'Có tình trạng muốn thủ tục nhanh thì đưa 10 triệu'

Ngày 25-7, TP Đà Nẵng tổ chức chương trình gặp mặt các hội, hiệp hội doanh nghiệp (DN), doanh nhân trên địa bàn TP. Chương trình nhằm trao đổi, thảo luận và đưa ra các giải pháp nâng cao các chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tại Đà Nẵng.

Doanh nghiệp đầu tư phải chạy lòng vòng nhiều cửa

Sau bốn năm dẫn đầu, năm 2017, PCI của TP Đà Nẵng đã tụt xuống vị trí thứ hai, xếp sau tỉnh Quảng Ninh. Nhiều chỉ số bị giảm điểm và tụt hạng so với các năm trước. Trong đó, chỉ số chi phí không chính thức của Đà Nẵng giảm 0,22 điểm và xếp ở vị trí thứ năm toàn quốc.

Nhiều doanh nghiệp đầu tư tại Đà Nẵng cho biết họ vẫn đang khổ sở vì các khoản phí không chính thức khi phải thực hiện các thủ tục hành chính.

Theo kết quả khảo sát, dù tỉ lệ DN chi 10% doanh thu cho các loại chi phí không chính thức đã giảm từ 6,86% xuống còn 6,45% nhưng các DN được khảo sát có cảm nhận không mấy khả quan còn chiếm tỉ lệ cao hơn so với năm 2016.

Đáng chú ý, có gần 65% DN cho rằng công việc chỉ được kết quả mong đợi sau khi chi trả chi phí không chính thức, trong đó có hơn 30% nói rằng công việc thường xuyên đạt kết quả tốt nhờ chi phí không chính thức. Điều này phản ánh rõ nhận định của DN về thực trạng một bộ phận cán bộ nhũng nhiễu trong công tác quản lý hành chính hiện nay.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa phát biểu tại buổi gặp mặt.

Theo ông Phạm Bắc Bình, Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa Đà Nẵng, để khắc phục tình trạng này, TP cần tiếp tục quan tâm, cải cách thủ tục hành chính với mục tiêu ba giảm: thủ tục, thời gian và chi phí.

Cạnh đó, ông Bình cho rằng đối với các dự án kêu gọi đầu tư hoặc DN tự đầu tư, TP cần công bố các dự án đầu tư một cách công khai, minh bạch đến từng chi tiết, không úp mở để các nhà đầu tư nắm rõ và tham gia. Đồng thời cần đối xử một cách công bằng đối với tất cả DN, các thành phần kinh tế, không phân biệt đối xử.

“Trong việc tiếp cận nhà đầu tư không gây cản trở, khó khăn hay nhũng nhiễu, đặt vấn đề này nọ làm nản lòng nhà đầu tư. Nếu có thể thì xây dựng cơ chế “một cửa liên thông” trong việc tiếp nhận các dự án đầu tư, phân công rõ trách nhiệm cho một sở hoặc ban, ngành chủ trì chịu trách nhiệm chính trong việc thẩm định, tránh tình trạng nhà đầu tư phải chạy lòng vòng qua nhiều cửa để xin cấp phép” - ông Bình nói.

Ngoài ra, theo ông Bình, cán bộ có quyền lực càng cao thì tính gương mẫu và trách nhiệm giải quyết đối với DN phải càng lớn. Do đó cần có nhiều biện pháp thông qua các phản ánh khách quan của DN và công luận để phát hiện những hành vi vòi vĩnh gây khó khăn cho DN nhằm đòi hỏi các chi phí không chính thức.

Bí thư, chủ tịch không biết thì việc chưa xong?

Ghi nhận đóng góp của DN, ông Huỳnh Đức Thơ, Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng, cho rằng tình trạng DN phải chi thêm các khoản chi phí không chính thức khi làm thủ tục, giấy tờ là có thực.

“Ví như cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chẳng hạn. Người ta quy định 15, 20 ngày là xong tùy theo mức độ, địa bàn. Tuy nhiên, anh nào muốn lấy thật nhanh thì chạy tới bám sát mấy cán bộ thi hành công vụ đó đưa 5 triệu, 10 triệu đồng. Còn những anh không đưa tiền, đúng hẹn tới lấy thì họ lại trả lời là chưa xong, chờ thêm thời gian nữa. Cái này là rất phổ biến…” - ông cho hay.

Chủ tịch Đà Nẵng cho biết những khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp ít khi được các ban, ngành chủ động đề xuất lên lãnh đạo TP.

Chủ tịch Đà Nẵng cũng đề nghị các DN tiếp tục mạnh dạn, thẳng thắn nêu ra những vướng mắc để cùng lãnh đạo TP trao đổi, đưa ra các giải pháp tháo gỡ kịp thời. Đồng thời cho rằng vai trò của các sở, ban, ngành khi tiếp nhận, giải quyết những khó khăn của DN là chưa hiệu quả.

“Có một điều tôi thấy lạ là những khó khăn, vướng mắc của DN rất ít khi được các ban, ngành chủ động đề xuất lên lãnh đạo TP. Chỉ đến khi đơn, thư của DN gửi lên, chúng tôi bắt báo cáo thì mới lòi ra là vướng chỗ này, khó chỗ kia. Việc tổng hợp phải là ở chỗ sở, ban, ngành. Các anh phải tổng hợp, phân tích, xử lý ngay, nếu có bất cập phải báo cáo liền. Mà báo cáo là phải trên cơ sở đề xuất hướng giải quyết như thế nào chứ không phải mỗi báo cáo là xong” - ông Thơ nhấn mạnh.

Nói về việc này, Bí thư Thành Ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa cho biết chỉ khi nào cấp sở giải quyết được các vướng mắc cho DN, không phải mang lên lãnh đạo TP thì PCI của TP mới xứng đáng xếp thứ nhất, thứ nhì. Tuyệt đối không để xảy ra tình trạng bí thư không biết, chủ tịch không biết thì việc không xong.

“Chủ tịch cần đủ nhạy bén, bản lĩnh để nhận ra ông này, ông kia ba lần giải quyết không đúng với chức trách, nhiệm vụ thì phải có đề xuất nhất định để “gạt” cái ông ta ra khỏi vị trí đó. Chứ bây giờ cả TP mà lại phụ thuộc vào một ông giám đốc sở thì hỏng rồi. Chỉ khi nào chúng ta mạnh dạn như thế thì mới được. Trách nhiệm phải đặt cho đúng chứ không lại toàn nghĩ là việc của người khác” - Bí thư lưu ý thêm. 

                

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm