Ngày 25-12, bà Huỳnh Thị Thanh Phương, Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương, cho biết đã thống nhất dự kiến phương án sắp xếp tổ chức bộ máy các cơ quan chuyên môn trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Theo bà Phương, để đảm bảo thống nhất, đồng bộ trong hệ thống tổ chức của các hội từ trung ương đến địa phương, hiện Bình Dương đang theo dõi sát định hướng của Ban Chỉ đạo Trung ương và định hướng của các Hội do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ ở Trung ương để xây dựng phương án phù hợp.
Theo phương án sắp xếp, toàn tỉnh Bình Dương sẽ giảm được 5/20 sở, ngành (chiếm 25%); giảm được 9/56 phòng thuộc sở (chiếm 16%); giảm được 18/108 phòng cấp huyện (chiếm 16,7%). Số lượng nhân sự sẽ được sắp xếp hợp lý theo chỉ đạo của Trung ương, phù hợp với từng trường hợp cụ thể khi có đề án chính thức.
Hiện tại, các nội dung sắp xếp tổ chức bộ máy của Bình Dương cũng đang ở giai đoạn hoàn chỉnh dự thảo phương án, hồ sơ, đảm bảo theo yêu cầu tiến độ của Ban Chỉ đạo Trung ương.
Bà Phương nhấn mạnh sau sắp xếp, đảm bảo bộ máy mới đi vào hoạt động ngay, không ngắt quãng công việc, không để trống lĩnh vực; không để ảnh hưởng đến các hoạt động bình thường của xã hội, của người dân...
Cũng theo Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ báo cáo Trung ương phương án sắp xếp các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, UBND cấp huyện. Sau khi có chủ trương, Bình Dương sẽ xây dựng Đề án sắp xếp tổ chức bộ máy theo quy định.
Đáng chú ý, theo bà Huỳnh Thị Thanh Phương, trong lần sắp xếp này, Ban Thường vụ, Thường trực Tỉnh ủy ghi nhận và rất hoan nghênh tinh thần tự nguyện xin nghỉ hưu trước tuổi của các lãnh đạo cấp tỉnh, các cơ quan, đơn vị và địa phương cấp huyện, cấp xã, góp phần cho công tác chuẩn bị nhân sự đại hội Đảng bộ các cấp, sắp xếp tinh gọn tổ chức bộ máy hệ thống chính trị tỉnh Bình Dương theo Nghị quyết 18.
Bên cạnh đó, trong thời gian tới, Bình Dương sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể để sắp xếp, tổ chức lại đơn vị sự nghiệp công lập giai đoạn 2025-2030 theo đúng tinh thần chỉ đạo của Trung ương.
Cụ thể, thu gọn đầu mối các đơn vị báo chí, văn hóa, thông tin; cơ cấu lại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp hoạt động không hiệu quả.
Đối với các sở, ngành thuộc UBND tỉnh Bình Dương
(1) Hợp nhất Sở KH&ĐT và Sở Tài chính (tên dự kiến là Sở Kinh tế - Tài chính)
(2) Hợp nhất Sở GTVT và Sở Xây dựng (tên dự kiến là Sở Xây dựng và Giao thông)
(3) Hợp nhất Sở TN&MT và Sở NN&PTNT (tên dự kiến là Sở Nông nghiệp và Môi trường)
(4) Hợp nhất Sở TT&TT và Sở KH&CN (tên dự kiến là Sở Khoa học, Công nghệ và Truyền thông)
(5) Hợp nhất Sở LĐ-TB&XH và Sở Nội vụ (tên dự kiến là Sở Nội vụ và Lao động), chuyển một số chức năng quản lý nhà nước về Sở GD&ĐT, Sở Y tế.
Đồng thời chuyển chức năng tham mưu công tác dân tộc từ Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh về Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ, tổ chức lại thành Ban Dân tộc – Tôn giáo để thực hiện chức năng quản lý nhà nước về công tác dân tộc, tôn giáo và giảm nghèo.
(6) Sở Công Thương sẽ tiếp nhận nguyên trạng Cục Quản lý thị trường từ Bộ Công thương và tổ chức lại thành Chi cục Quản lý thị trường thuộc Sở Công Thương.
Đối với cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp huyện
(1) Hợp nhất Phòng LĐ-TB&XH và Phòng Nội vụ cấp huyện (tên dự kiến là Phòng Nội vụ và Lao động), chuyển một số chức năng về Phòng Giáo dục và Đào tạo và Phòng Y tế cấp huyện.
(2) Thành lập Phòng Kinh tế, Hạ tầng và Đô thị trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ tham mưu quản lý nhà nước về xây dựng, giao thông, công thương trên địa bàn cấp huyện từ Phòng Kinh tế và Phòng Quản lý đô thị hiện nay.
(3) Thành lập Phòng Văn hóa, Khoa học và Thông tin trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Văn hóa – Thông tin và chức năng, nhiệm vụ về khoa học và công nghệ từ Phòng Kinh tế hiện nay.
(4) Thành lập Phòng Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ của Phòng Tài nguyên và Môi trường và chức năng, nhiệm vụ về nông nghiệp và phát triển nông thôn, phòng, chống thiên tai từ Phòng Kinh tế hiện nay.