Châu Âu đã sẵn sàng trường hợp ông Trump tái đắc cử?

(PLO)- Nhiều chính trị gia châu Âu lo ngại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa lục địa này và Mỹ sẽ đi xuống trong trường hợp ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump trở thành nhân vật trung tâm trong chính trường châu Âu trong tuần qua, theo đài CNN. Nhiều quan chức châu Âu bày tỏ lo ngại về viễn cảnh ông Trump tái đắc cử trong cuộc bầu cử tổng thống Mỹ năm nay.

Tuần trước, trong một sự kiện của Nghị viện châu Âu, Giám đốc thị trường nội bộ của Liên minh châu Âu (EU) – ông Thierry Breton nhắc về phát ngôn của ông Trump vào năm 2020. Khi ấy, ông Trump nói với Chủ tịch Ủy ban châu Âu – bà Ursula von der Leyen rằng “nếu châu Âu bị tấn công, chúng tôi sẽ không bao giờ đến giúp đỡ và hỗ trợ các bạn”.

Cũng tại sự kiện này, ông Breton đề xuất thành lập quỹ 100 tỉ euro để tăng cường sản xuất đạn dược trên toàn khối.

Tổng thống Mỹ Donald Trump hội đàm với Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen vào tháng 1-2020. Ảnh: AFP

Trao đổi với CNN, nhiều quan chức và nhà ngoại giao EU lưu ý rằng ông Breton nhắc lại phát ngôn của ông Trump đúng vào thời điểm đặc biệt nhạy cảm. Lúc này EU đang cố gắng xây dựng khả năng phòng thủ của riêng mình, trong khi cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024 đang đến gần.

Những chính sách thời ông Trump khiến quan hệ châu Âu-Mỹ đi xuống

Trong nhiệm kỳ tổng thống của mình (2017-2021), ông Trump thực hiện một loạt chính sách gây ảnh hưởng không nhỏ đến quan hệ xuyên Đại Tây Dương giữa Mỹ và châu Âu.

“Khi ông Trump nắm quyền, chúng tôi nhận ra rằng không phải lúc nào Mỹ cũng hành động vì lợi ích của châu Âu, đặc biệt nếu điều đó đi ngược lại lợi ích của Mỹ. Đó là nhận định mà rất nhiều người đã đưa ra” – một quan chức ngoại giao châu Âu nói với CNN.

Theo đài Euractiv, năm 2018, ông Trump đã khởi xướng xung đột thương mại với EU trong việc xuất khẩu thép và nhôm.

Vào thời điểm đó, ông Trump tuyên bố những ngành công nghiệp sản xuất thép và nhôm rất quan trọng đối với an ninh quốc gia Mỹ. Do đó, ông áp đặt mức thuế lên tới 25% đối với hàng nhập khẩu từ châu Âu.

Cuộc xung đột thương mại trên chỉ được xoa dịu dưới thời chính quyền Tổng thống Joe Biden nhưng nhìn chung vẫn chưa được giải quyết triệt để.

Tổng thống Mỹ Donald Trump (hàng dưới, thứ hai từ phải qua) cùng lãnh đạo các thành viên NATO tại Hội nghị thượng đỉnh NATO vào năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES

Vào năm 2019, cũng dưới thời Tổng thống Trump, Mỹ đã cắt giảm đáng kể đóng góp cho ngân sách chung của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Khi ấy, trả lời CNN, các quan chức quốc phòng Mỹ cho biết chính quyền ông Trump đã tìm cách giảm mức đóng góp của Mỹ xuống còn khoảng 16%. Con số này gần ngang bằng với Đức – quốc gia đóng góp 14,8% ngân sách của NATO, mặc dù Mỹ có nền kinh tế lớn hơn.

Trước đó, Mỹ cung cấp khoảng 22% nguồn tài trợ trực tiếp cho NATO, bao gồm chi phí duy trì trụ sở NATO, đầu tư an ninh chung và một số hoạt động quân sự kết hợp.

Châu Âu đã sẵn sàng cho trường hợp ông Trump tái đắc cử?

