ Bulgaria có kế hoạch kết nối với một nhà ga khí đốt tự nhiên hóa lỏng ở Hy Lạp (hiện chưa hoàn thành), nơi khí đốt sẽ được nhập khẩu bằng tàu, có thể là từ Mỹ.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm