Tại hội thảo phòng, chống tiêu cực trong hoạt động tư pháp do Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương tổ chức ngày 3-4 tại TP.HCM, nhiều ý kiến đã chỉ ra các hành vi tiêu cực trong ngành tư pháp.
Các loại tiêu cực
Đó là các quyết định được đưa ra để đổi lấy tiền bạc hoặc đặc ân, tòa cấp dưới chịu ảnh hưởng của tòa cấp trên, thẩm phán bị ép phải giải quyết trái quy tắc, thẩm phán và công tố viên dọa dẫm luật sư, lập biên bản không chính xác các lời khai của đương sự, từ chối quyền đại diện hợp pháp… Đáng chú ý, nhiều đại biểu cảnh báo nếu không có cơ chế giám sát đầy đủ thì những can thiệp kiểu “điện thoại, thư tay” nhờ vả, can thiệp vào hoạt động xét xử của tòa vẫn có thể làm nảy sinh tiêu cực.
Ông Phạm Quý Tỵ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp) cũng nêu lên những khía cạnh tham nhũng của ngành tư pháp hiện nay như thẩm phán đưa ra phán quyết không đúng pháp luật để lấy tiền hoặc lợi ích vật chất khác, luật sư tiếp tay cho việc hối lộ những người tiến hành tố tụng, tòa án bị thao túng bởi cơ quan hành pháp…
Chuyên gia James Anderson (Ngân hàng Thế giới) cho biết qua khảo sát 1.000 người dân tại Hà Nội, TP.HCM, Hải Phòng (kể cả ý kiến của luật sư và các chuyên gia pháp lý) cho thấy tham nhũng trong ngành tòa án/tư pháp tại Việt Nam tệ hơn so với các nước trong khu vực. Chẳng hạn, 58,2% doanh nghiệp phản hồi phải trả tiền cho an ninh…
Bà Lê Thị Thu Ba cho rằng minh bạch hóa công tác tư pháp bằng các cơ chế giám sát, nhận diện hành vi tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này. (Ảnh chỉ mang tính minh họa) Ảnh: HTD
Cần có cơ chế giám sát, nhận diện tham nhũng
Bà Lê Thị Thu Ba (Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương) nhận xét tiêu cực, tham nhũng trong các ngành tư pháp đang là căn bệnh nan y, cản trở phát triển kinh tế-xã hội. Các biểu hiện nhũng nhiễu, vòi vĩnh, chạy án, vì lợi ích riêng mà bẻ cong công lý… của một số cán bộ ngành khiến người dân mất niềm tin, ảnh hưởng xấu đến tính nghiêm minh của pháp luật. “Cần minh bạch hóa công tác tư pháp bằng các cơ chế giám sát, nhận diện hành vi tiêu cực, tham nhũng trong lĩnh vực này” - bà Thu Ba nhấn mạnh.
Theo ông Nguyễn Đình Quyền (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội), để hạn chế tối đa tiêu cực và oan sai thì không thể chỉ trông chờ vào lòng tốt, tính tự giác của cá nhân những người tiến hành tố tụng mà cần có chế tài chặt chẽ, nghiêm khắc.
Còn theo ông Phạm Quý Tỵ, nước ta đề ra nhiều biện pháp để phòng, chống tham nhũng như xây dựng các chính sách pháp luật, công khai, minh bạch trong hoạt động giải quyết công việc của thẩm phán, cán bộ tòa… nhưng văn hóa ứng xử trong các cơ quan tư pháp chưa được chú trọng. Hiện kết quả lao động của thẩm phán chỉ thể hiện qua chất lượng án nên quả thật là rất khó đánh giá. Việc ứng xử của thẩm phán với người dân và người tham gia tố tụng phải thể hiện được tính văn hóa.
Luật hóa quyền miễn trừ thẩm phán
Hiện nay, một số nước trên thế giới quy định thẩm phán có quyền miễn trừ nhằm tạo điều kiện để thẩm phán đưa ra phán quyết độc lập, khách quan, vô tư, tránh bị áp lực. Cụ thể, việc xem xét hành vi sai phạm, tiêu cực của thẩm phán để xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự chỉ được thực hiện bằng một hội đồng độc lập với thành phần đặc biệt và thủ tục chặt chẽ. Việc khởi tố, bắt tạm giam, truy tố, xét xử đối với thẩm phán phải được phê chuẩn bởi Tòa án Hiến pháp...
Bà Luba Beardsley (Cố vấn cao cấp thuộc Ngân hàng Thế giới) cho rằng tham nhũng hoặc những hoạt động sai trái trong ngành tòa án đa số được thực hiện bởi các thẩm phán. Vì vậy Việt Nam nên luật hóa quyền miễn trừ thẩm phán để ngăn chặn các tiêu cực trong ngành.
Đồng tình, ông Shervin Majlessi (chuyên gia khu vực quản lý công, cơ quan của Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội) phân tích: Nếu có luật này thì thẩm phán mới thực sự minh bạch trong hoạt động nghề nghiệp và chú ý trong các phán quyết của mình. Hơn nữa, trách nhiệm giải trình của thẩm phán và cán bộ tòa sẽ được thực thi vì có ảnh hưởng đến các quyết định bổ nhiệm hoặc miễn trừ, miễn nhiệm của cơ quan có thẩm quyền.
“Nếu đã nhận diện được hậu quả của tiêu cực trong ngành tòa án như làm chia rẽ lòng tin của người dân, gây ra khiếu nại, tố cáo… thì Việt Nam nên bắt tay vào cải cách thực sự. Chúng ta không thể rập khuôn mô hình này, mô hình khác mà phải xem xét các mô hình ấy có phù hợp với Việt Nam hay không” - ông Shervin Majlessi góp ý.
Ông Phạm Quý Tỵ (nguyên Thứ trưởng Bộ Tư pháp) thì cho rằng nếu nước ta xây dựng và áp dụng chế định quyền miễn trừ đối với thẩm phán, công tố viên thì cần chú ý đến chi tiết. Chẳng hạn, các nội hàm cụ thể của quyền này là gì, quyền này được quy định trong Hiến pháp, luật hay quy tắc nghề nghiệp…
PHƯƠNG LOAN
Những yếu tố góp phần tạo tham nhũng Một số yếu tố góp phần tạo nên hiện tượng tham nhũng ở nhiều nước là luật pháp và chính sách không rõ ràng khiến các nhóm lợi ích lợi dụng để áp đặt theo những giải pháp của họ; tính khó dự đoán, không nhất quán và sự phức tạp ngày càng tăng của hệ thống pháp luật; sự độc quyền của ngành pháp lý trong việc xây dựng, diễn giải và thi hành các quy định; thiếu tính độc lập và trách nhiệm giải trình; mức độ tự quyết quá lớn. Các vấn đề tiêu cực gồm việc bổ nhiệm thẩm phán không theo phẩm chất và năng lực; mức lương và điều kiện làm việc không bảo đảm; các quy trình kỷ luật và bãi nhiệm thực hiện không công bằng hay thiếu hiệu quả; quy trình xét xử thiếu minh bạch cản trở việc giám sát của truyền thông và xã hội… Bà Luba Beardsley, Cố vấn cấp cao của Ngân hàng Thế giới |