Nhiều quan chức kết luận rằng châu Âu cần phải chuẩn bị cho một tương lai mà không thể dựa vào Mỹ như trước đây. Trên thực tế, EU đang nỗ lực triển khai nhiều biện pháp để gia tăng sự độc lập của khối.

Về thương mại, châu Âu đã thực hiện các biện pháp giảm sự phụ thuộc vào các quốc gia đơn lẻ và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Điều này giúp châu Âu không bị động nếu một đối tác thương mại đột ngột thay đổi chính sách – giống như việc Mỹ dưới thời ông Trump đã áp thuế 25% đối với thép nhập khẩu từ Trung Quốc và EU.

Ông Ian Bond – phó Giám đốc tại Trung tâm nghiên cứu Cải cách châu Âu (Anh - nghiên cứu các vấn đề hội nhập châu Âu) cảnh báo rằng sự thay đổi chính sách đột ngột sẽ khiến châu Âu khó bán hàng vào Mỹ và gây ra những hậu quả lớn.

Vị chuyên gia cũng cho rằng trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, ông có thể sẽ tiếp tục áp thuế lên một số mặt hàng khác.

Về quốc phòng và an ninh, EU đã đồng ý tăng đáng kể chi tiêu quốc phòng trên toàn khối và cho toàn lục địa. Khối coi cuộc chiến ở Ukraine là rất nghiêm trọng và đã gửi hàng tỉ euro viện trợ và vũ khí cho Kiev. EU cũng đang nỗ lực để đưa Ukraine gia nhập khối càng sớm càng tốt.

Dù vậy, theo CNN, việc thay đổi chính sách quốc phòng và thương mại của EU mất nhiều thời gian. Do đó, mối quan hệ giữa EU và Mỹ cũng sẽ không thể thay đổi trong "một sớm một chiều".

Một nhà ngoại giao châu Âu khác cho rằng trong trường hợp ông Trump tái đắc cử, châu Âu cần cố gắng không để cho các quan điểm của ông ảnh hưởng nhiều đến quan điểm của EU.

“Trong trường hợp ông Trump tái đắc cử và đề cập việc ngừng viện trợ cho Ukraine, chúng tôi thực sự không thể làm được gì nhiều. Chúng tôi chỉ cần tiếp tục theo đuổi chính sách của mình, vì dù cuộc chiến này có kết thúc thế nào thì chính châu Âu sẽ là bên phải gánh chịu hậu quả, chứ không phải Mỹ” – nhà ngoại giao trên nói.

Thủ tướng Đức khi ấy là bà Angela Merkel (áo xanh) thảo luận với Tổng thống Mỹ khi ấy là ông Donald Trump (ngồi ngoài cùng bên phải), bên lề Hội nghị thượng đỉnh G7 tại Canada vào năm 2018. Ảnh: GETTY IMAGES.

Trong khi đó, nhiều quan chức châu Âu thẳng thắn thể hiện quan điểm lo ngại về viễn cảnh ông Trump quay lại Nhà Trắng.

Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu – bà Christine Lagarde cho rằng dựa theo các chính sách trong nhiệm kỳ của ông Trump thì việc ông Trump tái đắc cử tổng thống Mỹ “rõ ràng là một mối đe dọa” đối với châu Âu.

Bà Lagarde cho rằng việc nếu ông Trump quay trở lại Nhà Trắng vào năm tới thì quan hệ Mỹ-EU có thể đi đến bất hòa trong nhiều lĩnh vực. Trong đó, chủ nghĩa bảo hộ thương mại, hỗ trợ quân sự cho NATO và cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là những vấn đề hàng đầu.

“Nếu chúng ta học được bài học từ lịch sử, nhìn vào cách ông ấy lãnh đạo trong 4 năm đầu tiên tại nhiệm, thì đó rõ ràng là một mối đe dọa. Chỉ cần xem xét thuế quan thương mại, cam kết với NATO, cuộc chiến chống biến đổi khí hậu là đủ. Chỉ xét riêng trong 3 lĩnh vực này, trước đây, lợi ích của Mỹ không tương đồng với lợi ích của châu Âu” – bà Lagarde nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới