Châu Âu - Mỹ đạt bước tiến đáng kể trong giải quyết bất đồng

(PLO)- Cuối tuần trước, Bộ trưởng Kinh tế Đức Robert Habeck, Bộ trưởng Kinh tế Pháp Bruno Le Maire và Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen họp tại Mỹ về các vấn đề xung quanh Đạo luật Giảm lạm phát (IRA) được Mỹ ban hành vào tháng 8 năm ngoái, theo hãng tin Reuters.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

IRA được đánh giá là đạo luật mang tính bước ngoặt của Mỹ, dự định chi khoảng 370 tỉ USD trợ cấp quá trình chuyển đổi năng lượng, hướng tới một nền kinh tế thân thiện với môi trường bằng cách giảm thuế và trợ cấp cho các công ty sản xuất hoặc sử dụng công nghệ tái tạo năng lượng như ô tô điện, pin mặt trời tại nước này. Ngoài ra, IRA quy định áp mức thuế doanh nghiệp tối thiểu 15% đối với các công ty có doanh thu trên 1 tỉ USD mỗi năm.

Liên minh châu Âu (EU) lo ngại các chính sách thương mại mới này tạo ra sự cạnh tranh không công bằng, có thể ảnh hưởng tiêu cực tới các nhà sản xuất xe điện ở châu Âu và đã nhiều lần bày tỏ sự phản đối đạo luật này với Mỹ.

Cuộc họp của ba bộ trưởng Đức, Pháp, Mỹ đi tới đồng thuận rằng EU cũng sẽ đưa ra các gói trợ cấp tương tự Mỹ cho các doanh nghiệp châu Âu. Các quan chức nhất trí cần đảm bảo sự “minh bạch toàn diện” về các khoản trợ cấp này, thường xuyên thảo luận ở cấp bộ trưởng, đặc biệt là về các khoản đầu tư chiến lược.

Bộ trưởng Yellen cho biết Mỹ và EU chia sẻ nhiều mục tiêu giống nhau và cả hai bên đều muốn bảo đảm có đủ nguồn cung cấp tất cả sản phẩm quan trọng đối với năng lượng sạch. “Nếu châu Âu hành động để đưa ra các khoản trợ cấp tương tự như chính sách của chúng tôi thì đây là chính sách khí hậu tốt, chúng tôi sẽ hợp tác với họ” - bà Yellen nói.

Đầu tháng 1, Ủy ban châu Âu dự thảo một bản kế hoạch mang tên Thỏa thuận công nghiệp xanh với mục tiêu tạo môi trường hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp công nghệ xanh ở châu Âu về tài chính và pháp lý. Dù vậy, kế hoạch không đề cập nhiều chi tiết liên quan tới trợ cấp, theo tờ Financial Times.

Về khoản này, các nước thành viên EU vẫn bất đồng về việc phải hành động mạnh mẽ ở mức nào để không rơi vào cuộc chạy đua “trợ cấp xanh” với Mỹ, hoặc gây thiệt hại cho sân chơi bình đẳng trong thị trường châu Âu. Chẳng hạn, Thủ tướng Đức Olaf Scholz nói ông tin tưởng các cuộc đàm phán giữa các đối tác xuyên Đại Tây Dương có thể hạn chế sự phân biệt đối xử với các công ty có trụ sở tại châu Âu.

Trong khi đó, nhiều nước phản đối ý tưởng vay nợ chung để thiết lập một quỹ hỗ trợ. Một số nước khác thì lo ngại các quy định trợ cấp trở nên cởi mở hơn sẽ làm xáo trộn thị trường châu Âu, vì các khoản trợ cấp ở các nền kinh tế lớn như Đức và Pháp sẽ áp đảo các khoản trợ cấp ở những nước nhỏ hơn. Các nước như Hà Lan, Ireland, CH Czech và các nước Bắc Âu cảnh báo sự chênh lệch này có thể hạn chế mức độ hiệu quả của các chính sách về hỗ trợ năng lượng xanh của EU.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm