Vào tháng 12-2006, hình ảnh Tổng thống Nga Vladimir Putin cầm vòi xăng đã xuất hiện trên trang bìa tạp chí The Economist, cùng tiêu đề: “Đừng gây rối với Nga”. Theo ông Michael E. Webber - GS về năng lượng tại ĐH Texas (Mỹ), mục tiêu mà tiêu đề này nhắm tới có lẽ là châu Âu, khu vực phụ thuộc nhiều vào dầu mỏ và khí đốt tự nhiên của Nga.
Theo The Economist, “việc lạm dụng sức mạnh năng lượng của Nga không có lợi cho người dân trong nước, khu vực lân cận và cả thế giới”. Trong bài viết trên tờ The Conversation, GS Webber cho rằng ngày nay nhận định trên vẫn đúng khi gần đây Moscow quyết định ngừng cung cấp khí đốt tự nhiên cho Ba Lan và Bulgaria.
Theo ông, khí đốt là mặt hàng quan trọng đối với ngành công nghiệp, sản xuất điện và các công trình có hệ thống sưởi ấm, đặc biệt là ở Bắc Âu - nơi có mùa đông khắc nghiệt và kéo dài. Điều này giải thích tại sao các quốc gia châu Âu ngày càng phụ thuộc vào nguồn cung năng lượng của Nga để giữ ấm cho ngôi nhà và giúp nền kinh tế của họ phát triển.
Một phần của dự án NORD STREAM 1 - đường ống dẫn khí đốt từ Nga sang châu Âu. Ảnh: GETTY IMAGES |
Từ cấm vận dầu mỏ đến cắt giảm khí đốt
Theo ông Webber, năng lượng cũng có thể là một loại vũ khí dưới nhiều hình thức. Vào năm 1967 và 1973, các quốc gia Ả Rập đã cắt nguồn cung dầu sang Mỹ và các quốc gia phương Tây vì đã hỗ trợ Israel trong các cuộc xung đột ở Trung Đông. Đây được coi là cách để gây ra những tổn thất về mặt kinh tế cho các đối thủ và khiến họ phải nhượng bộ về chính sách.
Ngày nay, lệnh cấm vận dầu mỏ tương tự có thể sẽ không mang hiệu quả vì đây là một loại hàng hóa có thể thay thế trên thị trường toàn cầu. Nếu bên cung hiện tại cắt giảm các lô hàng, các nước nhập khẩu có thể tìm kiếm các nguồn cung mới, dù giá có thể sẽ cao hơn.
Hơn 60% lượng dầu tiêu thụ hàng ngày của thế giới được vận chuyển bằng tàu. Nếu có gián đoạn, các con tàu có thể đổi hướng và đến đích mới chỉ trong vòng vài tuần. Do đó, rất khó để một quốc gia sản xuất dầu có thể ngăn cản một nước tiêu thụ mua dầu trên thị trường toàn cầu.
Ngược lại, khí tự nhiên được di chuyển chủ yếu bằng đường ống. Chỉ 13% nguồn cung cấp khí đốt trên thế giới được cung cấp nhờ các tàu chở khí đốt tự nhiên hóa lỏng (LNG). Điều này làm cho khí đốt trở thành một loại hàng hóa mang tính khu vực hoặc châu lục hơn là toàn cầu, và nó cũng yêu cầu giữa bên bán và bên mua phải thiết lập các hệ thống đường ống dẫn khí qua nhau.
Bên mua khó tìm được nguồn cung khí đốt tự nhiên thay thế hơn các nguồn dầu thay thế vì chi phí đặt đường ống mới hoặc xây dựng các bến xuất nhập LNG mới rất cao, lên đến hàng tỉ USD, và quá trình xây dựng cũng mất ít nhất vài năm. Do đó, bất kỳ sự gián đoạn khí nào cũng có thể gây ra thiệt hại nhanh chóng và kéo dài.
Châu Âu tổn hại, Nga không được lợi
Sự phụ thuộc của các quốc gia châu Âu vào năng lượng của Nga, đặc biệt là khí đốt tự nhiên, làm phức tạp thêm chính sách đối ngoại của các nước này. Theo như nhiều nhà quan sát đã chỉ ra, kể từ khi Nga phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, sự sa lầy của châu Âu vào dầu và khí đốt của Nga trong nhiều thập niên đã trở thành đòn bẩy cho Moscow và khiến các chính phủ khu vực này do dự can thiệp sâu vào cuộc xung đột.
Theo GS Webber, không phải ngẫu nhiên mà Nga phát động chiến dịch vào tháng 2, thời gian này là lúc khí hậu đang ở giai đoạn lạnh nhất và nhu cầu khí đốt để sưởi ấm của châu Âu cũng đang ở mức cao nhất.
Mạng lưới khí đốt của châu Âu trải dài trên nhiều quốc gia, do đó việc Nga ngừng cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria không chỉ ảnh hưởng đến riêng hai nước này. Giá sẽ tăng khi lượng khí đốt đi qua các đường ống này giảm xuống, các quốc gia ở cuối đường ống như Pháp, Đức sẽ phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt.
Nếu châu Âu có thể nhanh chóng giảm tiêu thụ khí đốt tiêu thụ nhanh chóng khi mùa đông kết thúc và các nhà máy điện khí đốt được thay thế bằng các nguồn khác, thì họ có thể giảm bớt tác động từ động thái của Nga. Việc sử dụng nguồn LNG nhập khẩu từ các kho dự trữ ven biển cũng có thể giúp cho tình hình bớt nghiêm trọng hơn.
Về lâu dài, Liên minh châu Âu (EU) đang nỗ lực để tăng hiệu suất sử dụng năng lượng trong các tòa nhà. Khối đặt mục tiêu lấp đầy 90% các kho lưu trữ khí đốt trong mùa thấp điểm, đồng thời tăng cường sản xuất biomethan - loại khí có nguồn gốc từ chất thải nông nghiệp hoặc các nguồn hữu cơ khác và có thể thay thế nhiên liệu hóa thạch.
Xây dựng thêm các kho lưu trữ nhập khẩu để nhận LNG từ Mỹ, Canada hoặc các quốc gia khác cũng là một lựa chọn. Tuy nhiên, việc tạo ra cơ sở hạ tầng nhiên liệu hóa thạch mới sẽ mâu thuẫn với nỗ lực giảm phát thải khí nhà kính của khối.
Ngoài ra, xây dựng các nhà máy điện gió, năng lượng mặt trời, địa nhiệt và điện hạt nhân càng nhanh càng tốt cũng là ưu tiên hàng đầu của EU, và cũng phù hợp với các mục tiêu khí hậu của khối. Theo ông Webber, đòn khí đốt của Nga có thể thúc đẩy nỗ lực của các quốc gia châu Âu trong việc chuyển sang năng lượng tái tạo và sử dụng điện hiệu quả hơn. Ông cũng lưu ý rằng tất cả các lựa chọn này đều hiệu quả nhưng cần có thời gian.
Đối với Nga, GS Webber nhận định rằng nước đi này của ông Putin chắc chắn sẽ gây tổn thất cho châu Âu, nhưng Moscow cũng gặp trở ngại, đặc biệt là về nguồn thu của đất nước. Hiện tại, nhà lãnh đạo Nga đang yêu cầu các nước “không thân thiện” thanh toán khí đốt bằng đồng rúp để “cứu” đồng nội tệ, vốn đã mất giá trước sức ép từ các lệnh trừng phạt kinh tế của phương Tây. Ba Lan và Bulgaria đã từ chối đề nghị này.
Việc cắt nguồn cung khí đốt vào tháng 2 sẽ rất tốn kém đối với Nga và chắc chắn sẽ gây ra nhiều phản ứng dữ dội ở châu Âu. Bằng cách vũ khí hóa khí đốt tự nhiên khi thời tiết ấm hơn, Nga vẫn có thể phô trương sức mạnh dầu khí mà không cần quá quyết liệt hoặc tổn thất quá nhiều tiền.
“Câu hỏi quan trọng hiện nay là liệu châu Âu có cần khí đốt của Nga nhiều hơn Nga cần doanh thu từ việc bán cho châu Âu hay không” - GS nhấn mạnh.