Trong cuộc phản công đã bắt đầu từ hai tháng trước, Ukraine đã cố gắng ứng dụng lối đánh của phương Tây - kết hợp tấn công bộ binh, pháo binh, xe bọc thép và không quân để chọc thủng hàng phòng thủ dày đặc của Nga.
Tuy vậy, lực lượng không quân của Ukraine vốn không đủ nhiều và mạnh để tấn công cũng như hỗ trợ các cánh quân khác phá vỡ hệ thống phòng thủ Nga.
Chính vì vậy, Ukraine liên tục kêu gọi phương Tây, đặc biệt là Mỹ, gửi chiến đấu cơ F-16. F-16 được đánh giá sẽ là sức mạnh không quân đáng kể - một "trụ cột" trong chiến thuật tấn công mà phương Tây đã huấn luyện Ukraine.
Sau 1 năm chiến sự, vào tháng 5 vừa qua, chính quyền Tổng thống Mỹ Joe Biden mới “bật đèn xanh” cho các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) gửi chiến đấu cơ F-16 cho Kiev.
Bên lề Hội nghị Thượng đỉnh NATO tại Lithuania hồi tháng 7, các quan chức NATO cho biết Hà Lan và Đan Mạch sẽ dẫn đầu 11 nước thuộc liên minh huấn luyện các phi công Ukraine lái F-16 vào tháng 8 này tại Đan Mạch, theo hãng tin Reuters.
Tuy nhiên, quá trình huấn luyện và chuyển giao F-16 cho Ukraine sẽ mất không ít thời gian.
Cuộc phản công của Kiev sẽ thế nào với 2 kịch bản có và không có F-16?
Có F-16 thì Ukraine sẽ chiến thắng
Ông Philip M. Breedlove - Tướng Không quân Mỹ đã nghỉ hưu và cũng là nguyên chỉ huy NATO - cho rằng Ukraine có thể giành chiến thắng mà không cần chiến đấu cơ F-16, theo tờ The New York Times.
Máy bay chiến đấu F-16 của Không quân Hà Lan bay trên không phận Hà Lan vào tháng 7. Ảnh: REUTERS |
Theo ông Breedlove, lực lượng Ukraine sẽ được lợi lớn khi học và triển khai chiến thuật kết hợp vũ trang của phương Tây, vốn là xương sống của chiến tranh mặt đất hiện đại, vì chiến thuật này sẽ được áp dụng trong nhiều giai đoạn khác nhau của cuộc chiến.
“Nếu quý vị muốn Ukraine chiến đấu như chúng ta chiến đấu, thì Ukraine phải có những công cụ mà chúng ta có, nhưng ta lại không trao cho họ những công cụ đó (F-16)” - ông Breedlove nêu ý kiến.
Một số chuyên gia quân sự khác cho rằng việc thiếu sức mạnh không quân đã khiến Ukraine bất lợi trước các trực thăng tấn công Nga khi các trực thăng được trang bị tên lửa chống tăng này phá hủy nhiều xe tăng và bọc thép Ukraine.
Đại tá Markus Reisner, người giám sát việc phát triển lực lượng tại Học viện huấn luyện quân sự Áo, cho rằng nếu có nhiều máy bay chiến đấu hơn, Ukraine có thể bảo vệ tốt hơn lực lượng bộ binh của mình trước những cuộc tấn công bằng trực thăng của Nga, theo The New York Times.
“Đây là mục đích của việc có F-16… Theo logic quân sự, bạn phải có ưu thế trên không để tiến hành các chiến dịch trên bộ thành công. Một số tướng Mỹ nói rằng: 'Chà, đó không phải là điều người Ukraine cần vào lúc này’. Tôi nghĩ đó là một tuyên bố chính trị, chứ không phải là một tuyên bố logic về mặt quân sự” - Đại tá Reisner nhận định.
Có F-16 chưa chắc Ukraine thành công
Kể từ khi cuộc chiến bùng nổ vào tháng 2-2022, cả Ukraine và Nga - bên có lợi thế áp đảo về không quân, đều không giành được ưu thế trên không.
Vào thời điểm bắt đầu cuộc chiến, Nga có số lượng máy bay chiến đấu nhiều gấp 10 lần so với Ukraine, là 772 chiếc so với 69, bao gồm một số chiến đấu cơ rất tiên tiến, theo trang Chỉ số Hỏa lực Toàn cầu (GlobalFirepower).
Tuy nhiên, sau 18 tháng chiến sự, cả hai bên đều dựa vào pháo binh, máy bay không người lái (UAV) và tên lửa tầm xa để tấn công.
Lý do là cả hai bên có những hệ thống phòng không “khủng”, như Ukraine có tên lửa Patriot còn Nga có hệ thống phòng không S-400, ngăn cản lẫn nhau mở các cuộc không kích gần hoặc sau chiến tuyến bằng chiến đấu cơ có phi công điều khiển.
Phương tiện quân sự Ukraine bị phá hủy ở làng Pravdyne, tỉnh Kherson hồi tháng 1. Ảnh: THE NEW YORK TIMES |
Hiện tại, cách tác chiến của Ukraine trong phần lớn trường hợp là các phi công Ukraine lái những chiếc máy bay chiến đấu MiG và Sukhoi thời Liên Xô rất cẩn thận, không đến quá gần mục tiêu hoặc bay trên không quá lâu để tránh trở thành mục tiêu cho Nga.
Chiến đấu cơ Ukraine chỉ tiếp cận gần hết mức có thể và sau đó bắn tên lửa, bao gồm tên lửa tầm xa do Anh và Pháp cung cấp gần đây, vào các mục tiêu Nga, như kho nhiên liệu và đạn dược rồi lao đi.
Trước hạn chế đó, một quan chức Mỹ đề nghị không nêu tên cho biết không rõ liệu các lực lượng của Ukraine có thể hỗ trợ cho bộ binh ngay cả khi họ có F-16 hay không.
Ông Douglas Barrie, chuyên gia hàng không vũ trụ quân sự tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (Anh), cho rằng nếu phương Tây chỉ cung cấp số lượng ít máy bay F-16 thì Ukraine sẽ không thể tạo ra nhiều khác biệt trong cuộc chiến.
Ukraine sẽ điều chỉnh lối đánh
Chiến đấu theo lối phối hợp các cánh quân phương Tây mà không có một trong các yếu tố, như sức mạnh không quân, có thể buộc lực lượng Ukraine phải điều chỉnh lối đánh.
Đại tá đã nghỉ hưu Steve Boylan - cựu phi công và là cựu phát ngôn viên của Trung tâm phối hợp vũ trang của của quân đội Mỹ ở căn cứ Fort Leavenworth - cho rằng có thể Ukraine sẽ lấy hướng dẫn, huấn luyện và chiến thuật phương Tây làm nền tảng và điều chỉnh phương pháp sao cho phù hợp nhất với tình hình quân Ukraine hiện tại.
Sau khi Ukraine chịu tổn thất nặng nề đầu tiên trong cuộc phản công khi tác chiến theo cách phối hợp vũ trang của phương Tây, nhiều chỉ huy Ukraine đã từ bỏ lối đánh này, quay trở lại chiến thuật dội pháo và tên lửa để bào mòn khả năng chiến đấu của Nga.