Chi phí thủ tục hành chính: Phía Bắc cao nhất

Sáng 17-8, Hội đồng Tư vấn cải cách thủ tục hành chính (TTHC) của Thủ tướng đã công bố báo cáo chỉ số đánh giá chi phí tuân thủ TTHC 2018 (APCI 2018), tức chi phí thực tế mà doanh nghiệp (DN) phải chi trả để thực hiện các TTHC hiện hành. Trong đó, ngành xây dựng có chi phí thực hiện TTHC đắt đỏ nhất, đặc biệt tại miền Bắc.

Thiếu minh bạch, không hướng dẫn kỹ nên chi phí cao

Theo báo cáo vừa được công bố, chi phí trung bình trong cả nước của một TTHC nhóm xây dựng là 64,1 triệu đồng. Đây cũng là thủ tục có chi phí thực hiện đắt đỏ trong tám nhóm TTHC được khảo sát. “Mặc dù về chi phí thời gian, nhóm thủ tục này không nằm ở mức cao nhất (103,9 giờ làm việc và 2,15 triệu đồng) nhưng chi phí trực tiếp cao vượt trội đã làm nhóm thủ tục này trở nên đắt đỏ bậc nhất” - báo cáo nhấn mạnh.

Đáng lưu ý, tại vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ chi phí này lên tới 146,7 triệu đồng, gấp gần 2,3 lần so với trung bình trên cả nước. Trong khi đó, chi phí tuân thủ ở khu vực phía Nam lại chỉ tương đương 20% mặt bằng chung cả nước (12,6 triệu đồng), miền Trung xấp xỉ mức trung bình cả nước (64,8 triệu đồng).

Lý giải về điều này, Cục trưởng Cục Kiểm soát TTHC Ngô Hải Phan cho biết chi phí về thời gian chuẩn bị hồ sơ ở khu vực phía Bắc chiếm 86% tổng chi phí, trong khi trung bình cả nước chỉ 67% và còn khu vực miền Nam chi phí này chỉ chiếm 24%, khu vực miền Trung 61%. “Đây là do vấn đề minh bạch thông tin về TTHC chưa tốt, hướng dẫn người dân chuẩn bị hồ sơ chưa kỹ càng nên người dân phải đi lại nhiều lần làm phát sinh chi phí” - ông Phan nói. Theo ông, chi phí tuân thủ thủ tục xây dựng ở vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc cao so với phía Nam là điều giúp lãnh đạo các tỉnh phía Bắc điều chỉnh khâu giải quyết TTHC, kể cả việc cán bộ làm chưa tốt khiến dân đi lại nhiều lần làm tăng chi phí. “Các dịch vụ cũng cần chấn chỉnh, nếu có sự độc quyền thì giá chắc chắn cao” - ông Phan khuyến nghị.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng tại buổi công bố chỉ số APCI 2018. Ảnh: TN 

“Con người không thay đổi, trời cũng không cứu được”

Trong buổi công bố báo cáo, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng lý giải, chi phí cho TTHC bao gồm cả chi phí về thời gian, tiền của, cả chi phí trực tiếp và gián tiếp, chi phí chính thức và không chính thức.

“Theo phản ánh của các hiệp hội, DN thì các chi phí này còn rất cao. DN, người dân khi làm TTHC còn mất nhiều thời gian, đi lại nhiều lần với nhiều loại chi phí” - Bộ trưởng Mai Tiến Dũng nêu thực tế và cho rằng cải cách phải quyết liệt, đồng bộ từ trên xuống vì không ai muốn rời bỏ quyền lợi của mình trong thực thi công vụ. “Nếu làm tốt, công khai tốt thì các chi phí sẽ giảm, chi phí về thời gian và cả những khoản như bao thư lót tay, bởi chúng ta sẽ giám sát được” - Bộ trưởng Dũng nhấn mạnh.

Theo ông Dũng, thực tế khi đi kiểm tra tại các cơ quan áp dụng công nghệ thông tin (CNTT) và dịch vụ công trực tuyến, người đi làm TTHC “có kẹp phong bì cũng không biết đưa cho ai, vì không biết ai giải quyết thủ tục của mình”. Theo đánh giá của người phát ngôn Chính phủ, thực hiện những việc này chắc chắn sẽ có va chạm nhưng phải chấp nhận, không muốn làm cũng phải làm. Người phát ngôn cũng dẫn lại lời thủ tướng Anh “cải cách mà không có người phản đối là cải cách tồi” và cho rằng cải cách phải có người phản đối vì đây là việc “bỏ cái cũ đi thay bằng cái tiến bộ”.

Kỳ vọng đầu tiên là tạo ra một bộ chỉ số đánh giá để góp phần thực hiện mục tiêu xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo, hành động, phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người dân và doanh nghiệp, chủ động xây dựng thể chế, điều hành đất nước trên cơ sở thượng tôn pháp luật.

Bộ trưởng-Chủ nhiệm
Văn phòng Chính phủ
 MAI TIẾN DŨNG 

Theo Bộ trưởng Mai Tiến Dũng, đã có nhiều chỉ số để đánh giá việc cải cách, thêm chỉ số này sẽ kỳ vọng tạo ra những bộ chỉ số công khai, minh bạch để thực hiện mục tiêu Thủ tướng giao về xây dựng Chính phủ phục vụ, hướng tới người dân và DN. Nhưng ông Dũng cũng lưu ý việc này không chỉ nhìn nhận ở phía cơ quan quản lý nhà nước mà cần có sự tham gia của người dân và cộng đồng DN, vì cải cách phải đồng bộ từ nhiều phía.

“Nếu chúng ta chỉ bằng ý chí không thì không làm được, mà truyền thống của chúng ta từ xưa đến nay chỉ bằng ý chí không. Không. Bây giờ phải áp dụng CNTT, chỉ số này phải áp dụng CNTT mới làm được” - ông Nguyễn Văn Thân, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa, nói. Theo ông Thân, chỉ số này chỉ thiên về phía các cơ quan công quyền nhà nước, đặc biệt là các bộ, ngành. Nhưng ở đây có hai chiều, nếu làm tốt ở bộ, ngành và các cơ quan trung ương nhưng DN không biết, không hiểu thì những chi phí không chính thức vẫn tồn tại, vì ai cũng muốn công trình, dự án của mình nhanh chóng được tiếp nhận. “Con người mà không thay đổi, đạo đức, tư duy không thay đổi thì trời không cứu được chứ đừng nói gì tới CNTT” - ông Thân nhấn mạnh.

Đây là năm đầu tiên thực hiện điều tra trên cả nước để xây dựng chỉ số trên. Hội đồng Tư vấn cải cách TTHC nhận được ý kiến và chia sẻ thông tin của hơn 3.000 DN đã thực hiện một trong tám nhóm TTHC tại 63 tỉnh, thành trong sáu tháng cuối năm 2017 về thời gian và chi phí cần thiết để hoàn thành TTHC đó. Có tám nhóm TTHC được nghiên cứu khảo sát đánh giá chi phí thực hiện. Kết quả như sau:


APCI 2018 theo nhóm TTHC.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới