Chỉ có bà phụ huynh này thừa nhận có đưa tiền và nhờ thế cơ quan tố tụng mới buộc tội được bà; còn những trường hợp khác, tuy ai cũng tin là khó vô can nhưng CQĐT không chứng minh được!
Trong kết luận điều tra bổ sung của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La về vụ gian lận điểm thi, ngoài tám bị can là cựu cán bộ ngành giáo dục và công an trước đây, có một bị can mới là bà Lò Thị Trường. Bà Trường là phụ huynh của một trong 44 thí sinh được nâng điểm, bị đề nghị truy tố về tội đưa hối lộ.
Theo kết luận điều tra, để nâng điểm cho con trai đậu vào Học viện An ninh nhân dân, bà Trường đã hứa hẹn, thỏa thuận và đưa trước cho Lò Văn Huynh (cựu trưởng Phòng Khảo thí và quản lý giáo dục, Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La) 300 triệu đồng.
Điều đáng nói, để có thể cáo buộc hành vi phạm tội của bị can này, Cơ quan An ninh điều tra đã tốn không ít thời gian.
Đến nay, bà Lò Thị Trường là phụ huynh duy nhất trong vụ gian lận điểm thi tại Sơn La bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ. Bị can Lò Văn Huynh bất ngờ thay đổi lời khai về số tiền 1 tỉ đồng nhận từ ông Nguyễn Minh Khoa. Ảnh: TUYẾN PHAN
Ban đầu, dù Huynh liên tục khai đã nhận tiền từ bà Trường để nâng điểm cho con bà nhưng bà này một mực phủ nhận. Phải đến phiên tòa sơ thẩm hồi tháng 10 vừa qua, khi bị chủ tọa và đại diện VKS liên tục truy vấn, bà Trường mới chịu thừa nhận việc đưa tiền. Kết quả, tòa trả hồ sơ để điều tra bổ sung, sau đó thì bà phụ huynh mới bị khởi tố.
Tuy nhiên, sang giai đoạn phúc cung, bà Trường lại thay đổi lời khai. Bị can này chỉ thừa nhận cung cấp thông tin của con trai cho Lò Văn Huynh để “nhờ xem điểm” chứ không phải “nhờ nâng điểm” như trước đây; bà nói bà cũng không hứa hẹn, thỏa thuận hay đưa tiền cho Huynh.
Dù vậy, CQĐT khẳng định có đủ cơ sở để đề nghị truy tố bà Trường về tội đưa hối lộ và bị can Huynh về tội nhận hối lộ.
Tính tới thời điểm hiện tại, trong số phụ huynh của 44 thí sinh được nâng điểm, bà Trường là người duy nhất bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội đưa hối lộ. Điều này khiến dư luận đặt ra câu hỏi với những phụ huynh và đối tượng trung gian còn lại thì sao?
Hồ sơ vụ án cũng như diễn biến tại tòa cho thấy hàng loạt bị can thừa nhận đã cầm nhiều tỉ đồng từ phụ huynh và đối tượng trung gian để nâng điểm cho thí sinh. Các bị can còn chủ động nộp số tiền này cho CQĐT.
Vậy nhưng những người được cho là đưa tiền khi làm việc với cơ quan công an, thậm chí là đối chất mặt đối mặt với các bị can tại tòa đều phủ nhận sạch trơn.
Điển hình, Nguyễn Thị Hồng Nga (cựu chuyên viên Phòng Khảo thí) khai đã nhận của ông Trần Văn Điện (một trong 18 người trung gian) hơn 1 tỉ đồng để nâng điểm cho bốn thí sinh. Nga còn khai rành rọt tiền được đựng trong túi như thế nào, đưa ra sao, mệnh giá bao nhiêu… Ngược lại, khi HĐXX gọi lên đối chất, ông Điện phủ nhận tất cả, chỉ thừa nhận nhờ Nga “xem điểm” chứ không nhờ việc gì khác, không có chuyện thỏa thuận tiền bạc.
Tương tự, Cầm Thị Bun Sọn, cựu phó trưởng Phòng Chính trị-Tư tưởng, khai nhận của bà Hoàng Thị Thành (Chủ tịch Hội Nông dân huyện Quỳnh Nhai) 440 triệu đồng để nâng điểm cho con. Bà Sọn khai rõ số tiền này được đưa làm hai lần, hiện đã giao nộp cho CQĐT. Nhưng cũng giống với những người được cho là đưa tiền, bà Thành cương quyết phủ nhận.
Sự mâu thuẫn trên dẫn tới một nghịch lý: Nếu không phải tiền do phụ huynh và đối tượng trung gian đưa, tại sao các bị can lại nộp cho CQĐT, chẳng lẽ họ tự bỏ tiền túi rồi “đổ oan” cho những người này? Và còn một điều cực kỳ quan trọng này nữa: Họ thừa hiểu khi họ khai như vậy, giao nộp tiền như vậy, họ còn đối diện với việc bị xử thêm tội nhận hối lộ, môi giới hối lộ với hình phạt rất nghiêm khắc…
Một trường hợp khác, đó là giữa Lò Văn Huynh và ông Nguyễn Minh Khoa (nguyên phó trưởng Phòng PA03, Công an tỉnh Sơn La). Suốt quá trình điều tra cũng như xét xử sơ thẩm, Huynh đều khai nhận của ông Khoa hơn 1 tỉ đồng để nâng điểm cho hai thí sinh và đã nộp số tiền này cho CQĐT, dĩ nhiên ông Khoa phủ nhận. Đến nay Huynh bất ngờ thay đổi lời khai rằng không hề nhận tiền của ông Khoa, 1 tỉ đồng kia là do gia đình bị can bán đất và tiết kiệm mà có.
Nếu đúng là tiền “trong sạch” từ việc bán đất và tiết kiệm, tại sao Huynh lại phải nộp cho CQĐT, bị can không khai ngay từ đầu mà hơn một năm sau mới khai? Phải chăng sự thay đổi lời khai này có sự “ăn rơ” với lời khai của ông Khoa nhằm né tội nhận hối lộ?
Hơn một năm đã trôi qua, tiến trình xử lý vụ án vẫn diễn ra chậm chạp với kết quả không đáp ứng sự mong mỏi của dư luận. Không phải quá đáng khi dư luận đặt vấn đề vụ án này Bộ Công an cần điều tra để đảm bảo khách quan, toàn diện, nhằm xử lý đúng người, đúng tội, mang lại niềm tin cho nhân dân.