Chính phủ chính thức đề xuất thí điểm về nhân sự, bộ máy... cho TP.HCM

(PLO)- Trong tờ trình gửi Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, dự thảo Nghị quyết đề xuất thành lập Sở An toàn thực phẩm, tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND huyện và phường, xã, thị trấn...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chính phủ vừa có tờ trình gửi Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM (dự thảo nghị quyết thay thế nghị quyết 54).

Đề xuất thànhlập Sở An toàn thực phẩm

Đáng chú ý, liên quan đến cơ chế, chính sách về tổ chức bộ máy của TP, Chính phủ đề nghị thành lập Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm; thanh tra, xử lý vi phạm pháp luật, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm; cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn TP.HCM từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương.

Một góc TP. Thủ Đức

Một góc TP. Thủ Đức

Theo lý giải cho đề xuất trên, Chính phủ cho rằng hiện chưa có các quy định pháp luật dành riêng cho cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm. Một số chức năng, nhiệm vụ như thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm phạm luật về an toàn thực phẩm dự kiến giao cho Sở An toàn thực phẩm được quy định tại các luật: Luật An toàn thực phẩm, Luật Xử lý vi phạm hành chính, Luật Thú y.

Các chức năng này hiện đang được giao cho các cơ quan chuyên môn khác trên địa bàn theo quy định của luật chuyên ngành.

Theo Chính phủ, quá trình triển khai thực hiện thí điểm thành lập Ban An toàn thực phẩm cho thấy việc thành lập Sở An toàn thực phẩm là cần thiết và để thống nhất đầu mối quản lý về an toàn thực phẩm được quy định tại các luật chuyên ngành cho Sở An toàn thực phẩm.

Tăng thêm một Phó Chủ tịch UBND huyện và phường, xã, thị trấn

Một điểm mới đáng chú ý khác, Chính phủ đề xuất tăng từ hai phó chủ tịch UBND huyện và phường, xã, thị trấn theo quy định hiện nay lên ba phó chủ tịch để đảm bảo nguồn nhân lực lãnh đạo, điều hành, tham mưu giúp việc cho Chủ tịch UBND huyện, Chủ tịch UBND phường, xã, thị trấn.

Sở dĩ có đề xuất trên do Thành phố có những đặc điểm đặc thù, như mật độ dân số của TP.HCM là gần 4.300 người/km2, có 48 phường có dân số 80.000 dân trở lên và sáu phường có dân số trên 100.000 dân.

“Để có thêm cán bộ giải quyết công việc đáp ứng yêu cầu về tiến độ, chất lượng thì cần phải bổ sung thêm lãnh đạo UBND huyện, xã trên địa bàn”- tờ trình nêu rõ.

Ngoài ra Chính phủ cũng nêu thực tế TP.HCM đã phát sinh khó khăn do số lượng cán bộ, công chức cấp xã được phân bố chưa phù hợp với các phường, xã, thị trấn đông dân và có địa hình rộng, tính chất phức tạp và đang trong quá trình đô thị hóa.

Hiện Thành phố thiếu nguồn lực cán bộ, công chức, người hoạt động không chuyên trách tại cơ sở; đồng thời không thể chủ động trong việc bố trí cơ cấu, số lượng đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã để đáp ứng đúng yêu cầu, nhiệm vụ và đặc điểm phức tạp của từng địa bàn.

Do đó, Chính phủ đề xuất dự thảo nghị quyết quy định chính sách phân cấp cho HĐND Thành phố quyết định cơ cấu số lượng cán bộ, công chức tại các phường, xã, thị trấn để tạo tính chủ động trong xây dựng nguồn lực tại cơ sở đáp ứng công tác triển khai các nội dung quản lý nhà nước tại địa phương, thực hiện các hoạt động phát triển kinh tế - xã hội và phục vụ nhân dân.

Về chi thu nhập tăng thêm, dự thảo Nghị quyết quy định chính sách tương tự như nghị quyết cũ TP.HCM đang thực hiện. Để tránh mâu thuẫn với Nghị quyết số 27/2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII quy định về chi thu nhập bình quân tăng thêm không quá 0,8 lần quỹ lương cơ bản, dự thảo nghị quyết quy định chi trả thu nhập tăng thêm 1,8 lần mức lương ngạch bậc, chức vụ cho đến khi cơ quan có thẩm quyền ban hành quy định chế độ tiền lương mới theo Nghị quyết số 27.

Phân cấp, uỷ quyền cho TP. Thủ Đức

Một nội dung đáng chú ý khác, Chính phủ đề nghị quy định phân cấp, ủy quyền một số nhiệm vụ, quyền hạn thuộc thẩm quyền HĐND, UBND, Chủ tịch UBND Thành phố cho HĐND, UBND, Chủ tịch UBND TP. Thủ Đức.

Chính sách này tạo điều kiện cho TP. Thủ Đức chủ động trong giải quyết các thủ tục hành chính, các nội dung công việc thuộc thẩm quyền của HĐND, UBND và Chủ tịch UBND TP.HCM theo quy định.

Cơ chế này cũng tạo ra sự chủ động trong quản lý điều hành, hỗ trợ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, nâng cao hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước của UBND TP. Thủ Đức dưới sự giám sát của HĐND TP. Thủ Đức.

Theo Chính phủ, việc thí điểm các chức năng, nhiệm vụ này tại Thủ Đức là cơ sở để tổng kết, đánh giá xem xét nhân rộng mô hình chính quyền đô thị thành phố thuộc thành phố tại một số địa phương khác trong thời gian tới đây.

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất UBND TP.HCM quyết định thành lập tổ chức bộ máy của Thanh tra xây dựng, Trung tâm Phát triển quỹ đất và Văn phòng đăng ký đất đai trực thuộc UBND TP. Thủ Đức.

Theo Chính phủ, việc thành lập mới các phòng ban chuyên môn thuộc UBND cấp quận, huyện chưa được pháp luật hiện hành quy định. Quá trình hoạt động từ khi thành lập TP. Thủ Đức đến nay cho thấy một số cơ quan như Ban bồi thường, giải phóng mặt bằng; Chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai; Đội Thanh tra trật tự xây dựng trên địa bàn TP. Thủ Đức... cần tổ chức lại với tên gọi, chức năng, nhiệm vụ phù hợp với yêu cầu phát triển Thủ Đức.

Riêng đối với việc thành lập Văn phòng đăng ký đất đai TP. Thủ Đức, Chính phủ dẫn thống kê của TP.HCM cho thấy trong năm 2022, Văn phòng đăng ký đất đai TP. Thủ Đức đã giải quyết hơn 141.000 hồ sơ, trong đó trên 71.000 hồ sơ đúng hạn, đạt tỷ lệ gần 81% hồ sơ cần phải giải quyết. Nguyên nhân của số hồ sơ bị chậm do nguồn nhân lực được bố trí cho Văn phòng đăng ký đất đai TP. Thủ Đức trực thuộc Văn phòng đăng ký đất đai của TP.HCM không đáp ứng yêu cầu của công việc.

Cũng theo Chính phủ, đây chỉ mới là số lượng hồ sơ phục vụ khoảng 1,2 triệu dân trong giai đoạn hiện nay. Theo quy hoạch chung TP. Thủ Đức, đến năm 2030, thành phố này sẽ có 2,2 triệu dân và đến năm 2040 sẽ là ba triệu dân. Do vậy, việc vận hành theo mô hình hiện nay sẽ không đáp ứng được yêu cầu phát triển của thành phố Thủ Đức trong giai đoạn tới.

Từ thực tế trên, Chính phủ đề xuất dự thảo Nghị quyết của Quốc hội quy định thành lập Văn phòng Đăng ký đất đai TP. Thủ Đức để phục vụ tốt nhất cho người dân và doanh nghiệp, đáp ứng nhiệm vụ chính trị quan trọng của Thủ Đức.

Thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP. Thủ Đức

Ngoài ra, Chính phủ cũng đề xuất thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP. Thủ Đức; cơ cấu tổ chức bộ máy, số lượng biên chế của HĐND và UBND TP. Thủ Đức.

Theo tờ trình Chính phủ, bộ máy TP. Thủ Đức đang gánh lượng công việc nhiều, áp lực lớn với đầu mối quản lý 34 đơn vị hành chính cấp phường, 600 cơ sở giáo dục, 154 cơ sở tín ngưỡng, 285 cơ sở tôn giáo. Ngoài ra, trên địa bàn TP. Thủ Đức đã và đang triển khai 300 dự án đầu tư ở các lĩnh vực khác nhau...

UBND TP.HCM nhận thấy cần thiết phải thành lập Ban đô thị thuộc HĐND TP. Thủ Đức để thực hiện công tác giám sát về lĩnh vực đô thị, tăng cường công tác kiểm tra, giám sát.

Đồng thời đề xuất tăng số lượng biên chế đối với cấp phó của HĐND, UBND và các đại biểu chuyên trách của HĐND TP. Thủ Đức nhằm đáp ứng khối lượng công việc của 'thành phố trong thành phố' trực thuộc Trung ương đầu tiên trong cả nước, đáp ứng mục tiêu thành lập TP. Thủ Đức theo Nghị quyết số 1111 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm