Philippines gặp bất lợi trong cuộc chiến David – Goliath ở Biển Đông trên mọi phương diện: thiếu khả năng bảo vệ các yêu sách chủ quyền của mình chống lại sự xâm phạm liên tục; các yêu sách dựa trên những cơ sở pháp lý yếu ớt; bạn bè, đồng minh không muốn chiến tranh để bảo vệ các yêu sách đó; đối thủ thì hung hãn, xảo quyệt, hùng mạnh.
Mặc dù vậy, Manila vẫn tiến bước rất tốt, chủ yếu nhờ phát huy được các mặt mạnh. Sau khi nhận ra tranh chấp với Trung Quốc theo điều kiện của Trung Quốc thì hoàn toàn không phải là tranh chấp, Philippines đã đảo ngược tình thế với một chiến lược chủ động nhằm giành những nhượng bộ từ phía Trung Quốc bằng cách buộc hàng xóm to xác này phải lựa chọn giữa các yêu sách riêng biệt về biển với mối quan tâm chiến lược lâu dài đối với sự ổn định trong khu vực.
Ảnh minh họa. |
Ban đầu, Manila chủ yếu có các nỗ lực thay đổi hiện trạng và quốc tế hóa xung đột. Tuy nhiên, với mỗi bước của Philippines, Trung Quốc đều phản đòn với lực lượng trên biển lớn hơn và thế lực chính trị thế giới mạnh hơn. Cuối cùng, Philippines đã quay sang vận dụng lớp thứ ba trong chiến lược chủ động của mình – luật pháp quốc tế.
Mặc dù cơ sở pháp lý của Philippines không thật vững, nhưng họ đã tiến hành một cuộc vận động toàn diện chống lại Bắc Kinh dựa trên luật pháp quốc tế. Cuộc vận động này xoay quanh vụ kiện Trung Quốc ra tòa trọng tài quốc tế theo Công ước LHQ về Luật Biển (UNCLOS) vào tháng 1.2013. Vụ kiện ít nhất cho đến nay đã dồn đối thủ lớn hơn vào góc một cách thành công dù nó cũng đặt ra những câu hỏi chưa được giải đáp về chiều hướng vận động thiếu ổn định trong khu vực.
Hãy nhìn vào so sánh lực lượng
Trên nhiều phương diện, Philippines lâm vào thế yếu trong tranh chấp ở Biển Đông. Giống Trung Quốc, Philippines cũng đối mặt với thế lưỡng nan chiến lược. Một mặt, nước này muốn tăng cường kiểm soát đối với vùng biển họ nêu đòi chủ quyền. Tham vọng này được củng cố bởi chủ nghĩa dân tộc sục sôi trong nước không chấp nhận bất kỳ nhượng bộ nào từ phía chính phủ Philippines hoặc mọi sự lấn át từ các nước khác. Mặt khác, Manila cũng phải mở rộng mạng lưới quan hệ trong khu vực, nhất là với ASEAN, Trung Quốc, Mỹ.
Không dễ cho Philippines duy trì quan hệ thân thiện với các nước đối thủ ở Biển Đông với những yêu sách pháp lý mạnh hơn nhiều. Thậm chí khó hơn cho Philippines muốn phát triển mối quan hệ với một nước thì sẽ đụng đến nước khác, khi mà giữa các nước láng giềng của Philippines diễn ra cuộc cạnh tranh người thắng kẻ thua.
Trong quan hệ với Trung Quốc, Philippines càng gặp nhiều khó khăn. Trung Quốc có tham vọng lớn nhất trong việc kiểm soát Biển Đông. Thế nhưng, đây lại là một trong những đối tác thương mại lớn nhất của Manila, cho dù Philippines ít phụ thuộc vào Trung Quốc hơn các nước khác. Gần đây, Trung Quốc đã từng sử dụng lợi thế kinh tế để tỏ thái độ không hài lòng với Philippines, chẳng hạn trong thời gian diễn ra đụng độ tại bãi cạn Scarborough, Trung Quốc đã đình chỉ nhập khẩu chuối từ Philippines, ngưng các chuyến tham quan du lịch.
Quan trọng hơn, hải quân Philippines yếu hơn hải quân Trung Quốc. Nếu có xung đột vũ trang, nhẹ thì có thể nói hải quân Philippines sẽ rất khó khăn; còn đánh giá khách quan là vô vọng. Khoảng cách tương tự cũng tồn tại giữa lực lượng chấp pháp dân sự trên biển của hai nước. Khi căng thẳng diễn ra, có những ý kiến ở Trung Quốc không ngại ngần chỉ thẳng ra thế yếu về quân sự của Philippines. Trong thời gian diễn ra vụ bãi cạn Scarborough, tướng Trung Quốc Luo Yuan châm biếm: “Hãy nhìn vào so sánh lực lượng giữa Trung Quốc và Philippines, rồi nhân dân Philippines hãy đánh giá sự khôn ngoan của chính phủ nước họ khi quyết định đối đầu với Trung Quốc”.
Thậm chí đồng minh của Philippines không phải lúc nào cũng đáng tin cậy. Trong những năm gần đây, Manila đã củng cố mối quan hệ với Washington do lo ngại trước mối đe dọa từ Trung Quốc ngày càng tăng. Nhưng dù đã cố gắng, Philippines vẫn chưa thuyết phục được Mỹ làm rõ phạm vi hiệp ước tương trợ quốc phòng, nhất là áp dụng nó đến đâu đối với các vấn đề tranh chấp ở Biển Đông. Philippines cũng lo ngại mặc dù trên nguyên tắc Mỹ đã cam kết xoay trục sang châu Á, nhưng có thể chưa thực hiện được vì những rào cản về ngân sách trong nước.
Như thế Philippines tự thấy mình ở thế bất lợi về chiến lược. Philippines can dự vào tranh chấp lãnh thổ với những nước có yêu sách pháp lý mạnh hơn. Đối thủ chính của Philippines có nền kinh tế đứng thứ hai trên thế giới, có nguồn lực hải quân vượt trội rất nhiều, thể hiện sự quyết đoán và thâm hiểm trong việc theo đuổi các đòi hỏi của mình. Đối chọi lại, Philippines chỉ có những mối quan hệ không được vững chắc lắm (có vẻ như đang được củng cố) với các cường quốc như Mỹ và Nhật.
Ứng phó chiến lược của Philippines: bây giờ hoặc không bao giờ
Mặc dù ở thế yếu như vậy, nhưng Philippines đã và đang chơi ván cờ rất tốt. Trước hết, Philippines xác định rõ mục tiêu: giải quyết nhanh chóng tranh chấp với những điều kiện tốt nhất có thể. Khác với Trung Quốc, Philippines không hề muốn dây dưa vụ việc. Đối thủ lớn nhất của họ lớn mạnh hơn từng năm, do đó Philippines có thể không còn dựa được vào các nước bạn bè và đồng minh, nhất là Mỹ trong dài hạn.
Philippines cũng có thể giải quyết tranh chấp trong ngắn hạn vì thế lưỡng nan chiến lược của họ không gay cấn như đối với Trung Quốc trên nhiều phương diện. Philippines cũng phải lựa chọn giữa hòa bình khu vực và chủ quyền. Nhưng khác với Trung Quốc, phát triển dài hạn của Philippines không phụ thuộc quá nhiều vào mối quan hệ ràng buộc trong khu vực.
Nếu xảy ra xung đột lớn trong khu vực, Philippines vẫn còn có thể buôn bán với các đối tác thương mại lớn nhất là Mỹ và Nhật. Philippines có thể gặp khó khăn nếu quan hệ thương mại với Trung Quốc gián đoạn, nhưng điều đó không đến nỗi chết người đối với nền kinh tế nước này. Trên thực tế, Philippines đã thể hiện ý chí sẵn sàng đối mặt với trừng phạt kinh tế (có giới hạn) của Trung Quốc trong thời gian diễn ra vụ bãi cạn Scarborough.
Thái độ sẵn sàng gánh chịu tổn thất ngắn hạn này cho phép Philippines khai thác thế lưỡng nan chiến lược của Trung Quốc. Manila nhận thức được rằng Trung Quốc quyết chí đòi hỏi các yêu sách chủ quyền lãnh thổ và yêu sách biển, nhưng cũng biết Trung Quốc đang bị ràng buộc bởi sự phụ thuộc vào toàn cầu hóa và các điều kiện tiên quyết của quá trình này, bởi sự ổn định khu vực.
Có thể là Trung Quốc muốn kiểm soát Biển Đông, nhưng nước này còn có các tham vọng toàn cầu lớn hơn đòi hỏi một môi trường phát triển ổn định. Chiến lược của Philippines đơn giản: đưa hai mục tiêu của Trung Quốc là Biển Đông và tăng trưởng dài hạn vào thế đối chọi với nhau, sau đó xoáy vào thực tế là Trung Quốc quan tâm hơn đến tăng trưởng dài hạn so với Biển Đông.
Trên thực tế, Manila thực thi chiến lược này bằng cách thể hiện thế chủ động, thậm chí đối đầu trong giải quyết tranh chấp. Philippines hy vọng nhận được sự nhượng bộ thông qua việc đẩy xung đột theo cách thức mà Trung Quốc không muốn theo vì sợ làm tổn hại đến tăng trưởng chiến lược. David cố tình chọc tức Goliath, đồng thời hy vọng những điểm mạnh hoặc các lợi ích chiến lược của Goliath sẽ ngăn cản nó ra tay.
Chiến lược này cũng nhằm biến điểm yếu nhất của Philippines – tương quan lực lượng quân sự so với Trung Quốc – thành điểm mạnh. Philippines tính toán rằng, bất kỳ hành động hung hăng nào của Trung Quốc sẽ mang lại lợi thế cho Philippines trên bình diện quốc tế, vì lúc đó Trung Quốc sẽ mang tiếng xấu là đánh anh hàng xóm yếu hơn. Trong mắt cộng đồng quốc tế, tại sao Philippines lại khởi xướng cuộc chiến làm gì nếu biết chắc là thua? Kết quả là Manila có thể làm căng mà vẫn an toàn; Bắc Kinh luôn giống như kẻ hay bắt nạt người khác mỗi lần phản ứng lại.
Philippines thực thi chiến lược này bằng ba chiến thuật: Một là thay đổi hiện trạng bằng những sự việc đã rồi; hai là quốc tế hóa tranh chấp; ba là sử dụng luật pháp quốc tế.
Trước hết, Philippines dựa nhiều vào việc kết hợp giữa khai thác tài nguyên biển với mua sắm vũ khí để thay đổi hiện trạng chiến lược qua những sự việc đã rồi. Manila khuyến khích ngư dân của mình ra khơi xa, thậm chí vào sâu trong các vùng biển đang tranh chấp. Nước này cũng lập kế hoạch và khoan dầu, khí tại các khu vực đó.
Philippines cũng mua sắm vũ khí của Mỹ và Nhật để tăng cường năng lực cho hải quân và cảnh sát biển. Philippines cũng cho thấy không ngại sử dụng các lực lượng này để bắt giữ hoặc truy đuổi hàng trăm ngư dân Trung Quốc trong các vùng biển tranh chấp. Chỉ mới cách đây không lâu, Manila đã bắt giữ 11 ngư dân Trung Quốc gần quần đảo Trường Sa và sẽ truy tố 9 người vì tội đánh bắt trái phép rùa biển.
Bên cạnh đó, Philippines cố gắng quốc tế hóa tranh chấp bằng cách mời các bên khác để chế ngự Trung Quốc, tăng lợi thế của mình. Ví dụ, Philippines mở rộng và tăng cường mối quan hệ với các đối thủ của Bắc Kinh như Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia; dùng hydrocacbon ở biển để lôi kéo Nga và Ấn Độ vào khu vực.
Manila dĩ nhiên không quên quan hệ với Mỹ, hai nước mới đây đã đạt thỏa thuận mới về an ninh cho phép các lực lượng quân sự của Mỹ tiếp cận các căn cứ ở Philippines trong các chiến dịch trên biển và cứu trợ nhân đạo. Cuối cùng, Philippines cố gắng tăng cường mối liên kết giữa các nước thành viên ASEAN nhằm thiết lập một mặt trận chung đối phó với Trung Quốc.
Phản ứng của Trung Quốc
Tuy nhiên, Philippines chỉ đạt được thành công hạn chế trong việc thực hiện hai yếu tố đầu của chiến lược chủ động, cụ thể là thay đổi hiện trạng và quốc tế hóa tranh chấp. Một mặt, Philippines đã thành công trong việc chọc giận Trung Quốc, đồng thời tạo ra dư luận rằng Bắc Kinh là kẻ bắt nạt, còn Manila là nạn nhân yếu nhưng không sợ.
Một phần do phản ứng của Trung Quốc đối với Philippines, công luận trong khu vực đã chỉ trích Trung Quốc một cách gay gắt. Cộng đồng quốc tế ngày càng can dự vào tranh chấp khi Philippines và các bên tranh chấp khác liên kết cùng nhau ứng phó với Trung Quốc.
Mặc dù không kiểm soát được công luận khu vực, Bắc Kinh vẫn có lợi thế trên nhiều phương diện ở Biển Đông. Nói một cách thô thiển, chiến lược của Philippines là buộc Trung Quốc lựa chọn giữa đánh mất Biển Đông và đánh mất khu vực. Cho đến nay Trung Quốc tránh phải đối mặt với sự lựa chọn khó khăn này bằng cách ứng phó theo kiểu ăn miếng trả miếng đối với những hành động chọc tức của Philippines là ngăn ngừa sự leo thang.
Chiến lược hăm dọa của Trung Quốc làm mất bạn bè, nhưng nó không đến mức khiến cho ngưng trệ quan hệ thương mại khu vực. Như vậy, trong khi sự căng thẳng tiếp tục tồn tại, Trung Quốc vẫn không bị dồn vào góc như chiến lược của Philippines kỳ vọng.
Tồi tệ hơn, chiến lược của Philippines đã phải trả cái giá đáng kể. Trung Quốc đã đạt được một số thành công ngoạn mục, điển hình là vụ bãi cạn Scarborough. Mặc dù Manila định đẩy Trung Quốc ra khỏi đó, nhưng chịu thất bại, và Trung Quốc càng củng cố lực lượng kiểm soát vùng biển từ đó đến nay.
Phần nào đó Philippines lúng túng trong chiến dịch của mình vì chọn nhầm chiến trường. Trên cả hai phương diện là thay đổi hiện trạng ở Biển Đông và quốc tế hóa tranh chấp, Trung Quốc đều có lợi thế so sánh. Như đã đề cập, các lực lượng chấp pháp trên biển của Trung Quốc có thể dễ dàng đánh bại đối thủ từ Philippines. Đối chọi với lực lượng vượt trội của Trung Quốc, Philippines khó có cơ hội thay đổi hiện trạng.
Tương tự như vậy, Trung Quốc cũng vượt trội Philippines trên trường quốc tế nhờ có các mối quan hệ thương mại rộng khắp. Các nước thường nghe theo khi Bắc Kinh dọa đừng có can dự vào tranh chấp trên Biển Đông nếu không muốn trả giá đắt liên quan đến đầu tư vào Trung Quốc.
Do đó, thậm chí nếu một số nhân tố có lo ngại về hành vi của Trung Quốc, không một ai trong số họ dám bỏ tiền vào nơi mà Trung Quốc đã thò tay vào hoặc dám giảm buôn bán với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới. Trên thực tế, một số hãng dầu mỏ xuyên quốc gia đã quyết định không đầu tư vào Biển Đông sau khi nghe ngóng điều đó sẽ có hại cho các dự án của họ với Trung Quốc.
Như vậy, để chiến lược của mình thành công, Philippines cần thách đấu ở vũ đài mà họ có lợi thế so sánh với Trung Quốc, nơi mà Trung Quốc khó phát huy thế mạnh của mình. Vì thế, Manila đã ngày càng ưu tiên sử dụng nhiều hơn yếu tố thứ ba trong chiến lược của mình – luật pháp quốc tế.
Theo Nguyễn Đức Lam dịch (Daibieunhandan.vn)
(Còn nữa)