Nga - Ukraine: Tìm giải pháp hòa bình giữa giao tranh căng thẳng

(PLO)- Cả Nga và Ukraine một mặt duy trì tấn công nhau một mặt vẫn theo đuổi tìm giải pháp hòa bình.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Liên quan xung đột Nga - Ukraine những ngày gần đây có nhiều diễn biến đáng lưu ý cả trên thực địa lẫn ngoại giao. Cả Nga và Ukraine một mặt duy trì tấn công nhau, một mặt vẫn theo đuổi tìm giải pháp hòa bình.

Cả Ukraine lẫn Nga đều bị tấn công

Nga trong ba ngày hứng hai đợt tấn công bằng máy bay không người lái (UAV) mà Nga nghi Ukraine là thủ phạm. Mới nhất ngày 1-8 cả thủ đô Moscow, bán đảo Crimea và cả một số tàu Nga ở Biển Đen cùng bị UAV tấn công, theo đài RT.

Trong số các mục tiêu ở Moscow có một tòa nhà chọc trời vốn bị UAV tấn công hai ngày trước. Nga so sánh vụ tấn công bằng UAV vào Moscow với vụ khủng bố ngày 11-9-2001 vào tòa tháp đôi ở New York (Mỹ).

Nga cáo buộc Ukraine dùng ba chiếc xuồng không người lái “tấn công khủng bố” nhắm vào các tàu vận tải dân sự của Nga đang hướng tới eo biển Bosporus (tây nam Biển Đen). Trước đó cùng ngày, ba UAV được cho của Ukraine tấn công hai tàu tuần tra của Nga tại Biển Đen tên là Sergey Kotov và Vasily Bykov, song Nga ngăn chặn được.

Tòa tháp ở thủ đô Moscow (Nga) bị hư hại vì bị UAV tấn công mà Nga cho rằng Ukraine là thủ phạm. Ảnh: REUTERS

Tòa tháp ở thủ đô Moscow (Nga) bị hư hại vì bị UAV tấn công mà Nga cho rằng Ukraine là thủ phạm. Ảnh: REUTERS

Tại Crimea, Thị trưởng TP Sevastopol Mikhail Razvozhayev cho biết một UAV Ukraine đã bị đánh chặn khi hoạt động trên bán đảo này.

Ukraine không nhận trách nhiệm cả hai đợt tấn công bằng UAV trong vòng ba ngày. Nga tuyên bố sẽ đáp trả, sẽ tăng oanh tạc cơ sở hạ tầng quân sự của Ukraine.

Tại Ukraine, hãng tin Ukrinform dẫn thông tin từ Bộ Tổng tham mưu quân đội Ukraine cho biết trong ngày 1-8, quân Nga hàng chục lần không kích, nã pháo, tên lửa vào vị trí của các lực lượng Ukraine và các khu vực đông dân cư, gây nhiều thương vong dân thường. Ukraine nói đã bắn hạ hơn 20 UAV của Nga tấn công vào cảng Danube ở tỉnh Odessa tối 1-8, tuy nhiên, một phần hạ tầng cảng bị hư hại.

Nga tăng tần suất tấn công các tỉnh miền Đông như Kharkiv, Donetsk, tỉnh Luhansk, theo Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Ukraine Hanna Maliar. Trong ngày 1-8, Ukraine phát cảnh báo trên không toàn bộ lãnh thổ sau khi lực lượng phòng không Ukraine quan sát thấy máy bay đánh chặn MiG-31K của Nga cất cánh. MiG-31K có khả năng mang tên lửa đạn đạo tầm xa Kinzhal, có tầm bắn lên tới 2.000 km và bay nhanh gấp 10 lần vận tốc âm thanh.

Quân đội Ukraine từng phải vật lộn với tình trạng thiếu thiết bị đánh chặn tên lửa Kinzhal. Ukraine nhận được của tên lửa Patriot của Mỹ hồi tháng 4. Sang tháng 5, Ukraine tuyên bố hạ được tên lửa Kinzhal đầu tiên với sự trợ giúp của tên lửa Patriot.

Nỗ lực tìm hòa bình

Hiện cả Nga và Ukraine đang tăng cường tương tác các nước, nỗ lực thu hút sự ủng hộ từ các đồng minh.

Giới quan sát đang hướng tới hội nghị dự kiến diễn ra ở Saudi Arabia cuối tuần này nhằm tìm kiếm hòa bình cho Ukraine, thông tin được đưa trên tờ Wall Street Journal.

Dự kiến có 30 nước tham gia, chủ yếu phương Tây (Mỹ, Anh, EU…) và một số quốc gia đang phát triển (Ấn Độ, Nam Phi, Brazil…). Đài CNN cho biết tham dự phía Mỹ có cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan.

“Chúng tôi không ủng hộ bất kỳ và tất cả cuộc tấn công vào các cơ sở dân sự và chúng tôi muốn chúng dừng lại” - ông Farhan Haq, phó phát ngôn viên của Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres lên án loạt tấn công bằng UAV vào Moscow, ngày 1-8, theo RT.

