Ngày 18-1, tin từ UBND tỉnh Bình Thuận cho biết Văn phòng Chính phủ vừa gửi Thông báo số 01/TB-VPCP, kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về đề nghị điều chỉnh quy hoạch titan sau buổi làm việc với lãnh đạo tỉnh Bình Thuận vào ngày 15-12-2017.
Do khai thác titan vô tội vạ làm vỡ hồ chứa tràn xuống lấp cả mặt đường.
Cụ thể, Phó Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ Công Thương chủ trì phối hợp với Bộ TN&MT, Bộ Xây dựng và các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung rà soát, sớm hoàn tất dự án điều chỉnh quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến và sử dụng quặng tian trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Trong đó việc điều chỉnh cần phải được đánh giá tổng thể các yếu tố liên quan, phù hợp quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh Bình Thuận đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Đồng thời phù hợp tác động biến đổi khí hậu và bảo vệ môi trường, cảnh quan.
Mỗi khu vực khoáng sản titan đưa vào quy hoạch phải được xem xét lợi ích và hiệu quả cụ thể, so sánh lợi thế đầu tư, xem xét tình hình tác động của từng dự án, mức độ ảnh hưởng đến dân sinh, môi trường.
Phó Thủ tướng cũng giao cho Bộ TN&MT chủ trì, phối hợp khẩn trương rà soát, đánh giá các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, trong đó có titan và đề xuất điều chỉnh.
Đối với các dự án điện gió, điện mặt trời, du lịch… có diện tích chồng lấn với khu vực dự trữ khoáng sản hoặc quy hoạch titan 2013 sẽ được xem xét cụ thể sau khi các quy hoạch trên được điều chỉnh.
Đối với các dự án phù hợp với quy hoạch cần triển khai sớm thì các bộ TN&MT, Công Thương và UBND tỉnh Bình Thuận xem xét cụ thể vị trí, thời gian dự án, loại công trình xây dựng để đề xuất, báo cáo Thủ tướng xem xét.
Nhiều doanh nghiệp dùng nước biển để đãi tuyển, khai thác titan.
Phó Thủ tướng cũng giao các bộ Công Thương, TN&MT, NN&PTNT phối hợp giải quyết các kiến nghị của Bình Thuận theo hướng tạo điều kiện để tái cấu trúc nền kinh tế của tỉnh, phù hợp với quy hoạch phát triển kinh tế-xã hội của địa phương; báo cáo Thủ tướng Chính phủ những vấn đề vượt thẩm quyền…
Một chiếc xe jeep bị bùn đỏ lấp.
Năm 2011, Liên đoàn Địa chất Trung Trung bộ thực hiện đề án điều tra theo yêu cầu của Bộ TN&MT, báo cáo Bình Thuận có đến 774 km2 diện tích có chứa quặng titan - zircon với tài nguyên dự báo khoảng 559 triệu tấn (gấp 16 lần so với tổng trữ lượng sa khoáng các tỉnh trong cả nước gộp lại).
Với tổng sản lượng gần 559 triệu tấn, theo một số chuyên gia về khoáng sản của Bộ TN&MT, Bình Thuận là nơi có trữ lượng sa khoáng titan đứng đầu Đông Nam Á, đứng thứ ba trên thế giới. Các chuyên gia này còn khẳng định với trữ lượng titan khổng lồ trên, chỉ tạm tính theo giá thị trường thế giới thì được khoảng 138,87 tỉ USD, một con số khổng lồ quá sức tưởng tượng.
Đến năm 2013, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt quy hoạch phân vùng thăm dò, khai thác, chế biến titan trên địa bàn tỉnh Bình Thuận có 25 khu vực với tổng diện tích đưa vào quy hoạch titan 19.339 ha, chiếm 92% trữ lượng titan cả nước. Chính những báo cáo “bom tấn” và quy hoạch titan này, Bình Thuận ngày càng khổ sở bởi dưới biển, trên bờ đều ô nhiễm do khai thác titan.
Một điểm khai thác titan bằng vít xoắn.
“Cơn bão” titan không chỉ khuấy đảo đời sống của người dân mà còn gây ra những cản lực cho cả sự phát triển về kinh tế-xã hội của Bình Thuận. Hiện tỉnh Bình Thuận có đến 33 dự án đầu tư phát triển kinh tế-xã hội (tổng diện tích 4.576 ha) bị chồng lấn với các khu vực quy hoạch khai thác titan nên không thể triển khai. Đây là các dự án về du lịch, trồng rừng, năng lượng.
Về những con số “bom tấn” trên, trong cuộc tọa đàm, hội thảo về titan tại Bình Thuận, rất nhiều nhà khoa học, nhà quản lý đã chỉ ra đây là những con số “ảo”.
Tỉnh Bình Thuận cũng cho rằng các dự án thăm dò, khai thác titan theo quy hoạch phần lớn nằm dọc ven biển, có địa hình cao so với các dự án, khu dân cư xung quanh, chồng lấn dự án, quy hoạch du lịch, an toàn khu vực mỏ không cao khi đi vào hoạt động, dễ xảy ra các sự cố về môi trường nên gần đây đã liên tục đề xuất, kiến nghị điều chỉnh quy hoạch.