Đã huấn luyện lính Ukraine nhưng phương Tây vẫn ‘bất lực’ đưa chiến thuật mới vào chiến trường?

(PLO)-  Dù đã được phương Tây đào tạo, các đội quân Ukraine vẫn theo lối đánh cũ, không dùng chiến thuật mới do Mỹ và đồng minh huấn luyện.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trong những tuần đầu tiên phản công, lực lượng Ukraine đã vấp không ít khó khăn. Dù một số đội quân của Ukraine đã được Mỹ và các đồng minh phương Tây huấn luyện và trang bị vũ khí hiện đại, nhưng lực lượng này vẫn chật vật với các bãi mìn dày đặc của Nga cộng với hỏa lực liên tục từ pháo binh và trực thăng Nga.

Giờ đây, các lữ đoàn Ukraine do phương Tây đào tạo đang cố gắng làm mọi cách để xoay chuyển tình thế, theo các quan chức Mỹ và các chuyên gia quân sự.

Ukraine quay lại lối đánh cũ

Một số chỉ huy quân đội Ukraine đã thực hiện lại chiến thuật cũ, tập trung vào việc dội pháo và tên lửa tầm xa nhằm tiêu diệt quân Nga như trước đây, thay vì cố gắng băng qua các bãi mìn để chọc thủng phòng tuyển Nga như chiến thuật phương Tây, theo tờ The New York Times.

Trong chương trình huấn luyện lính Ukraine, phương Tây chủ yếu dạy Ukraine cách tấn công thay vì phòng thủ. Trong đó tập trung huấn luyện lính Ukraine triển khai các chiến thuật vũ trang kết hợp, tức là tấn công đồng bộ, kết hợp bộ binh, thiết giáp và pháo binh.

Các quan chức phương Tây cho rằng cách này sẽ hiệu quả hơn so với chiến lược vừa cũ vừa tốn kém là làm tiêu hao lực lượng Nga bằng cách dội pháo vì sẽ khiến kho dự trữ đạn dược Ukraine can kiệt.

Đơn vị súng cối của Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine khai hỏa tại tỉnh Donetsk vào tháng 7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Đơn vị súng cối của Lữ đoàn cơ giới số 24 của Ukraine khai hỏa tại tỉnh Donetsk vào tháng 7. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Do đó, quyết định thay đổi chiến thuật của Ukraine là một tín hiệu rõ ràng cho thấy niềm hy vọng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) rằng các đội quân Ukraine được trang bị vũ khí hiện đại do phương Tây huấn luyện sẽ đạt được những bước tiến lớn đã không thành hiện thực, ít nhất đến thời điểm hiện tại.

Sau khi đi thăm chiến tuyến, ông Michael Kofman, chuyên gia cao cấp tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế, đánh giá rằng cuộc phản công không thất bại nhưng nó sẽ kéo dài ít nhất đến mùa thu năm nay.

“Vấn đề nằm ở giả định (của phương Tây) rằng với một vài tháng huấn luyện, các đơn vị Ukraine có thể chuyển sang chiến đấu theo cách mà lực lượng Mỹ chiến đấu, để chống lại hàng phòng thủ được chuẩn bị kỹ càng của Nga. Đáng lẽ phương Tây nên suy nghĩ về việc giúp Ukraine chiến đấu một cách tốt nhất theo cách mà trước nay Ukraine đã biết” - theo ông Kofman.

Phương Tây đã hy vọng 9 lữ đoàn Ukraine do phương Tây đào tạo, tức là khoảng 36.000 quân, sẽ cho thấy cách tác chiến của Mỹ vượt trội hơn Nga.

Ukraine ‘bối rối’ với chiến thuật phương Tây

Trong nhiều năm, quân đội Ukraine đã nghiên cứu các chiến thuật phòng thủ khi lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn mở các cuộc tấn công ở miền đông Ukraine. Khi Moscow bắt đầu chiến dịch quân sự đặc biệt vào năm ngoái, quân Ukraine đã triển khai phòng thủ khiến Nga không thể giành được chiến thắng nhanh chóng như Nga đã dự đoán, theo The New York Times.

Ông Colin Kahl - cựu Thứ trưởng Quốc phòng phụ trách Chính sách Mỹ - cho rằng nỗ lực giành lại lãnh thổ của Ukraine “đòi hỏi quân Ukraine phải chiến đấu theo những cách khác nhau” chứ không chỉ là mãi theo lối phòng thủ.

Tuy nhiên, các lữ đoàn Ukraine do phương Tây đào tạo chỉ được huấn luyện vũ trang kết hợp từ 4 đến 6 tuần và các đơn vị đã mắc một số sai lầm khi bắt đầu cuộc phản công vào đầu tháng 6 khiến họ phải rút lui, theo các quan chức và nhà phân tích quân sự Mỹ.

Lính Ukraine ở một vị trí đã giành lại từ tay Nga ở tỉnh Zaporizhia. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Lính Ukraine ở một vị trí đã giành lại từ tay Nga ở tỉnh Zaporizhia. Ảnh: THE NEW YORK TIMES

Các chuyên gia quân sự cho rằng việc vận dụng các chiến thuật mới học được lần đầu tiên luôn là điều rất khó khăn, đặc biệt là khi Nga đang tích cực phòng thủ và dội pháo.

Sau khi ra thăm tiền tuyến Ukraine, ông Rob Lee, chuyên gia về quân sự Nga tại Viện Nghiên cứu Chính sách Đối ngoại (Mỹ) và là một cựu sĩ quan Thủy quân lục chiến Mỹ cho rằng cấp trên Ukraine đã yêu cầu rất cao với lực lượng Ukraine được phương Tây huấn luyện.

“Họ chỉ có một khoảng thời gian ngắn để huấn luyện về thiết bị mới để phối hợp tác chiến các đơn vị, sau đó họ bị đưa vào một trong những tình huống chiến đấu khó khăn nhất” - ông Lee nói.

Tương lai của chiến thuật phương Tây

Một số chuyên gia quân sự cho rằng Ukraine có thể quay trở lại dùng lối đánh của Mỹ nếu nước này chọc thủng được hệ thống phòng thủ kiên cố của Nga.

Tuy nhiên, tấn công khó hơn phòng thủ, như đã được chứng minh vào năm ngoái, khi Nga đã từ bỏ mục tiêu đánh nhanh thắng nhanh để chiếm thủ đô Kiev.

“Tôi không nghĩ họ đang từ bỏ chiến thuật phối hợp vũ trang như phương Tây huấn luyện…Nếu họ vượt qua được tuyến phòng thủ thứ nhất, thứ hai hoặc thứ ba, tôi nghĩ bạn sẽ thấy được chiến thuật kết hợp vũ trang” - ông Philip M. Breedlove, cựu Tư lệnh Đồng minh Tối cao châu Âu nhận định

Tuần trước, Ukraine cũng có một đợt tăng quân ở miền nam nước này. Ukraine tăng cường hai mũi tấn công về phía nam có thể là nhằm vào các thành phố ở tỉnh Zaporizhia là Melitopol và Berdiansk.

Lực lượng được tăng thêm lần này chủ yếu là những người lính do phương Tây huấn luyện theo cách tấn công quy mô nhỏ nhằm xuyên qua hàng phòng thủ Nga.

Các nhà phân tích cũng đang đặt câu hỏi rằng liệu làn sóng tấn công lần thứ hai này, vốn dựa vào các cuộc tấn công của các đơn vị nhỏ hơn như phương Tây huấn luyện, có tạo ra đủ sức mạnh chiến đấu và động lực để cho phép quân đội Ukraine vượt qua hàng phòng ngự của Nga hay không.

Ông Gian Luca Capovin và ông Alexander Stronell, hai nhà phân tích của công ty tình báo an ninh Janes (Anh), cảnh báo rằng chiến lược tấn công bằng các đơn vị nhỏ “rất có khả năng dẫn đến thương vong hàng loạt, tổn thất thiết bị và lợi ích lãnh thổ tối thiểu” cho Ukraine.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm