Tân Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng.
Ông bày tỏ mong muốn hợp tác chặt chẽ với các cơ quan báo chí để làm tốt chức năng, nhiệm vụ của Văn phòng Chính phủ với tình chất một đầu mối cung cấp thông tin về lãnh đạo, chỉ đạo điều hành của chính phủ, Thủ tướng, các phó thủ tướng. Cũng qua báo chí, mong nhận được ý kiến của người dân, tổ chức, doanh nghiệp để có thông tin hai chiều.
. Phóng viên: Đang là Bí thư Tỉnh ủy Hà Nam, làm việc theo nguyên tắc tập thể, giờ chuyển sang làm thủ trưởng hành chính, chịu trách nhiệm cá nhân trước mọi quyết định của mình, ông có thấy khó khăn hay lo lắng gì không?
+ Ông Mai Tiến Dũng: Đúng là cũng có những bỡ ngỡ. Khi là bí thư một tỉnh thì hoạt động theo nguyên tắc tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách. Còn cương vị mới giờ là thủ trưởng hành chính.
Thực ra, trước khi làm bí thư thì tôi đã trải qua vị trí khác nhau ở các cơ quan hành chính. Nhưng đó là tầm địa phương. Còn giờ ở trung ương, lại phụ trách một cơ quan tham mưu, tổng hợp, trực tiếp phục vụ chính phủ, Thủ tướng, các phó thủ tướng, phải kết nối với các bộ ngành, kết nối chính phủ với các địa phương... Công việc như thế thì cũng có những khó khăn, thách thức.
Nhưng tôi có lòng tin, vì đằng sau còn có bộ máy, các cộng sự trong Văn phòng Chính phủ. Rồi mình còn học hỏi kinh nghiệm từ các đồng chí lãnh đạo tiền nhiệm nữa.
. Là một trong 18 thành viên chính phủ được Quốc hội phê chuẩn mới trong đợt kiện toàn nhân sự nhà nước hậu Đại hội XII, ông nghĩ thế nào về thách thức trong ba tháng tới, khi Quốc hội khóa mới sẽ một lần nữa bầu, phê chuẩn lập chính phủ mới?
+ Chủ trương kiện toàn sớm các chức danh lãnh đạo bộ máy Nhà nước rất được cử tri, nhân dân và đảng viên cả nước quan tâm. Với chúng tôi, thì nhiệm vụ mới này chắc chắn là áp lực, là thử thách. Nhưng đó cũng là cơ hội để mỗi người nắm bắt công việc của mình.
Ai nhận nhiệm vụ mới thì cũng suy nghĩ, có chương trình hành động và có băn khoăn, lo lắng. Nhưng biết lo lắng mới là tốt. Chứ cứ nói “cái này tôi làm ngon” thì chưa hẳn đã hay.
Tôi thì chỉ đau đáu làm sao để Văn phòng chính phủ thực hiện tốt nhiệm vụ tham mưu, tổng hợp, cải cách hành chính sao cho đáp ứng được đòi hỏi của người dân, doanh nghiệp, địa phương. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng rất quan tâm tới cải cách hành chính, gắn với ứng dụng công nghệ thông tin, cởi mở và kịp thời cung cấp thông tin, tiếp nhận thông tin hai chiều...
. Ông Đinh La Thăng khi về làm bí thư TP.HCM đã quyết thiết lập đường dây nóng để lắng nghe trực tiếp tâm tư, nguyện vọng, phản ánh của người dân. Văn phòng chính phủ liệu có sáng kiến nào để nghe được dân nhiều hơn?
+ Tôi thấy Văn phòng chính phủ đã làm khá tốt việc chuyển tải thông tin về chỉ đạo, điều hành của chính phủ, Thủ tướng. Chiều xuống như vậy là tốt rồi nhưng chiều lên - tức là tiếp nhận thông tin từ phía người dân, tổ chức, doanh nghiệp - đã làm rồi nhưng chưa được nhuyễn. Cổng thông tin điện tử của chính phủ hằng tháng đều cập nhật dư luận xã hội, báo chí. Nhưng tới đây sẽ tính cách nào đó để làm tốt hơn.
. Vừa qua, đã có những bộ trưởng như bà Nguyễn Thị Kim Tiến - Bộ trưởng Bộ Y tế sử dụng Facebook để tương tác với công chúng. Cổng thông tin điện tử chính phủ cũng đang thí điểm sử dụng mạng xã hội để chuyển tải thông tin về hoạt động của chính phủ. Ông có ý định tham mưu cho Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khai thác công cụ này? Liệu Thủ tướng có hào hứng với ý tưởng ấy?
+ Câu hỏi này khó. Nhưng tôi nghĩ nhiệm kỳ Thủ tướng nào cũng đều hướng tới làm việc tốt nhất cho dân, cho nước. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là người rất cởi mở. Vừa được QH bầu là ông đã dành thời gian tiếp báo chí rồi.
Còn việc sử dụng mạng xã hội thế nào, tôi nghĩ cái gì cũng có tính hai mặt. Có thể thủ tướng nước này, nước kia dùng nhưng hiệu quả thế nào thì cũng có đánh giá khác nhau.
. Ở cương vị công tác mới, ông chọn vấn đề nào làm đột phá cho Văn phòng chính phủ? Ông có từ khóa, slogan nào không?
+ Không. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trong bài trả lời phỏng vấn báo chí đầu tiên đã nêu ra sáu nhiệm vụ ưu tiên của chính phủ. Vậy tôi nghĩ đó cũng chính là chương trình hành động của chính phủ, của Thủ tướng. Nhiệm vụ của Văn phòng chính phủ là tham mưu, giúp việc để chính phủ thực hiện được sáu nhiệm vụ trọng tâm ấy.