Liên quan đến cái chết của bà TTH (52 tuổi, phường 11, quận Gò Vấp, TP.HCM) do bệnh dại, ông Trần Văn Nghĩa (50 tuổi, quận 8, TP.HCM) tỏ thái độ không hài lòng với cách làm việc của BV Quân y 175, TP.HCM.
Chạy lòng vòng tìm nơi xét nghiệm
“Trước đó chị tôi bị chó cắn. Vài ngày sau, con chó này chết vì dại. Tối 10-5, chị tôi có triệu chứng mệt, nhức mỏi, khó thở, không thể uống nước… nên được đưa tới BV Quân y 175. Tới ngày 12-5, BV lấy mẫu nước bọt và dịch não tủy của chị tôi. Sau đó một bác sĩ đưa mẫu bệnh phẩm đựng trong bịch và giấy giới thiệu của BV cho anh tôi yêu cầu mang qua Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm. Do đã hết giờ làm việc buổi sáng nên anh tôi mang thẳng mẫu bệnh phẩm về nhà đưa cho tôi” - ông Nghĩa nói.
Khoảng 14 giờ cùng ngày, ông Nghĩa mang mẫu bệnh phẩm đến Viện Pasteur TP.HCM. “Tuy nhiên, sau khi xem giấy giới thiệu của BV Quân y 175, một nhân viên nói Viện Pasteur TP.HCM không xét nghiệm. Tôi liền xách xe chạy qua Viện Y tế công cộng TP.HCM và Trung tâm Y tế dự phòng TP.HCM nhưng hai nơi đây trả lời không có chức năng xét nghiệm bệnh dại. Quá mệt mỏi, tôi đành chạy về nhà” - ông Nghĩa lắc đầu.
Gần 21 giờ cùng ngày, ông Nghĩa quay lại BV Quân y 175, mang theo mẫu bệnh phẩm và giấy giới thiệu. Nghe đứa cháu nói bà H. đã chuyển qua phòng cách ly nên ông Nghĩa vứt mẫu bệnh phẩm và giấy giới thiệu vô thùng rác của BV. Do bệnh tình bà H. quá nặng nên gia đình xin về và được BV Quân y 175 đồng ý. Trong giấy xuất viện, BV ghi chẩn đoán bà H. bị bệnh dại. Về nhà không lâu, bà H. qua đời.
“Tôi thắc mắc tại sao BV Quân y 175 không liên hệ trước với Viện Pasteur TP.HCM để tôi không phải chạy lòng vòng mất nhiều thời gian. Và vì sao Viện Pasteur TP.HCM lại không nhận mẫu bệnh phẩm để xét nghiệm dại?” - ông Nghĩa thắc mắc.
Chó nuôi được tiêm ngừa bệnh dại. Ảnh: TRẦN NGỌC
Thừa nhận thiếu sót
Giải thích vấn đề này, ThS-BS Nguyễn Trọng Toàn, Phó Trưởng khoa Kiểm soát phòng ngừa dịch bệnh, Viện Pasteur TP.HCM, cho biết mẫu bệnh phẩm mang đến không đúng quy định Thông tư 43/2011 của Bộ Y tế thì Viện Pasteur TP.HCM sẽ không nhận.
“Để mẫu xét nghiệm bệnh dại được chẩn đoán chính xác cần thực hiện đúng quy trình nghiêm ngặt từ khâu lấy mẫu, đóng gói, bảo quản, vận chuyển. Bên cạnh đó, phiếu lấy mẫu bệnh phẩm cần phải điền đầy đủ các thông tin hành chính, ngày khởi bệnh, chẩn đoán sơ bộ, nơi điều trị, yêu cầu xét nghiệm, loại bệnh phẩm và ngày giờ lấy…” - ThS-BS Toàn nói.
BS Nguyễn Tuấn Phương, Chủ nhiệm khoa Truyền nhiễm, BV Quân y 175, cho biết một khi bệnh nhân lên cơn dại là chết, không thể cứu chữa. BV cũng đã giải thích rõ điều này với người nhà bà H. “Theo nguyện vọng của gia đình, chúng tôi lấy mẫu nước bọt và dịch não tủy của bà H. để xét nghiệm. Gia đình bà H. cũng đồng ý tự mang mẫu bệnh phẩm tới Viện Pasteur TP.HCM” - BS Phương nói.
“Theo quy định, đúng ra chúng tôi phải liên hệ trước với Viện Pasteur TP.HCM để không xảy ra tình huống viện từ chối nhận mẫu bệnh phẩm xét nghiệm. Chúng tôi cũng chưa thực hiện đúng quy định đóng gói mẫu bệnh phẩm đưa đi xét nghiệm. Qua hai vụ việc thiếu sót trên, chúng tôi nghiêm túc rút kinh nghiệm. Chúng tôi cũng sẽ gặp gia đình bà H. để giải thích và mong nhận được sự cảm thông” - BS Phương bày tỏ.
Ngày 5-12-2011, Bộ Y tế ban hành Thông tư 43/2011 quy định chế độ quản lý mẫu bệnh phẩm bệnh truyền nhiễm. Theo đó, virus dại nằm trong danh mục chất lây nhiễm loại A. Mẫu bệnh phẩm này khi phơi nhiễm có thể gây ra những bệnh lý đe dọa đến tính mạng, tử vong, gây dị tật vĩnh viễn cho người. Điều 6 thông tư quy định: “Mẫu bệnh phẩm chứa chất lây nhiễm loại A phải được đóng gói riêng biệt, không chung với các loại hàng hóa khác và gồm ba lớp. Lớp thứ nhất (tube, chai, lọ đựng mẫu bệnh phẩm): Phải bảo đảm không thấm nước, không rò rỉ, chịu được nhiệt độ trong khoảng -40 độ C đến 55 độ C. Lớp thứ hai (túi, hộp, gói): Phải bảo đảm bằng vật liệu bền, không thấm nước, không rò rỉ, chịu được nhiệt độ trong khoảng -40 độ C đến 55 độ C. Lớp ngoài cùng (hộp, thùng): Phải bảo đảm cứng, chịu được áp lực; giữa lớp thứ hai và lớp ngoài cùng có một lớp đệm chống va đập. Điều 8 thông tư quy định: “Đơn vị lấy mẫu thông báo cho phòng xét nghiệm ngày gửi mẫu bệnh phẩm, phương tiện vận chuyển và thời gian dự kiến sẽ tới phòng xét nghiệm. Đơn vị lấy mẫu lựa chọn phương tiện vận chuyển, bảo đảm thời gian vận chuyển ngắn nhất nhưng không vượt quá thời gian bảo quản quy định đối với từng loại mẫu bệnh phẩm”. |