EU cấp tập chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 lên Nga, một ngày sau khi ông Putin ký sắc lệnh trả đũa

(PLO)- Vòng xoáy trừng phạt giữa phương Tây và Nga chưa biết khi nào dừng lại, khi EU cấp tập chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 lên Nga, một ngày sau khi ông Putin ký sắc lệnh trừng phạt trả đũa.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 4-5, phát biểu trước Nghị viện châu Âu tại Strasbourg (Pháp), Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen kêu gọi 27 quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) thông qua gói trừng phạt thứ 6 với Nga, theo hãng tin AP.

EU tính cấm nhập dầu Nga

Gói trừng phạt thứ 6 này gồm các biện pháp: cấm nhập khẩu dầu từ Nga và nhắm mục tiêu vào ngân hàng lớn nhất và các hãng truyền thông lớn của Nga, liên quan việc nước này phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine.

Bà Ursula von der Leyen đã đề xuất với các quốc gia thành viên EU phương án loại bỏ dần việc nhập khẩu dầu thô từ Nga trong vòng sáu tháng và nhập các sản phẩm tinh chế từ Nga vào cuối năm nay.

“Chúng tôi sẽ đảm bảo rằng chúng ta loại bỏ dầu của Nga một cách có trật tự, theo cách cho phép chúng ta và các đối tác của chúng ta đảm bảo các tuyến cung cấp thay thế và giảm thiểu tác động đến thị trường toàn cầu” – AP dẫn lời bà von der Leyen.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen có bài phát biểu trong cuộc tranh luận về những hậu quả kinh tế và xã hội đối với EU trong cuộc chiến của Nga ở Ukraine, vào ngày 4-5 tại Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, miền đông nước Pháp. Ảnh: AP

EU cấp tập chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 lên Nga, một ngày sau khi ông Putin ký sắc lệnh trả đũa ảnh 1

Các ngân hàng Nga cũng nằm trong tầm ngắm của Ủy ban châu Âu, và nổi lên là Sberbank. Bà von der Leyen nói rõ mục đích là "chúng tôi loại bỏ Sberbank khỏi SWIFT (hệ thống nhắn tin tài chính quốc tế)". Theo bà von der Leyen, Sberbank nắm giữ khoảng 37% cổ phần của lĩnh vực ngân hàng Nga.

"Và chúng tôi cũng sẽ loại hai ngân hàng lớn khác ở Nga khỏi SWIFT. Bằng cách đó, chúng tôi tấn công các ngân hàng có tầm quan trọng mang tính hệ thống đối với hệ thống tài chính Nga" - bà von der Leyen nói.

Bà von der Leyen nói thêm rằng các bên bị cáo buộc là phát tán thông tin sai lệch về cuộc chiến ở Ukraine cũng sẽ là mục tiêu bị trừng phạt.

"Chúng tôi đang cấm ba đài truyền hình nhà nước lớn của Nga phát sóng trên sóng của chúng tôi. Họ sẽ không được phép phân phối nội dung của họ nữa ở EU, dưới bất kỳ hình thức nào, dù là trên cáp, qua vệ tinh, trên internet hoặc thông qua các ứng dụng điện thoại thông minh” – AP dẫn lời bà von de Leyen.

Bà von de Leyen không chỉ đích danh các đài truyền hình này.

Không dễ có đồng thuận

Các đề xuất cần được nhất trí thông qua mới có hiệu lực và có khả năng trở thành chủ đề tranh luận gay gắt, nhất là nội dung cấm nhập khẩu dầu mỏ từ Nga.

Lệnh cấm vận đối với dầu mỏ của Nga sẽ tước đi nguồn doanh thu lớn của Moscow, nhưng việc đạt được thỏa thuận về biện pháp này đã gây chia rẽ các nước trong khối EU, vốn phụ thuộc 25% nhu cầu dầu nhập từ Nga.

Theo tổ chức nghiên cứu Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Không khí Sạch, ngay trong thời gia Nga phát động tấn công Ukraine, các nước EU vẫn nhập khí đốt và dầu từ Nga và đã thanh toán hơn 47 tỉ euro (47,43 tỉ USD) cho Nga cho hai mặt hàng này.

Bà von der Leyen thừa nhận rằng việc khiến tất cả 27 quốc gia thành viên - một số trong số đó không giáp biển và phụ thuộc nhiều vào nguồn cung năng lượng của Nga - đồng ý về các lệnh trừng phạt dầu mỏ "sẽ không dễ dàng”.

Nhà máy lọc dầu của công ty Lukoil ở Volgograd (Nga) ngày 22-4. Ảnh: REUTERS

EU cấp tập chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 lên Nga, một ngày sau khi ông Putin ký sắc lệnh trả đũa ảnh 2

Trong khoảng 25% lượng dầu EU nhập từ Nga thì phần lớn trong số đó dùng cho xăng và dầu diesel cho các phương tiện giao thông. Các nhà phân tích của công ty S&P Global cho biết Nga cung cấp khoảng 14% lượng dầu diesel, và việc cắt giảm có thể khiến giá nhiên liệu xe tải và máy kéo vốn đã cao ngất ngưởng.

