Chòi cắm ở đâu cũng được, miễn có chỗ khô ráo cho gia đình ông nằm là được. Tài sản lớn nhất của gia đình là bầy vịt, gặp phải đại dịch nên cả gia đình ông trong phút chốc đã trắng tay. Vậy là ba cha con ông làm “thợ đụng”, ai kêu gì làm nấy, chăn bò, phụ hồ, cắt lúa mướn đều không nề hà, miễn kiếm được tiền cơm cháo nuôi nhau...
Sum học lớp 2 thì nghỉ theo cha đi làm thuê, lang thang khắp vùng biên giới để chăn trâu cho người ta. Đôi lần chủ trâu chỉ cho ăn cơm, không trả tiền. Sum không nói không rằng, lặng lẽ bỏ về nhà rồi tìm chủ trâu khác.
Sum thấy em làm công nhân ở Sài Gòn, hằng tháng có tiền gửi về nhà bèn xin theo. Sum làm ở một tiệm cắt kính được tám tháng, người ta chỉ trả 3 triệu đồng. Có tiền, Sum mừng quá, gửi hết về cho cha. Đến khi thấy chủ bất công, Sum bỏ việc tìm nơi khác nhưng không xin được việc. Vì thế, Sum vào công ty em trai xin tiền về quê và sau đó thì bị truy cứu tội chống người thi hành công vụ...
Ông Chau Se (phải, cha của Chau Sum) phải xin tiền lối xóm để có tiền đi xe từ An Giang lên TP.HCM dự tòa. Ảnh: PHƯƠNG LOAN
Sum được tại ngoại, cha đưa Sum đi chữa bệnh ở BV Tâm thần Tiền Giang. Bệnh viện chẩn đoán Sum bị rối loạn tâm thần đa dạng cấp với các triệu chứng của tâm thần phân liệt.
Sum bị bắt tạm giam ngày 2-8-2016 theo lệnh truy nã vì Sum lang bạt chăn bò thuê không biết có giấy triệu tập mình.
Ngồi trong phiên tòa, ông Chau Se nhấp nhổm hướng mắt về chỗ con ngồi. Khi tòa kêu lên làm “phiên dịch” bất đắc dĩ, ông bỏ đôi dép lào ra khỏi chân, run run bước tới.
Ông Chau Se kể rằng ông và chị gái phải ngửa tay xin một lượt làng xóm, người cho 10.000 đồng mới đủ tiền xe đò từ Tịnh Biên (An Giang) lên Sài Gòn. Đến Bến xe Miền Tây thì ông đi bộ đến tòa. Giờ tiền về lại quê phải xin đứa con nhỏ đang làm thuê ở công ty giày em của Sum. Do ông vội vàng về quê nên người viết và một luật sư cũng chỉ kịp góp cho ông 1,1 triệu đồng để ông dằn túi.
Tòa vào hội ý, người viết hỏi: “Giờ Sum muốn về trại tạm giam hay muốn về nhà?”. Sum trả lời, như một đứa trẻ: “Sum… muốn... về với mẹ!”.