Lý do Saudi Arabia được chọn làm nơi tổ chức một phần vì mối quan hệ của nước này với Trung Quốc, theo CNN. Mỹ gần đây công khai khuyến khích Trung Quốc đóng vai trò xây dựng hơn trong việc giải quyết cuộc chiến Ukraine. Tuy nhiên theo CNN, Trung Quốc dự kiến không tham dự. Nga cũng cho biết không tham gia.

Theo Wall Street Journal, hội nghị được thiết kế nhằm tập trung sự ủng hộ quốc tế với một thỏa thuận hòa bình, có lợi cho lập trường của Ukraine. Các đồng minh phương Tây của Ukraine như Mỹ có thể sẽ cố gắng thuyết phục các nước như Ấn Độ và Brazil ủng hộ kế hoạch hòa bình của Ukraine.

Ukraine hy vọng nhân hội nghị này chia sẻ các nguyên tắc nhằm chấm dứt chiến tranh và muốn có một thượng đỉnh về hòa bình vào cuối năm nay với sự tham gia các lãnh đạo toàn cầu để ủng hộ các nguyên tắc đó.

Điện Kremlin cho biết Nga sẽ theo dõi hội nghị, đánh giá khả năng của một “giải pháp hòa bình”. Bên cạnh đó, Bộ Ngoại giao Nga cho biết sẽ tiếp tục thảo luận với Trung Quốc, Brazil và các nước châu Phi về khả năng giải quyết hòa bình ở Ukraine, theo hãng tin RIA Novosti.

Nhiều chuyên gia cho rằng hội nghị hòa bình ở Saudi Arabia sẽ không mang lại “kết thúc ngoại giao” cho cuộc chiến Ukraine. Nói với Newsweek đầu tuần này, GS Javed Ali tại ĐH Michigan (Mỹ) và là cựu giám đốc cấp cao về chống khủng bố tại Hội đồng An ninh Quốc gia Mỹ cho rằng việc Nga không tham gia hội nghị là “hạn chế nghiêm trọng”.

“Cả Nga và Ukraine đều không muốn tham gia nghiêm túc vào các cuộc đàm phán hòa bình ở Saudi Arabia hoặc bất kỳ nơi nào khác, cho đến khi mỗi bên tin rằng họ đã đạt được nhiều thành tựu hơn trên chiến trường và củng cố sự ủng hộ chính trị với bất kỳ sáng kiến nào” - theo GS Ali.

Bản thân Nga cũng khẳng định rằng thời điểm này Moscow không thấy có cơ sở nào để đàm phán hòa bình với Kiev. Các quan chức Ukraine cũng nói sẽ không tham gia đàm phán với Nga trong khi Nga vẫn đang nắm giữ 1/5 lãnh thổ Ukraine.

Hiện cả hai bên vẫn bác yêu cầu của đối phương để kết thúc chiến tranh. Ukraine khẳng định điều kiện đàm phán tiên quyết phải không có sự hiện diện của Nga trên lãnh thổ Ukraine. Trong khi đó, Moscow yêu cầu chủ quyền với các phần lãnh thổ mà nước này coi là thuộc về Nga theo lịch sử.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã vạch ra một kế hoạch hòa bình gồm 10 điểm, trong đó có khôi phục toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, yêu cầu quân đội Nga rút hoàn toàn, đảm bảo Nga phải chịu trách nhiệm về cuộc chiến. Nga bác kế hoạch này.•

Mỹ: Nga đang nóng lòng quay lại thỏa thuận ngũ cốc

Theo bà Linda Thomas-Greenfield, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc (LHQ), ngày 1-8, Nga có thể đang nóng lòng quay lại Sáng kiến Ngũ cốc Biển Đen.

Sau một năm có hiệu lực, thỏa thuận ngũ cốc bị hủy bỏ ngày 17-7 sau khi Nga tuyên bố rút. Nga phàn nàn rằng việc xuất khẩu ngũ cốc và phân bón của mình bị cản trở vì các giới hạn về bảo hiểm, thanh toán và hậu cần, dù hoạt động này không nằm trong các lệnh trừng phạt của Mỹ và các đồng minh.

Ukraine đang tìm kiếm những cách khác để xuất khẩu thực phẩm nhưng tốn kém hơn. Nga cũng bị cắt giảm cơ hội xuất khẩu ngũ cốc và phân bón.

Theo vị đại sứ Mỹ, “để đưa những sản phẩm đó (nông nghiệp) ra thị trường quốc tế và hoàn thành các giao dịch nông nghiệp, họ sẽ phải quay lại với thỏa thuận này” và “chúng tôi sẽ chờ xem liệu điều đó có thực sự xảy ra hay không”.

LHQ và Thổ Nhĩ Kỳ cố gắng khởi động lại thỏa thuận, được coi là rất quan trọng để ngăn chặn một cuộc khủng hoảng lương thực toàn cầu.

Ngày 1-8, người phát ngôn điện Kremlin Dmitry Peskov nói với RIA Novosti rằng “Moscow sẵn sàng quay lại thỏa thuận ngũ cốc mà không chậm trễ nhưng sau khi các điều kiện đối với Nga được đáp ứng”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm