Buổi công bố chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh ở Việt Nam (PAPI) 2013 đưa ra thông tin: Nạn hối lộ trong lĩnh vực công vẫn đang nhức nhối (xem Pháp Luật TP.HCM ngày 3-4). Nhiều bạn đọc bức xúc cho rằng không thể kéo dài vấn nạn này và đề xuất một số giải pháp.
“Chúng ta phải triệt cơ chế xin, cho bởi đây là nguy cơ của tệ tham nhũng, hối lộ. Muốn vậy phải đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện hệ thống pháp luật, đổi mới hoạt động công vụ, tránh sự phiền hà, nặng nề, bất hợp lý. Nhiều nơi thực hiện cơ chế một cửa, một dấu có hiệu quả đã giảm thiểu được nạn phong bì, phong bao” - luật sư Nguyễn Văn Minh (Đoàn Luật sư TP.HCM) nhấn mạnh.
Bạn đọc Nguyễn Thiện (Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM) thì cho rằng phải hình thành cho được một cơ chế công khai, minh bạch để mọi người cùng giám sát và giám sát hiệu quả, chẳng hạn cơ quan, tổ chức, đơn vị phải công khai hoạt động của mình; công khai, minh bạch trong quản lý, sử dụng nhà ở; trong hoạt động thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiểm toán nhà nước... Hiện có nhiều lĩnh vực rất tù mù vì cơ chế không rõ, đặc biệt là trong xây dựng, đầu tư. Thứ nữa, Nhà nước chưa có biện pháp hữu hiệu quản lý đồng tiền, quản lý tài sản nên tiền vào, tiền ra; nhà chìm, nhà nổi như thế nào chẳng ai biết. Nói là kê khai tài sản nhưng việc kiểm tra, xác minh ra sao đối với những khoản khai trên vẫn còn bỏ ngỏ. Người dân thì tha hồ xài tiền mặt nên thoải mái bỏ vào va li, túi xách đem đi hối lộ. Cần phải có quy định hạn chế dùng tiền mặt như nhiều nước đã làm.
“Lãnh đạo phải quyết liệt làm gương. Bản thân mình đừng sai thì cấp dưới sẽ không dám làm ẩu, làm bừa. Người đứng đầu phải tăng cường kiểm tra việc thực hiện chức trách, nhiệm vụ của đơn vị, của cấp dưới, nhất là những người làm công việc liên quan đến quản lý tiền, tài sản của Nhà nước… để tránh tiêu cực. Mặt khác, để tạo cơ sở xử lý trách nhiệm người đứng đầu, trong kết luận thanh tra, điều tra… phải có kết luận về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị nơi xảy ra tham nhũng là yếu kém trong quản lý, buông lỏng quản lý hay bao che cho hành vi tham nhũng” - bạn đọc Nguyễn Văn Tĩnh (Khu Công nghệ cao TP.HCM) nêu ý kiến.
Quyết liệt xử lý án tham nhũng Hiện nay, có một tín hiệu đáng mừng là công tác xét xử tham nhũng có chuyển biến. Ban Chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng đã bắt đầu hoạt động. Nhiều vụ đại án đã được lôi ra ánh sáng. Việc xét xử án tham nhũng trước nay hầu như không có án tử hình nhưng mới đây khi xét xử vụ án tham nhũng ở một ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, tòa đã tuyên án tử hình. Thiết nghĩ cần phải làm mạnh, quyết liệt như trên để “phòng từ xa và chống có hiệu quả”. Cạnh đó cũng phải chấn chỉnh khâu điều tra, khâu giám định… vì nơi gác cổng, xử lý này cũng có tiêu cực. Nếu chúng ta còn nhân nhượng, rụt rè thì chắc chắn vấn nạn kia vẫn còn tồn tại, thậm chí là phát triển mạnh. Nguyễn Thiện, Trường ĐH Kinh tế-Luật TP.HCM |