Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM về những đột phá mà Chính phủ của tân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cần hướng đến, TS Lưu Bích Hồ, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược phát triển (Bộ KH&ĐT), nói: “Chính phủ phải là chính phủ của hành động! Vì chỉ có điều đó mới thuyết phục được dân chúng, tạo niềm tin để nhân dân cùng chung tay với Chính phủ!”.
Siết bội chi, giảm lãng phí
. Phóng viên: Thưa ông, bối cảnh mà Chính phủ, với rất nhiều thành viên mới, đang phải đối mặt là gì?
+ TS Lưu Bích Hồ: Tình hình kinh tế, xã hội đang gặp nhiều khó khăn. Trong khoảng cuối của nhiệm kỳ này và một vài năm tới, vì nhiều sức ép, những khó khăn này bộc lộ rõ hơn.
Chúng ta còn nhớ khi bắt đầu nhiệm kỳ trước, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng mới nhậm chức, lạm phát bùng lên tới hai con số. Quốc hội và Chính phủ, ngay sau đó, bằng nhiều nghị quyết và chỉ thị, đã điều chỉnh những chỉ số tăng trưởng để làm “nguội” nền kinh tế vốn đang phát triển rất “nóng”. Còn hiện tại, tình hình kinh tế đang “nguội” và chúng ta phải “hâm nóng” lên. Việc này rất khó, đặc biệt là trong bối cảnh nguồn lực của chúng ta đã dần cạn.
Ngân sách, nợ công đang là vấn đề lớn. Chúng ta lại không thể dựa vào bên ngoài nhiều, bởi ngay cả bên ngoài khi muốn đầu tư vào Việt Nam cũng phải xem xét nguồn lực và khả năng sinh lời của nền kinh tế. Ngay trong quý I-2016, hàng chục ngàn doanh nghiệp (DN) “chết”. Vì sao vậy? Vì không có khả năng sinh lời.
. Nhưng Việt Nam đã ký kết Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương - TPP, cũng như nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) với EU, Nhật Bản, Hàn Quốc… trước đó, thưa ông?
+ TPP chưa có hiệu lực và Việt Nam vẫn đang ở vùng trũng của thế giới. Các FTA khác, dù là FTA thế hệ mới, cũng chưa thể có ngay tác dụng.
Như thế, Chính phủ đang ở trong một tình thế khó khăn hơn trước Đại hôi XII rất nhiều, trong khi yêu cầu hiện nay là phải ổn định bộ máy và cần thời gian để bộ máy vận hành trơn tru.
Chính phủ cần quyết liệt cắt giảm ngay các chi phí và thủ tục hành chính đang đè nặng lên người dân và doanh nghiệp, tạo luồng sinh khí, giải phóng sức dân, phát triển doanh nghiệp. Ảnh: HTD
Tình trạng thất nghiệp và thiếu việc làm đang tăng lên và Chính phủ phải tập trung vào chiến lược tạo việc làm. Tuy nhiên, việc làm lại là hệ quả của các yếu tố khác của nền kinh tế như năng lực, vốn, nhu cầu của thị trường… Không thể tạo việc làm bằng mong muốn và ý chí, mà phải bằng chính sách, chiến lược của Chính phủ. Lúc này, Chính phủ phải đề cao hiệu quả bởi những hệ lụy mà hiện nay chúng ta đang gặp phải đều do tính hiệu quả của nền kinh tế thấp, từ đầu tư cho đến những vấn đề khác.
Chính phủ cũng như cả hệ thống chính trị hiện nay phải xử lý một cách quyết liệt, dù không phải một sớm một chiều mà có thể giải quyết được những điểm yếu của nền kinh tế hiện nay. Bộ máy của Chính phủ có những điểm mới và mọi người nên chung tay, góp sức tùy theo cương vị. Chính phủ thì phải hành động, các chuyên gia thì phải nói thẳng, nói thật.
. Nhưng phải có bột mới gột nên hồ. Hiện nay, ngân sách khó khăn, ODA từ năm 2017 có thể bị cắt giảm, nguồn lực vì thế cũng sẽ khó. Vậy Chính phủ lấy gì để hành động, thưa ông?
+ Tôi vẫn tin “cái khó ló cái khôn”. Có một điều tối kỵ đối với những người làm kinh tế đó là phải tiêu những đồng tiền mà mình có, không nên "vung tay quá trán". Nếu có đi vay được thì phải tính đến thời hạn trả nợ. Lâu nay chúng ta không chú ý đến điều này. Ngân sách 2016 như chúng ta thấy phải dành khoảng 24%-25% để trả nợ đến hạn. Bội chi của chúng ta vẫn còn ở mức cao (năm 2015 là 6,1% GDP).
Trong bối cảnh như vậy, Chính phủ hiện nay cần phải rà soát lại các khoản chi tiêu. Việc chi tiêu tiết kiệm, chống lãng phí và tham nhũng phải được thực hiện triệt để như phát biểu của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc sau khi tuyên thệ nhậm chức.
Tạo niềm tin cho người dân, doanh nghiệp
. Vậy theo ông, bộ máy mới của Chính phủ mới phải làm gì?
+ Phải tạo điều kiện tối đa để kinh tế tư nhân phát triển. Văn kiện Đại hội XII cũng thừa nhận: Kinh tế tư nhân là động lực phát triển quan trọng. Nguồn lực nhà nước có thể không còn nhiều nhưng nguồn lực và trí tuệ của nhân dân vẫn còn. Cải cách thể chế để nguồn lực này phát triển là một yêu cầu tất yếu. Những chính sách tốt như hỗ trợ DN nhỏ và vừa cũng đã có, điều quan trọng là thực thi nghiêm túc. Tuy nhiên, tôi cho rằng DN và người dân không cần tiền của Nhà nước, mà chỉ cần một cơ chế thông thoáng, phù hợp với tình hình và thông lệ quốc tế để DN có thể cất cánh. Cụ thể, phải rà soát các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính đang cản trở sự phát triển để kiên quyết loại bỏ.
Trong giai đoạn khó khăn này, nỗ lực của Thủ tướng và những nhân tố mới trong Chính phủ phải tạo được niềm tin cho người dân và DN. Có như vậy, người dân và DN mới có thể chung tay cùng Chính phủ.
.Ông có hy vọng vào một nền kỹ trị không?
+ Điều đó phụ thuộc vào sự thể hiện của các thành viên Chính phủ trong những công việc thực tế. Nếu những thành viên Chính phủ làm tốt nhất công việc của mình đến mức khó có thể thay thế thì khi đó chúng ta có thể hy vọng lớn vào nền kỹ trị. Càng khó khăn thì người có bản lĩnh càng dễ thể hiện năng lực.
. Xin cám ơn ông.
Giảm đầu tư, tăng vai trò thiết kế thể chế phục vụ phát triển Nhà nước phải xác lập lại nhiệm vụ chi trong các lĩnh vực đầu tư. Nhà nước không đầu tư kinh doanh nữa, phải loại ra khỏi tay mình những DN vì lợi nhuận, đặc biệt là trong những lĩnh vực mà tư nhân có thể làm tốt hoặc xã hội có thể đảm nhận đầu tư. Nhà nước chỉ thiết kế cuộc chơi và thu thuế. Ngay cả những dự án hạ tầng, Nhà nước cũng có thể xác lập được những cuộc chơi để tư nhân tham gia trên cơ sở các dự án BOT đúng nghĩa chứ không phải như các dự án BOT vừa qua, vẫn bị lạm dụng, vẫn có lợi ích nhóm… Khi đó, Nhà nước sẽ không còn là Nhà nước đầu tư, chi tiêu nữa mà là Nhà nước hiệu quả. Tức là Nhà nước sẽ tinh gọn nhưng mạnh hơn, hiệu quả hơn. Một điều quan trọng hơn là phải tăng công khai, minh bạch, chống tham nhũng; thiết kế cơ chế thông thoáng để hỗ trợ DN phát triển. Chuyên gia kinh tế NGUYỄN MINH PHONG Tạo luồng sinh khí mới, giải phóng sức dân, doanh nghiệp Trước đây, nhiều vị tư lệnh ngành và người đứng đầu một số địa phương đã không triển khai nghiêm túc chương trình hành động thực hiện cải cách thể chế theo nghị quyết của Chính phủ. Sức nóng và sự thôi thúc của công cuộc cải cách đối với nhiều vấn đề hệ trọng của đất nước đã chưa ra được khỏi phòng họp Chính phủ và khuôn viên của Văn phòng Chính phủ. Để khắc phục tình trạng này, tôi đề nghị Chính phủ nhiệm kỳ mới, trên cơ sở sơ kết tình hình thực hiện Nghị quyết 19, cập nhật nội dung và xây dựng chương trình hành động tổng thể cải cách thể chế, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia cho cả nhiệm kỳ năm năm (2016-2020) trình ra Quốc hội đảm bảo tạo lập được một môi trường cạnh tranh bình đẳng. Đồng thời phải cắt giảm mạnh, cắt giảm ngay các chi phí và thủ tục hành chính đang đè nặng lên người dân và DN, tạo luồng sinh khí, giải phóng sức dân, phát triển DN. Chủ tịch VCCI VŨ TIẾN LỘC Chúng ta đã nói rất nhiều đến những triết lý phát triển, điều quan trọng bây giờ là phải hành động. Vì nếu không hành động, 20 năm nữa, chúng ta sẽ vẫn nói lại những điều mà thế giới đã làm. TS LƯU BICH HỒ |