Hungary và Đức nằm trong số những nước có bảo lưu trước lệnh cấm vận dầu mỏ. Một trong số những lo ngại của các nước này là giá năng lượng tăng cao sẽ làm tổn hại đến các nền kinh tế EU vốn đang phải vật lộn với lạm phát.

Nhiều nhà ngoại giao nói với Reuters rằng sự phản kháng đối với lệnh cấm nhập khẩu dầu đã giảm dần trong tuần qua, sau khi khối thống nhất một thỏa thuận rằng Slovakia và Hungary sẽ được miễn trừ khỏi lệnh cấm nhập dầu từ Nga, lý do 2 nước này phụ thuộc quá lớn vào dầu mỏ của Nga.

Nếu được thông qua, lệnh cấm nhập khẩu dầu sẽ là gói trừng phạt thứ hai của EU nhắm vào ngành năng lượng béo bở của Nga trong cuộc chiến ở Ukraine mà Nga phát động vào ngày 24-2.

Ngày 4-5 một số thành viên Nghị viện châu Âu tiếp tục kêu gọi khối ngừng nhập khẩu khí đốt tự nhiên từ Nga. Theo AP đây là một dấu hiệu áp lực chính trị mà bà von der Leyen đang phải chịu để mở rộng các lệnh trừng phạt của EU đối với năng lượng Nga.

EU cũng đã bắt đầu thảo luận về một lệnh cấm vận khí đốt tự nhiên từ Nga, nhưng sự đồng thuận giữa các nước thành viên được dự đoán sẽ khó khăn. Khu vực này nhận khoảng 40% lượng khí đốt tự nhiên từ Nga.

Ông Putin trừng phạt trả đũa phương Tây

Ngày 3-5, ông Putin ký một sắc lệnh trừng phạt trả đũa phương Tây, gồm "các biện pháp kinh tế đặc biệt trả đũa liên quan đến các hành động không thân thiện của một số quốc gia nước ngoài và các tổ chức quốc tế", theo hãng tin Reuters. Sắc lệnh có hiệu lực sau khi được công bố.

Các biện pháp trừng phạt trong sắc lệnh ông Putin ký cấm các cơ quan chính phủ, tổ chức và cá nhân Nga thực hiện các giao dịch, bao gồm ký kết hợp đồng thương mại, giao dịch tài chính với các pháp nhân, cá nhân và tổ chức của các quốc gia có tên trong danh sách trừng phạt.

Tổng thống Nga Vladimir Putin (phải) và Ngoại trưởng Nga Sergey Lavrov (trái) nằm trong danh sách trừng phạt của EU. Ảnh: AFP

EU cấp tập chuẩn bị gói trừng phạt thứ 6 lên Nga, một ngày sau khi ông Putin ký sắc lệnh trả đũa ảnh 3

Sắc lệnh trừng phạt ông Putin ký cũng cấm xuất khẩu các sản phẩm và nguyên liệu thô và tinh chế do Nga sản xuất, khai thác cho các cá nhân và thực thể nằm trong danh sách trừng phạt.

Theo chỉ đạo của ông Putin, chính phủ Nga có 10 ngày để lập danh sách các cá nhân và công ty nước ngoài bị trừng phạt, cũng như xác định "tiêu chí bổ sung" cho một số giao dịch có thể bị hạn chế.

Ông Putin xem sắc lệnh này là phản ứng đối với những gì ông coi là hành động bất hợp pháp của Mỹ và các đồng minh nhằm tước đoạt tài sản hoặc hạn chế quyền sở hữu tài sản của Liên bang Nga, công dân Liên bang Nga và các pháp nhân Nga.

Ông Putin xem việc Mỹ và các đồng minh áp đặt hàng loạt biện pháp trừng phạt nghiêm khắc nhất trong lịch sử hiện đại đối với Nga và giới kinh doanh ưu tú của Moscow sau khi Nga phát động cuộc chiến ở Ukraine ngày 24-2 là lời tuyên chiến kinh tế, và nhiều lần cảnh báo rằng Moscow sẽ đáp trả tương xứng.

Trong ngày 3-5 Nga có phản ứng kinh tế cứng rắn là cắt nguồn cung cấp khí đốt cho Ba Lan và Bulgaria, đồng thời yêu cầu một kế hoạch thanh toán mới với các khách hàng khí đốt ở châu Âu.

Kể từ khi bị phương Tây áp đặt các biện pháp trừng phạt, nền kinh tế trị giá 1.800 tỉ USD của Nga bị suy giảm mạnh nhất kể từ những năm sau khi Liên Xô tan rã năm 1991, trong bối cảnh lạm phát tăng vọt.

Tuy nhiên nỗ lực của phương Tây nhằm cô lập về kinh tế với Nga - một trong những nhà khai thác tài nguyên thiên nhiên lớn nhất thế giới - đã đẩy nền kinh tế toàn cầu vào tình trạng bất ổn với thực tế giá cả tăng vọt và cảnh báo về nguy cơ thiếu lương thực.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm